Cần 800, đào tạo được 230
Nga và các quốc gia độc lập từng thuộc Liên Xô trước đây có chỉ số an toàn hàng không thấp nhất thế giới năm 2009, với tỷ lệ tai nạn cao gấp 13 lần mức trung bình, theo Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế. Một trong các nguyên nhân là tình trạng thiếu phi công.
Tình trạng thiếu phi công trầm trọng đang làm ảnh hưởng tới vấn đề an toàn bay.
Theo ước tính, Nga có khoảng 10.000 phi công dân dụng, nhưng mỗi năm có 1.000 người nghỉ hưu hay ra nước ngoài làm việc. Nga cần ít nhất 700-800 phi công mới mỗi năm, theo Yevgeny Bachurin, cựu giám đốc cơ quan vận tải hàng không. “Lớp phi công trước đang già đi và nghỉ hưu rất nhanh, chúng ta lại không đào tạo đủ số phi công mới cần thiết. Khi Liên Xô còn tồn tại, mỗi năm ta đào tạo 1.300 phi công. Con số hiện nay là 230”, ông Bachurin cho biết.
Bị hấp dẫn bởi các loại máy bay hiện đại và lương bổng cao, những phi công nhiều kinh nghiệm của Nga ồ ạt tìm việc làm ở nước ngoài sau khi Liên Xô sụp đổ. Các hãng hàng không Nga phải hối hả tìm những phi công mới vừa tốt nghiệp.
Trung bình hệ thống đào tạo của Nga do nhà nước điều hành cung cấp 650 phi công mới, nhưng cũng không đủ đáp ứng nhu cầu. Do đó các chuyên gia cho rằng các hãng hàng không cần tích cực hơn trong việc cung cấp ngân sách cho việc đào tạo cơ bản của phi công.
Theo giám đốc công ty tư vấn Aviapersonal, Anastasia Miroshnichenko, “tình trạng thiếu hụt là hậu quả của thời kì khủng hoảng kinh tế những năm 1990. Trong năm 2010, hãng Aeroflot phải cho ngừng hoạt động 10 máy bay vì những phi công đã đạt đến giới hạn số giờ bay trong 1 năm”.
Để giải quyết tình trạng này, Bộ Giao thông Nga đã tăng giới hạn số giờ bay hàng năm từ 800 giờ lên 900 giờ. Các chuyên gia cho rằng biện pháp này sẽ có tác động tiêu cực đến an toàn bay. Các nhân viên của Aeroflot cũng đã gửi thư đến tổng giám đốc phàn nàn rằng công ty đang vi phạm các quy tắc an toàn bay.
Một giải pháp giải quyết tình trạng này là cho phép phi công nước ngoài vào làm việc. Hiện nay chỉ công dân Nga mới có thể làm phi công các chuyến bay trong nước, nhưng một số hãng đã "xé rào' vì tình hình thiếu phi công quá nghiêm trọng.
Chỉ có 6 trung tâm đào tạo được chứng nhận
Các chuyên gia cũng cho biết chất lượng đào tạo phi công tại Nga đã suy giảm nghiêm trọng so với thời Liên Xô. Học viên khi tốt nghiệp chỉ đạt chưa tới một nửa thời gian bay so với tiêu chuẩn 150 giờ của các trường dạy bay phương Tây.
Một trung tâm huấn luyện phi công của Nga
Tháng 3/2011, hãng Aeroflot khai trương trung tâm đào tạo phi công dân sự của riêng mình. Chỉ riêng hãng hàng không quốc doanh này có khoảng 900 phi công, và cần 250 phi công mới mỗi năm. Theo giám đốc Aviapersonal: “Ngành kinh doanh đào tạo phi công ở Nga hầu như không tồn tại. Tại Mỹ có hơn 600 trung tâm đào tạo được chứng nhận, trong khi ở Nga chỉ có 6. Nếu ngành này không phát triển, tương lai của các phi công Nga rất mờ mịt”.
Trong khi đó, giới chức Nga chọn giải pháp cải tổ toàn diện chương trình đào tạo phi công. Theo Bộ Giao thông Nga, cấu trúc chương trình hiện nay, có từ thời Liên Xô, quá dài và nặng lý thuyết. Họ muốn áp dụng kiểu chương trình của phương Tây, chỉ tốn một nửa thời gian so với chương trình hiện nay, và cũng đồng thời tương thích với các khuyến nghị của Cơ quan hàng không dân dụng quốc tế ICAO.
Trước đây, theo hệ thống đào tạo cũ của Liên xô, những người muốn trở thành phi công trước hết phải đạt yêu cầu về đào tạo đại học chính quy. Đây là một điểm gây tranh cãi từ lâu tại Nga. Theo đó, những người này trước tiên phải học 3 năm theo chương trình giáo dục đại học, chủ yếu học các môn đại cương như toán, kinh tế xã hội, khoa học cơ bản, đồng thời học khoá đào tạo phi công 5 năm tại 1 trong 2 trung tâm ở St. Petersburg hoặc Ulyanovsk.
Tuy kéo dài như vậy nhưng theo Vitaly Savelyev, tổng giám đốc Aeroflot, hệ thống này tạo ra những phi công không đủ trình độ tiếng Anh cần thiết và thiếu kinh nghiệm bay thực tế.
Còn nếu theo chương trình đào tạo mới, phi công sẽ chỉ phải học 2 năm, sau đó được cấp giấy phép để lái các máy bay hạng nhẹ. Sau khoảng 2 đến 3 năm, khi đã tích luỹ được 1.500 giờ bay thực tế, những người này có thể được lái máy bay Airbus hay Boeing. Cũng theo ông Savelyev, đến năm 2015, Nga sẽ cần ít nhất 1.000 phi công mới mỗi năm.