Hồ sơ 4.000 trang Philippines kiện đường lưỡi bò của TQ có gì?

Ngày 30.3, Philippines đã chính thức chuyển gần 4.000 trang hồ sơ tới tòa án quốc tế ở The Hague trong vụ kiện Trung Quốc về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario thì bộ hồ sơ này đã giải thích các giá trị pháp lý và cơ sở mà Philippines dựa vào để kiện các yêu sách vô lý của Trung Quốc.

4.000 trang hồ sơ này gồm các nội dung:

+ Tập 1 bao gồm các phân tích của Philippines, dài 270 trang, với nội dung về “pháp lý và các bằng chứng có liên quan”.

+ Ngoài ra, tập 1 còn nói rằng Tòa án trọng tài có thẩm quyền đối với các tuyên bố của Philippines và Tuyên bố về yêu cầu bồi thường của Philippines

+ Phần còn lại của bộ hồ sơ, từ tập 2 đến tập 10, là các tài liệu, bằng chứng và bản đồ hỗ trợ cho các tuyên bố của Philippines đối với các đảo tranh chấp.

+ Nội dung từ tập 2 đến tập 10 có độ dài gần 3.700 trang, chứa gần 40 bản đồ có vai trò là bằng chứng hỗ trợ cho tập 1.

+ Người đứng đầu Hội đồng tư vấn pháp luật Philippines Francis Jardeleza cho biết bộ hồ sơ cũng nói về vụ tranh chấp đối với đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) mà Trung Quốc áp đặt lên Biển Đông.

Theo ông Del Rosario, bộ hồ sơ này có nhiệm vụ “bảo vệ những gì hợp pháp của chúng ta. Nó sẽ đảm bảo cho tương lai con em chúng ta. Nó cũng sẽ đảm bảo tự do hàng hải cho tất cả các quốc gia, giúp đỡ bảo vệ hòa bình trong khu vực, góp phần gìn giữ an ninh và ổn định”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về việc Philippines nộp hồ sơ lên Tòa án quốc tế. Trước đó, Bắc Kinh đã kêu gọi Manila giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán song phương.

Từ tháng giêng năm ngoái, Philippines đã gửi đơn kiện của mình đến Tòa án Quốc tế về luật biển sau những “tuyên bố quá mức” của Trung Quốc ở biển Đông.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã lên tiếng không công nhận Tòa án trọng tài quốc tế. Trung Quốc đã dựa trên các tấm bản đồ cổ để đưa ra yêu sách và tuyên bố họ có “chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo trên biển Đông và vùng biển liền kề”.

Chuyên gia phân tích an ninh Rommel Banlaoi cho biết có khả năng nếu thấy Tòa án quốc tế đứng về phía Philippines trong vụ kiện này, Trung Quốc sẽ xử lý bằng cách không tham gia ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại