Hy Lạp đang thành 'con tốt' giữa NATO và Nga?

Phạm Khánh |

Theo Business Insider (BI), khi tiền mặt cạn kiệt, kinh phí dành cho quân sự biến mất, Hy Lạp có thể sẽ bị biến thành một "con tốt" chính trị trong mối quan hệ NATO - Nga.

BI đưa tin, chỉ một ngày sau khi cuộc trưng cầu dân ý lịch sử của Hy Lạp kết thúc, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã liên lạc với Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras để bày tỏ sự ủng hộ đối với người dân Hy Lạp, tăng cường hơn nữa mối quan hệ ngày càng bền chặt mà hai nước đã xây dựng kể từ khi ông Tsipras lên làm thủ tướng cách đây 6 tháng.

Đối với nhiều nhà lãnh đạo và phân tích phương Tây, đây là nước cờ của ông Putin nhằm lái Hy Lạp vào phạm vi ảnh hưởng của Moscow để chia rẽ NATO.

Ông Tom Wright, giám đốc Dự án Trật tự Quốc tế và Chiến lược của Viện Brookings nhận định: "Moscow và Athens có mối quan hệ mới, do đó, NATO lo ngại về cách thức mối quan hệ này sẽ phát triển trong tương lai.

Nó trở thành một phần quan trọng trong khuôn khổ địa chính trị xung quanh châu Âu hiện nay".

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Mặc dù là một thành viên ít tích cực của NATO so với các thành viên khác kể từ khi gia nhập vào năm 1952, nhưng trong nhiều năm, Hy Lạp vẫn là một trong những quốc gia có chi tiêu cao nhất cho quân sự trong số 28 quốc gia thành viên, chủ yếu là do lo sợ những nguy cơ từ nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ.

BI cho hay, năm nay, Hy Lạp dành 2,4% trong số 238 tỷ USD Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) để chi tiêu cho quốc phòng, cao thứ hai trong NATO và chỉ sau Mỹ với 3,6% GDP.

Theo NATO, bất chấp xu hướng giảm chi tiêu quốc phòng ở châu Âu và cuộc khủng hoảng tài chính, năm nay, Hy Lạp vẫn tăng chi tiêu quốc phòng lên 0,1% so với năm ngoái.

Khoảng 74% chi tiêu quân sự dành cho các chi phí cá nhân như lương hưu và tiền lương. Tuy nhiên, với tình trạng hiện nay, Athens khó có thể duy trì được chính sách này.

Hôm 7/7, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, Hy Lạp chỉ còn vài ngày chứ không phải vài tuần nữa để tự cứu mình khỏi vỡ nợ. Bà cũng cho rằng, những chi tiêu quân sự lớn sẽ tự biến mất.

Thiếu Hy Lạp, NATO sẽ gặp khó khăn? (Ảnh minh họa)

Thiếu Hy Lạp, NATO sẽ gặp khó khăn? (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, tờ Telegraph dẫn lời ông Martin Schulz, Chủ tịch Nghị viện châu Âu cho hay: "Nếu không có tiền cứu trợ, tiền lương sẽ không được thanh toán, hệ thống y tế sẽ ngừng hoạt động, mạng lưới điện và giao thông công cộng cũng sẽ sụp đổ và họ sẽ không thể nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu vì không có tiền".

Trong bối cảnh đó, NATO vẫn khẳng định không bỏ rơi Hy Lạp. 

Hôm 6/7, một quan chức NATO cho hay: "Tổng thư ký NATO đã khẳng định, Hy Lạp là một đồng minh rất gắn bó và chính phủ Hy Lạp đã nhấn mạnh rằng họ luôn giữ vững các cam kết với NATO.

Cuộc khủng hoảng nợ và tư cách thành viên NATO của Hy Lạp không có mối liên hệ gì với nhau".

Mặc dù cam kết với NATO, nhưng Hy Lạp không chắc liệu cuộc khủng hoảng tài chính có ảnh hưởng tới hoạt động với các thành viên khác của NATO hay không.

Mỹ hiện đang có một căn cứ hải quân nhỏ trên đảo Crete. Căn cứ này không xa bờ biển của Syria, Jordan, Liban và Israel, cho phép Mỹ can thiệp nhanh chóng trong trường hợp có xung đột.

Và nếu Hy Lạp rơi vào cảnh vỡ nợ thì không ai biết được tương lai của căn cứ này sẽ ra sao.

Hôm 7/7, tờ Le Monde của Pháp cũng có bài phân tích về những hậu quả địa chính trị có thể xảy ra nếu Hy Lạp rời khởi khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone.

Le Monde dẫn lại nhận định của Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng khủng hoảng Hy Lạp là một mối nguy hiểm không chỉ cho sự ổn định tài chính toàn cầu mà còn đe dọa đến hệ thống chỉ huy quân sự của NATO tại phía Đông Địa Trung Hải.

Giáo sư Georges Prevelakis thuộc Đại học Paris I cho rằng: "Đảm bảo một nước Hy Lạp ổn định về chính trị và kinh tế sẽ giúp ổn định khu vực và châu Âu hóa vùng Balkan. Nhưng giờ đây, chính Hy Lạp lại đang bị Balkan hóa".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại