Quyền lực tuyệt đối và nhiều thời gian
Kể từ khi lên nắm quyền cách đây một năm, ông Tập Cận Bình đã chứng tỏ mình là nhà lãnh đạo mạnh mẽ nhất của Trung Quốc từ khi Đặng Tiểu Bình phát động cải cách thị trường trong một cuộc họp lịch sử của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1978.
Một cuộc họp tương tự vào thứ Bảy tuần này (9/11) sẽ xác định xem liệu ông Tập có thể hiện được quyền lực và tầm nhìn giống Đặng Tiểu Bình đã làm hay không qua việc thiết lập một lộ trình phát triển mới cho Trung Quốc.
Hội nghị Trung ương lần thứ 3 Khóa 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc với 376 ủy viên sẽ thảo luận và thông qua những cải cách nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ dựa vào xuất khẩu và xây dựng cơ sở hạ tầng sang dựa vào tiêu dùng và đổi mới.
Mô hình tăng trưởng cũ đã biến đổi mạnh mẽ Trung Quốc trong ba thập kỷ qua, nâng cao đời sống cho đa số người dân, tạo ra một tầng lớp trung lưu và mang lại nhiều đặc quyền cho một nhóm các công ty nhà nước lớn cũng như giới siêu giàu. Nhưng quốc gia này cũng đang phải đối mặt với một nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, dân số già đi nhanh chóng, nợ chính quyền địa phương tăng cao và người dân ngày càng tức giận với các vấn đề như ô nhiễm môi trường, tham nhũng và quyền sở hữu đất nông nghiệp.
Năm qua, ông Tập đã dành nhiều thời gian xây dựng uy tín chính trị bằng việc củng cố quyền lực với quân đội và bắt tay thực thi một chiến dịch chống tham nhũng mạnh mẽ bất thường. Ông cũng đã phát động một chương trình “tự phê bình” trong Đảng kéo dài suốt cả năm.
Nạn quan tham có được giải quyết tại Trung Quốc?
Tuy nhiên, một câu hỏi để còn ngỏ trước Hội nghị Trung ương 3 là liệu ông Tập có sử dụng sức mạnh chính trị tích lũy được trong năm đầu tiên của mình để thúc đẩy những thay đổi mà người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào chưa thực hiện được.
“Ông Tập có hai lợi thế: quyền lực tuyệt đối và nhiều thời gian”, Huang Jing, chuyên gia nghiên cứu chính trị Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Singapore nhận xét. “Những gì ông ấy cần làm, giống như Đặng Tiểu Bình năm 1978, là tạo ra động lực và phải chắc chắn nhận được sự ủng hộ của công chúng”.
Hội nghị Trung ương 3 sẽ là cơ hội đầu tiên để ông Tập hoạch định các kế hoạch của mình. Giới chức Trung Quốc càng đặt nhiều kỳ vọng khi ví sự kiện này như các hội nghị Trung ương 3 năm 1978 và 1993, khi đó Đặng Tiểu Bình và các cộng sự của mình đã phải rất khó khăn mới vượt qua những người phản đối cải cách.
Tập Cận Bình có vượt được cái bóng của Đặng Tiểu Bình?
Điều rủi ro với ông Tập là do đã chứng tỏ mình là nhà lãnh đạo ưu việt của Trung Quốc và đã tăng kỳ vọng cải cách lên quá cao, nên chính ông sẽ phải lãnh trách nhiệm nếu Hội nghị không đưa ra được thay đổi ở quy mô tương tự như Đặng Tiểu Bình từng phát động.
“Uy tín của ông Tập như đang đu trên dây”, Barry Naughton, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Đại học California, San Diego đã viết như vậy trong một bài báo đăng trên trang China File của Asia Society. “Nếu không có các biện pháp cải cách kinh tế nghiêm túc, chính quyền của ông Tập sẽ nhanh chóng bị xem như thụt lùi và tệ hơn, là chả có liên quan gì đến các vấn đề kinh tế thực sự của Trung Quốc”.
Một số khách quốc tế tham dự Hội nghị, trong đó có cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown và nhà chính trị học người Mỹ Francis Fukuyama, cho biết tài liệu dự thảo đã đề cập tới nhiều vấn đề cải cách và sẽ được đưa ra bàn thảo những ngày tới đây.
Ô nhiễm môi trường đang trở thành vấn đề xã hội nhức nhối của Trung Quốc
Trong số đó, có vấn đề tự do hóa lãi suất để người gửi có nhiều tiền lãi hơn từ các khoản tiết kiệm của họ; cho phép lao động nhập cư bán hoặc thế chấp đất đai và tiếp cận phúc lợi xã hội ở các thành phố; và cải cách tài khóa giúp chính quyền địa phương quản lý nợ tốt hơn.
Thế nhưng, theo chính các ủy viên trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, có một số nội dung quan trọng như đổi mới chính trị, cải cách doanh nghiệp nhà nước hay sự can thiệp của chính quyền địa phương vào các công việc của tòa án... không có trong chương trình nghị sự lần này. Điều đó cho thấy vẫn còn những ý kiến phản đối cải cách được Trung ương đề xuất.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng phát đi những tín hiệu khác biệt với một trong những cải cách hữu hình nhất được công bố gần đây, đó là khu vực thương mại tự do mới ở Thượng Hải nhằm nới lỏng những hạn chế về đầu tư nước ngoài và giao dịch bằng đồng Nhân dân tệ.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã so sánh khu vực này với đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc được thiết lập tại thành phố Thâm Quyến phía Nam vào năm 1980 khi cha của Tập Cận Bình, ông Tập Trọng Huân phụ trách tỉnh Quảng Đông liền kề.
Nhiều nhà đầu tư tiềm năng đã rất thất vọng khi cả ông Lý Khắc Cường, vị Thủ tướng được coi là người ủng hộ mạnh mẽ khu vực thương mại tự do và các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã không tới dự lễ khai mạc.
“Vì vậy, rõ ràng không phải mọi ủy viên trong Đảng Cộng sản Trung Quốc đều muốn thúc đẩy cải cách mạnh mẽ, dù ngày khai mạc đã cận kề”, Christopher Johnson và Bonnie Glaser, hai chuyên gia về chính trị Trung Quốc đã nhận xét trong một bài báo viết cho Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tuần trước.
“Điều này chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi một số đề xuất cải cách đe dọa cắt giảm đặc quyền mà nhiều nhóm lợi ích có chức vụ đang được hưởng”.