Trong một bài viết được đăng tải mới đây, báo Đức DWN đã chỉ ra 2 dấu hiệu rất rõ ràng cho thấy căng thẳng giữa Nga và Mỹ đang hạ nhiệt.
Dấu hiệu đầu tiên thể hiện trong bài phỏng vấn của Tổng thống Mỹ Barack Obama trên tờ New York Times hồi giữa tháng 7.
Chỉ vài tuần trước đó, giới chính trị gia Mỹ vẫn coi Nga là một trong những mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với an ninh quốc gia, còn giờ đây, Tổng thống Obama lại khẳng định thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran không thể đạt được nếu thiếu Nga.
Kông chỉ vậy, Tổng thống Mỹ đã dùng những lời lẽ hết sức thân thiện để ca ngợi vai trò mang tính xây dựng của người đồng cấp Putin và đoàn đàm phán Nga.
Thêm vào đó, thay vì những ngôn từ cứng rắn dành cho Nga mỗi khi đề cập tới vấn đề Ukraine, ông chủ Nhà Trắng giờ đây chỉ nói về "sự khác biệt" trong cách đánh giá tình hình.
Tổng thống Mỹ cũng bày tỏ tin tưởng rằng Nga đang chuẩn bị để dịu giọng hơn về Syria, bởi người Nga đã nhận ra Tổng thống Syria Assad al-Assad, một đồng minh của Putin, đang ngày càng để mất nhiều đất vào tay IS.
Dấu hiệu thứ 2, theo DWN, là tin vui tới từ Ukraine. Ly khai ở Donbass đã bắt đầu rút vũ khí hạng nặng khỏi giới tuyến mà không cần bất cứ điều kiện tiên quyết nào.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry đang cố gắng tìm cách ổn định tình hình ở Ukraine. Chuyến viếng thăm của ông Kerry tới Moscow vài tháng trước đây đã cho thấy sự khởi đầu của một nỗ lực hợp tác chung theo hướng này.
Theo phân tích của báo Đức, cả Nga và Mỹ đều có những lý do khác nhau để không làm căng thẳng tình hình thêm nữa.
Washington nhận ra rằng sự ủng hộ của họ với chính quyển Kiev không thể mang lại những một trật tự mà họ mong muốn, khi mà tình hình ở miền Đông vẫn chưa "yên ấm" thì miền Tây lại tiếp tục hỗn loạn, lực lượng cực hữu kéo tới tận Kiev biểu tình.
Trong khi đó, Moscow đã thấy thảm họa tài chính và rất ưng ý khi EU "chìa tay" giúp Ukraine thanh toán tiền khí đốt.
Sự tan băng trong quan hệ Nga-Mỹ, theo đánh giá của báo Đức lại là tiếng chuông cảnh báo đối với EU về một tương lai "cay đắng".
Các quốc gia EU buộc phải hứng chịu một cái giá đắt cho những biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga khi nó ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế của các quốc gia này.
Thêm nữa, hi vọng hợp tác kinh tế với Iran sau thỏa thuận hạt nhân lịch sử dường như chỉ là "ảo tưởng", bởi không giống như Moscow, EU không hề có bất cứ liên lạc nào với Tehran trong suốt thời gian trừng phạt quốc gia này.
Điều nguy hiểm nhất, theo DWN, chính là việc Ukraine sẽ trở thành gánh nặng cho người dân châu Âu sau khi họ hỗ trợ tài chính cho Kiev. Thiệt hại này thậm chí có thể sẽ lớn gấp nhiều lần so với những gì họ trải qua với Hy Lạp.
Chính vì vậy, DWN cho rằng, đã đến lúc EU cần hành động càng sớm càng tốt. Không chỉ nhanh chóng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga, EU nên có lập trường riêng về chính trị quốc tế cũng như những động thái mang tính độc lập với Mỹ. Nếu không, họ sẽ phải trả một cái giá rất đắt.