Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap cho rằng Hàn Quốc cần phải duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả Nga và Mỹ, bởi cả 2 quốc gia này đều là đối tác quan trọng của Hàn Quốc. Nếu căng thẳng giữa Mỹ và Nga tiếp tục leo thang và Hàn Quốc không thể xử lý một cách khôn khéo vấn đề ở Ukraine, Hàn Quốc có thể rơi vào vũng lầy của một cuộc "Chiến tranh Lạnh" Moscow - Washington.
Hàn Quốc nhận định việc giải quyết vấn đề bất ổn ở Ukraine còn khó hơn giải quyết vấn đề hạt nhân ở Triều Tiên. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 18, Cựu ngoại trưởng Hàn Quốc Song Min Soo nhận định, Nga đã không thể can thiệp vào Crimea nếu sau năm 1991, khi Liên Xô tan rã, Ukraine không từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Năm 1994, Ukraine trở thành quốc gia sở hữu hạt nhân lớn thứ 3 trên thế giới. Tuy nhiên, sau khi hợp tác thương mại với các cường quốc, quốc gia này đã cam kết từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi sự an toàn cho quốc gia. Ban đầu, "mô hình Ukraine" được sử dụng như một ví dụ để áp dụng trong trường hợp của Triều Tiên. Tuy nhiên trong tình hình hiện nay, nó lại rở thành một sự bất lợi. Chính phủ Hàn Quốc sẽ càng khó khăn hơn trong việc thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Đồng thời, việc Nga can thiệp vào Crimea có thể gửi đi một thông điệp sai lầm tới nhà lãnh đạo Kim Jong Un rằng, cách tốt nhất đối với chính phủ Triều Tiên là giữ vũ khí hạt nhân như một biện pháp tự vệ chính phủ của mình.
Để làm rõ cho quan điểm này, Yonhap dẫn lời môt học giả Hàn Quốc giấu tên cho rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tạo ra một tiền lệ cho Trung Quốc về việc can thiệp quân sự vào Triều Tiên trong tương lai.
Theo học giả này, nếu chính phủ của Kim Jong Un sụp đổ, Bắc Kinh có thể tiến hành tấn công quân sự nhằm Bình Nhưỡng với cái cớ là bảo vệ người dân Trung Quốc đang sinh sống tại Triều Tiên. Điều này sẽ ngăn cản chính phủ Hàn Quốc hợp nhất bán đảo Triều Tiên như mục tiêu đề ra.
Thêm vào đó, trong khi Hoa Kỳ và EU đang đưa ra những đòn trừng phạt đối với Nga, hợp tác kinh tế ba bên Nga, Triều Tiên, Hàn Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nếu chính phủ Hàn Quốc đồng ý ủng hộ phương án của Mỹ và EU, cắt đứt quan hệ với Nga thì kinh tế Hàn Quốc sẽ bị tổn hại nghiêm trọng.
Đó là lý do tại sao Hàn Quốc hiện vẫn chưa quyết định trừng phạt kinh tế đối với Nga, và phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tai Young cũng tuyên bố Seoul chưa công nhận nền độc lập ở Crimea, vị học giả này giải thích.
Cũng theo Yonhap, mặc dù vòng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân ở Triều Tiên đang rục rịch khởi động trở lại, song trong tình hình căng thẳng, Mỹ - Nga đối đầu như hiện nay, động thái khởi động đàm phán có thể gây ra sai lầm.