Hành động đâm tàu nói trên đã làm phức tạp thêm cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trung Quốc có lý do để tiếp tục khiêu khích Việt Nam bằng các giàn khoan dầu, nhưng xem ra muốn tránh leo thang có thể dẫn đến một cuộc đụng độ vũ trang với Việt Nam. Cho đến nay, phía Việt Nam đã tỏ ra kiềm chế. Nhưng vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam đang thách thức lòng kiên nhẫn của người Việt vốn đang ngày càng tức giận trước hành động khiêu khích của Trung Quốc ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam.
Theo The Diplomat, giàn khoan dầu Hải Dương 981 trị giá gần 1 tỷ USD và chi phí vận hành, bảo vệ nó tiêu tốn nhiều triệu USD mỗi ngày. Đây là một phần các lý do vì sao tàu Trung Quốc hung hãn trong việc bảo vệ vùng biển xung quanh giàn khoan và ngăn chặn các tàu chấp pháp và tàu dân sự Việt Nam đến gần giàn khoan. Với hành động này, Trung Quốc đã ngăn chặn các tàu chấp pháp Việt Nam thực thi chủ quyền của mình trên vùng biển này.
Đồng quan điểm, tờ New York Times quan ngại rằng căng thẳng đang tồn tại giữa Việt Nam và Trung Quốc quanh giàn khoan Hải Dương 981 có khả năng leo thang. Việt Nam đã khẳng định vùng biển quanh giàn khoan nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình và cân nhắc việc kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế. Báo dẫn ý kiến của ông Dennis J. Blasko, một cựu quan chức quân sự thuộc sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh, cho rằng việc Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam là diễn biến mà Mỹ rất lo ngại.
Theo tờ Los Angeles Times, Trung Quốc đang trở nên hung hăng hơn trong việc tuyên bố chủ quyền hàng hải bằng cách điều tàu cá, các tàu giám sát hàng hải và hải dương học đến những vùng biển tranh chấp. Hồi cuối tuần, các chiến đấu cơ Trung Quốc cũng bay sát các máy bay Nhật Bản trên biển Hoa Đông, khiến Tokyo phản ứng gay gắt. Báo dẫn nhận định của giáo sư Carlyle Thayer, một chuyên gia về Việt Nam ở Học viện Quốc phòng Australia, mô tả tình hình hiện tại trên Biển Đông là nguy hiểm nhất kể từ năm 1988. Tuy nhiên, ông tin rằng căng thẳng sẽ không leo thang hơn nữa do lợi ích kinh tế hai bên.
Trên tuần báo Defense News, chuyên gia Andrew Scobell thuộc Viện Nghiên cứu chính sách toàn cầu RAND Corporation (Mỹ) mới đây cảnh báo hành động đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng biển Việt Nam là một phần chiến lược gây “xung đột mức độ chậm” của Trung Quốc. Ông Scobell chỉ ra, kể từ thập niên 1970, Trung Quốc đã dần đẩy mạnh động thái nhằm tăng cường kiểm soát Biển Đông, với tham vọng khai thác nguồn thủy sản, dầu khí và khống chế các tuyến đường biển.
Chuyên gia Martin Murphy tại Trung tâm đánh giá ngân sách và chiến lược (Mỹ) thì cho rằng sự xuất hiện giàn khoan Hải Dương-981 “trong vùng biển Việt Nam” là “có thể đoán trước”. Theo ông, Bắc Kinh từ lâu đã xem các giàn khoan dầu là “lãnh thổ quốc gia di động” và có ý định dùng chúng để chiếm quyền kiểm soát các vùng biển.
Còn Giáo sư Carl Thayer tại Học viện Quốc phòng Australia nhận định hành động đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam có thể nằm trong chiến lược của Trung Quốc nhằm hợp lý hóa cái gọi là “thành phố Tam Sa” mà Bắc Kinh ngang nhiên lập ra năm 2012 để tự cho mình quyền quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ông Thayer dự đoán bước kế tiếp của Trung Quốc là sẽ lập Vùng nhận diện phòng không ở biển Đông.
Giáo sư Hà Hoàng Hợp (Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore) cho rằng "Trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng Trung Quốc vẫn mang tàu chiến, tàu hộ vệ, máy bay thám sát, tàu dò mìn... tức là nước này đã triển khai lực lượng quân sự gồm hải quân và không quân để dồn ép Việt Nam".
Giáo sư bày tỏ lo ngại, khi rút giàn khoan 981 vào tháng 8, Trung Quốc có thể đặt giàn khoan nhỏ hơn thay thế. Bản chất Trung Quốc đưa giàn khoan vào hạ đặt ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam không phải để khai thác dầu mỏ mà nhằm mục đích chính trị, khẳng định chủ quyền một cách trái phép. Xét về mặt kỹ thuật hay quân sự, đây sẽ là bước để Trung Quốc chuẩn bị tạo hạ tầng cơ sở đặt vùng phòng không trên Biển Đông.
"Từ tháng 8 sẽ có bão lớn trên vùng biển, nên việc duy trì giàn khoan lớn rất tốn kém. Mỗi ngày Trung Quốc bỏ ra 10 triệu USD cho giàn khoan đang hạ đặt trái phép và cho các phương tiện tham gia bảo vệ. Nếu rút giàn khoan hiện tại, khả năng Trung Quốc sẽ tính chuyện mang giàn khoan nhỏ ra thay thế gần như là chắc chắn", giáo sư Hợp nhận định.
Tiến sĩ Gerhard Will, từng làm việc tại Học viện về các vấn đề quốc tế và an ninh của Đức (trụ sở tại Berlin), nói: Tôi không phải là một luật sư, nhưng trong khả năng hiểu biết của tôi, việc Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là một hành động phi pháp và không được cộng đồng quốc tế công nhận. Khi Trung Quốc viện dẫn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS), họ cũng phải công nhận Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam bởi vì giàn khoan của họ đặt ở vị trí cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý. Cách đây hơn 13 năm, vào tháng 12/2000, Trung Quốc đã chấp nhận giải quyết xung đột với Việt Nam bằng cách ký Hiệp định phân định vịnh Bắc bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá trong vịnh Bắc bộ. Tôi nghĩ ngoài cách này ra, không có cách nào khác để giải quyết xung đột.
Cũng như các chính trị gia và học giả châu Âu, tôi hoàn toàn đồng ý rằng sự mất ổn định hay xung đột ở biển Đông sẽ tạo ra những hậu quả khôn lường đối với sự phát triển kinh tế ở châu Á cũng như ở hầu hết những nơi khác trên thế giới. Vì kinh tế Trung Quốc dựa trên sự hòa nhập vào thị trường thế giới, cho nên nền kinh tế của nước này sẽ hứng chịu những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Việt Nam rất đúng đắn khi cân nhắc lựa chọn “nhiều giải pháp tự vệ” nhưng Việt Nam phải phân tích vô cùng kỹ lưỡng “các giải pháp tự vệ” này nên là gì khi giải quyết xung đột với Bắc Kinh.
Giáo sư Zachary Abuza, chuyên gia về khoa học chính trị và đối ngoại khu vực Đông Á thuộc Đại học Simmons (Mỹ), nhận định: “Chỉ lên án thôi thì sẽ không đủ để ngăn chặn các hành vi của Trung Quốc nhằm khẳng định cái gọi là chủ quyền của họ trên Biển Đông. Cái Bắc Kinh quan ngại nhất là một hành động cụ thể do các nước như Việt Nam, Philippines, Indonesia hay Malaysia cùng liên minh lại để chống lại tính phi lý của những tuyên bố chủ quyền đó. Thông qua các hành động của mình, Trung Quốc cũng muốn gửi tín hiệu đến Mỹ và Nhật, những nước gần đây đang bày tỏ quan ngại vì những hành vi khiêu khích của Bắc Kinh trên biển Đông”.
Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Tan See Seng thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), nói: “Trung Quốc không thể không lo lắng trước việc các nước ASEAN xích lại quá gần với Mỹ. Bắc Kinh luôn xem chính sách “xoay trục” của Mỹ là một động thái nhằm chặn đứng sự trỗi dậy của mình và là can thiệp vào Biển Đông. Đây là điều Trung Quốc không bao giờ muốn”.