Hồi cuối tháng 6, tiến sĩ Van Jackson đã phân tích trên tạp chí The Diplomat về "sự im lặng đáng chú ý" của Hàn Quốc trước vấn đề tự do hàng hải ở Biển Đông.
Ông Jackson, giống như nhiều học giả khác, cũng nhận ra các hành vi ngang ngược và phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông đã gây bất ổn trong khu vực, qua đó ông kêu gọi Seoul có những động thái tích cực hơn.
Vị trí của Hàn Quốc trên Biển Đông
Bài viết của Tiến sĩ Robert E. Kelly trên tờ National Interest (NI) đánh giá, Hàn Quốc không chỉ là đồng minh của Mỹ, mà trong vai trò là một quốc gia thương mại phụ thuộc nhiều vào các tuyến hàng hải mở cửa và an toàn, Seoul rất xem trọng luật quốc tế về tự do hàng hải.
Mặt khác, là nước láng giềng của Trung Quốc, Seoul cũng quan tâm đến việc xã hội Trung Quốc kết nối với một cộng đồng khu vực dựa trên cơ sở các quy tắc chung.
Các quốc gia xung quanh Trung Quốc - từ Nhật Bản tới Ấn Độ - quan ngại rằng nếu nước này không chịu "lùi bước" ở Biển Đông và biển Hoa Đông, Bắc Kinh có thể sẽ "tự thấy" họ đã là "bá chủ" khu vực.
Nhiều vụ xung đột với các quốc gia trong khu vực đã khiến mối lo ngại của cộng đồng quốc tế trở nên lớn hơn, bao gồm việc Bắc Kinh từ chối tuân theo luật pháp quốc tế.
Học giả Jackson chỉ ra sự "không thoải mái" tăng dần của Mỹ đối với sự chần chừ của Seoul khi đối phó với Trung Quốc.
Bên cạnh sự im lặng trước lời kêu gọi của Washington lên tiếng về vấn đề Biển Đông, Hàn Quốc cũng nhanh chóng đăng ký gia nhập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc đứng đầu.
Theo ông Kelly, sự lo ngại của Mỹ là dễ hiểu, bởi với Washington, việc Seoul ủng hộ chiến lược liên quan tới Trung Quốc của đồng minh thân cận này "là điều dễ hiểu".
"Hàn Quốc là đồng minh của Mỹ và họ đã tiết kiệm được rất nhiều chi tiêu quốc phòng nhờ sự bảo trợ của Mỹ.
Vậy tại sao Mỹ phải cung cấp hệ thống phòng thủ 'đẳng cấp thế giới' cho Hàn Quốc nếu không nhận lại được gì?" - Học giả này cho biết.
Vì sao Seoul im lặng ở Biển Đông?
Theo NI, việc Hàn Quốc chưa tỏ thái độ về các hành động sai trái của Bắc Kinh ở Biển Đông trên thực tế đem lại những lợi ích cho Seoul và chính Mỹ.
Học giả Robert Kelly đánh giá, Hàn Quốc có thể đang "ngầm" thuyết phục và khiến Trung Quốc tin rằng nước này có thể từ bỏ "người bạn" Triều Tiên mà vẫn không bị đe dọa.
"Quan hệ Trung-Triều đang ở giai đoạn "lạnh nhất" kể từ Chiến tranh Lạnh bởi những nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ của chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye và sự 'dè dặt' cần thiết của Seoul trước Trung Quốc."
Ông Kelly cho rằng, sự rạn nứt của Bắc Kinh và Bình Nhưỡng là "bước ngoặt tuyệt vời" mà Seoul đã trông đợi cũng như thúc đẩy, thậm chí đánh đổi bằng việc không lên tiếng ở Biển Đông.
Trong suốt Chiến tranh Lạnh, Liên Xô và Trung Quốc đã cạnh tranh giành sự ủng hộ từ Bình Nhưỡng bằng những khoản viện trợ kinh tế lớn.
Tuy nhiên đến nay, quốc gia lớn nhất mà Triều Tiên có thể "ngả" theo chỉ còn Trung Quốc.
Bắc Kinh cung cấp cho Triều Tiên các nguồn nhiên liệu để duy trì sinh hoạt, và thậm chí là nơi để nước này tiến hành các hoạt động tài chính - mà thường là bất hợp pháp, theo ông Kelly.
"Nói cách khác, Trung Quốc là 'bác thợ săn cuối cùng' cần phải có trong cuộc chơi kềm hãm Triều Tiên.
Việc cắt đi huyết mạch này gần như chắc chắn sẽ khiến nước này lâm vào khủng hoảng, thậm chí là trở lại những năm đói kém trong quá khứ.
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un chắc hẳn đã cảm nhận thấy lỗ hổng này."
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và người đồng cấp Park Geun Hye họp báo tại Nhà Xanh, trong chuyến thăm cấp nhà nước của vợ chồng ông Tập tới Hàn Quốc, ngày 3/7/2014. Ảnh: THX.
Im lặng chỉ là tạm thời?
Robert Kelly nhận định, chỉ sự lạnh nhạt hay xa hơn là cắt viện trợ của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng là chưa đủ, mà còn những nỗ lực của bà Park Geun Hye đã khiến Trung-Triều dần "xa nhau" trong vài năm qua.
"Thực tế không thể phủ nhận là quân đội Mỹ hiện diện ở Hàn Quốc, vì vậy bà Park đã phải bỏ nhiều công sức 'tâng bốc' ông Tập Cận Bình, thậm chí là phải né tránh các vấn đề nhạy cảm như Biển Đông.
Nhưng điều quan trọng là kết quả thu được, Seoul có thể chia cắt Bình Nhưỡng với 'bầu sữa' Trung Quốc."
Học giả này viết trên NI rằng, trong vai trò đồng minh thân cận của Washington và là quốc gia có lợi ích trên đại dương vô cùng lớn, Hàn Quốc đến cuối cùng cũng sẽ đứng chung "chiến tuyến" với các đồng minh khác của Mỹ để chống lại Trung Quốc ở Biển Đông.
Tuy nhiên, sự "im lặng" của Seoul trên Biển Đông là một chiến lược tầm xa hơn rất nhiều đối với Mỹ-đồng minh ở bán đảo liên Triều.
Việc làm suy yếu thành công quan hệ Trung-Triều không chỉ khiến Hàn Quốc hưởng lợi trực tiếp, mà chính chiến lược "xoay trục châu Á" của Mỹ cũng có "quả ngọt".
Trong mọi trường hợp, chiến lược bá quyền châu Á của Bắc Kinh không thể tách rời 2 khu vực lớn là biển Hoa Đông và Biển Đông.
Khi sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở 1 trong 2 khu vực này yếu đi, họ không thể duy trì sự hiện diện mạnh mẽ ở khu vực còn lại.
Nếu ở Đông Bắc Á, một trong những quốc gia thân cận nhất với Bắc Kinh là Triều Tiên "cơm không lành, canh không ngọt" với nước này, sự suy yếu ảnh hưởng của Trung Quốc tại đây là hiển nhiên khi 2 nền kinh tế lớn khác của châu Á - Nhật Bản và Hàn Quốc - đã là đồng minh của Mỹ.
Bên cạnh đó, Nga - một "ông lớn" mà Trung Quốc đang tìm cách lôi kéo - lại đang có những làn sóng phản đối chính Bắc Kinh ở vùng Viễn Đông.
"Với tầm nhìn chiến lược như vậy, những gì Hàn Quốc có thể đem lại - một cách gián tiếp - cho Biển Đông từ chính bán đảo liên Triều là không thua kém những điều các đồng minh khác của Mỹ đang làm.
Và điều này thậm chí còn giá trị hơn là những tuyên bố và một sự hiện diện 'vừa vừa' của Seoul ở khu vực này."