Lực lượng của Nga đủ biến Baltic thành "chảo lửa"
Bảo tàng hàng hải ở Kaliningrad mỗi mùa hè đều trở nên rộn ràng bởi cuộc "diễu hành" của những chiếc tàu cổ cỡ nhỏ từ khắp các quốc gia vùng Baltic trên sông Pregolva.
Thế nhưng, bà Svetlana G. Sivkova, giám đốc sáng lập Bảo tàng này, cho biết, những vị khách tới từ các quốc gia láng giềng Ba Lan và Lithuania - vốn năm nào cũng tham gia, thì năm nay lại "doạ" sẽ ở nhà.
Bà Sivkova rất sửng sốt với lý do cho sự thay đổi thái độ đột ngột của “những người thông minh, có học”: "Họ nói rằng họ không thể tới với chúng tôi bởi người Ba Lan và người Lithuania đang bị đánh đập trên các đường phố ở Kaliningrad
Một sự tuyên truyền khủng khiếp. Chúng tôi đã phải giải thích rằng điều đó không đúng sự thật, rằng chúng tôi là những người rất cởi mở".
Báo Mỹ New York Times cho hay, các quan chức quân đội cấp cao cũng như nhiều chuyên gia phương Tây giờ đây đang coi Baltic như một "đường đứt gãy lớn" trong căng thẳng Đông – Tây.
Sau khi Nga sáp nhập Crimea, tiến hành các động thái quân sự ở đông Ukraine và Syria, phương Tây đã nảy sinh nhiều mối lo ngại rằng, mục tiêu tiếp theo của Putin sẽ là các quốc gia vùng Baltic: Estonia, Latvia và Lithuania - các thành viên Liên minh châu Âu và NATO.
Bất cứ cuộc tấn công nhằm vào một trong ba quốc gia này sẽ khiến NATO phải thực hiện các điều khoản trong hiệp ước phòng thủ chung của mình, và bất cứ nỗ lực nào nhằm bảo vệ họ cũng đều phải đi qua Kaliningrad - vùng đất giữa Ba Lan và Lithuania.
Trong một số cuộc đối đầu mà NATO từng can thiệp, lực lượng này luôn "áp đảo", song theo các chuyên gia, Kaliningrad lại là một trường hợp khác.
Ông David A. Shlapak, tác giả báo cáo mới của RAND về Baltic nhận định, xét tổng thể, lực lượng đối trọng (của Nga) ở khu vực này rất thù địch với NATO.
Trong phiên điều trần trước quốc hội Mỹ hồi tháng Một, Tướng Philip M. Breedlove, Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Châu Âu, đã mô tả Kaliningrad là "vùng đất được quân sự hoá rất kỹ càng", hoàn toàn có khả năng đẩy lùi các cuộc tấn công đường không, đường biển hoặc đường bộ.
Trong nhiều năm gần đây, Moscow đã trang bị nhiều vũ khí có hiệu quả sát thương cao ở Kaliningrad- tiền đồn quan trọng của Nga, đủ để ngăn chặn bất cứ kẻ xâm nhập nào.
Hạm đội Baltic - vốn đã giảm "quân số" tàu và tàu ngầm ở thời kỳ hậu Xô Viết, nay lại được tái tăng cường trở lại, và theo các chuyên gia, hạm đội này vẫn còn đủ mạnh để biến Baltic trở thành "chảo lửa" chết người.
Một tàu chiến Nga tới cảng quân sự Baltiisk ở Kaliningrad.
Chiến tranh không phải là mối lo lớn nhất
Thế nhưng, chiến tranh không khiến cư dân Kaliningrad - những người suốt nhiều năm qua đã chứng kiến lực lượng NATO ngày càng tiến gần hơn tới Nga, lo lắng bằng hậu quả về kinh tế mà họ đang phải gánh chịu - giá dầu thấp, các biện pháp trừng phạt, đồng rúp suy yếu.
Theo New York Times, có vẻ như những hậu quả của mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Nga và phương Tây đều đang đổ dồn xuống Kaliningrad.
BMW, một trong những nhà sử dụng lao động lớn nhất tại khu vực này, đã huỷ kế hoạch mở rộng hoạt động của mình sau khi doanh số bán xe sụt giảm 40%. Các cuộc giao lưu văn hoá gần đây đã bị cắt giảm mạnh.
Những khoản vay từ các ngân hàng châu Âu cho hoạt động phát triển đã phải dừng lại.
"Hợp tác với các quốc gia châu Âu là một nguồn tốt cho các khoản vay lãi suất thấp, nhưng giờ đây, chúng tôi đã không còn cơ hội đó. Vì các biện pháp trừng phạt mà các dự án trong tương lai đang bị đóng băng", Alexander N. Ivaschenko, một quan chức địa phương khẳng định.
Cũng như nhiều khoản viện trợ khác, viện trợ phát triển từ Thuỵ Điển từ nhiều thập kỷ nay đang đứng trước nguy cơ bị cắt hoàn toàn sau những lệnh trừng phạt kinh tế mà phương Tây áp đặt lên Nga.
Bà Anna Tufvesson, điều phối viên dự án môi trường khu vực cho Cơ quan Hợp tác Phát triển Thuỵ Điển nhận định: "Kaliningrad đang thực sự là một trong những điểm nóng lớn cuối cùng".
Nhà máy xử lý nước thải ở Kaliningrad, được Thuỵ Điển hỗ trợ xây dựng, nhiều khả năng tiếp tục bị đình trệ do các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Đối với người dân ở đây, việc "khu vực kinh tế tự do" hết hiệu lực từ ngày 1/4 đã trở thành thực tế gây sửng sốt và lo lắng hơn là một cuộc Chiến tranh Lạnh.
"Không ai biết điều gì sẽ xảy ra", Ivan A. Vlasov từ RBC cho hay.
Albert Prokhorchuk, Tổng giám đốc hãng du lịch Baltma Tours than thở, công ty ông đã mất 1/4 lượng khách du lịch Đức thường niên (4.500 người) chỉ vì căng thẳng Nga – phương Tây.
Và trong khi Ba Lan vẫn "buôn" xăng giá rẻ, thuốc lá và rượu odka sang Kaliningrad, thì cảm giác bất an đã “xâm chiếm” cả hai bên.
"Tôi không nghĩ rằng đây còn là nơi để phát triển nữa", Shumanov – một nhà hoạt động chống tham nhũng bày tỏ.
Tôi nghĩ rằng đây là nơi dành cho hoạt động quân sự hoá. Không có đầu tư, không có tiền, không có lợi ích liên bang thực sự trong khu vực này mà chỉ có các mối quan hệ xấu với láng giềng".