Tuần trước, báo Hy Lạp To Vima đưa tin, Thủ tướng Alexis Tsipras đã từng hỏi vay Tổng thống Putin 10 tỉ USD để Athens có thể sử dụng nguồn ngoại tệ này phục vụ cho việc đưa đồng drachma "tái xuất" thay thế cho đồng euro.
Theo báo này, Nga đã tính đến khả năng trả trước cho Hy Lạp 5 tỉ USD để đổi lấy việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt qua Hy Lạp, một phần của dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ mà hai nước đã kí kết hợp tác hồi tháng 6 vừa qua.
Bloomberg nhận định, To Vima là một tờ báo có tiếng ở Hy Lạp, nắm bắt rất rõ nội tình Athens với nhiều nguồn tin chính trị đáng tin cậy. Mặc dù vậy, hôm 22/7 vừa qua phía Nga đã phủ nhận việc được Hy Lạp nhờ trợ giúp.
Tuy nhiên, theo phân tích của Bloomberg, nếu Hy Lạp thực sự đã nhờ Nga trợ giúp, việc này sẽ làm sáng tỏ nhiều điều.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, cựu Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis cho biết trong nội bộ nước này đã có một nhóm 5 người được giao nhiệm vụ lập kế hoạch chuẩn bị cho trường hợp Hy Lạp rời khỏi Eurozone.
Theo ông Varoufakis, để làm được điều đó, Hy Lạp cần những nguồn lực từ sự hỗ trợ bên ngoài, cụ thể là Nga và Trung Quốc.
Ngay từ đầu, Trung Quốc đã cho thấy họ không mặn mà gì với việc giúp đỡ Hy Lạp. Trong khi Thủ tướng Lý Khắc Cường họp mặt với các chính trị gia EU hồi tháng 6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã khẳng định, "Bắc Kinh hi vọng Hy Lạp sẽ ở lại Eurozone".
Nhưng phía Nga lại tỏ ra "hào phóng" hơn hẳn. Thàng 5 vừa qua, Thứ trưởng Tài chính Sergey Storchak thậm chí còn đề cập đến khả năng các quốc gia trong nhóm BRICS có thể giúp đỡ Hy Lạp với những khoản vay cần thiết để ra khỏi Eurozone.
Theo Bloomberg, đây có thể là lý do tại sao ông Tsipras đã lập tức tìm đến ông Putin hôm 6/7, ngay sau khi Hy Lạp bỏ phiếu từ chối thẳng thừng các đề xuất hỗ trợ tài chính của các chủ nợ.
Đáng chú ý là chỉ hai hôm sau, tức ngày 8/7, Chủ tịch EU Donald Tusk đã nói thẳng với ông Tsipras: "Hãy tìm đến sự trợ giúp từ những người bạn thay vì kẻ địch, nhất là khi những kẻ địch ấy không thể giúp mình".
Nhìn lại, có thể thấy dường như "kẻ địch" mà ông Tusk nhắc đến là Nga. Nói cách khác, việc Hy Lạp tìm đến sự trợ giúp của ông Putin nhiều khả năng đã xảy ra thật.
Tuy nhiên, theo nhà ngoại giao Nga Alexander Baunov thuộc Trung tâm nghiên cứu Carnegie tại Moscow, nếu thực sự đã được nhờ giúp đỡ, thì việc Putin từ chối Hy Lạp cũng là điều không có gì bất ngờ, bởi Nga không được lợi gì mấy nếu làm như vậy.
Ông Baunov nhận định, có được sự hậu thuẫn của Hy Lạp vào thời điểm này cũng chẳng có nhiều ý nghĩa vì tình hình bất ổn của quốc gia này. Do đó, nếu được chọn, Nga thà làm phật ý Athens còn hơn tiếp tục đối đầu với EU.
Một số nhà phân tích khác thậm chí còn cho rằng, việc Putin từ chối giúp đỡ Hy Lạp là một cử chỉ thiện ý của Nga nhằm "lấy lòng" Thủ tướng Đức Angela Merkel
Tóm lại, Bloomberg nhận định, ông Putin trong thời gian gần đây đang cho thấy ý định muốn hợp tác cùng phương Tây, nhằm thể hiện rằng Tổng thống Nga là một lãnh đạo có trách nhiệm, và chỉ cứng rắn trong các vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích quốc gia của Nga.
Hãy cùng chờ xem các nước phương Tây sẽ phản ứng ra sao trước những động thái mới đến từ "kẻ địch" - ông chủ điện Kremlin.