Hôm 7-7, PCA bắt đầu phiên điều trần kín để lắng nghe Manila trình bày về vụ kiện Trung Quốc, liên quan tới yêu sách đường chín đoạn phi lý của Trung Quốc ở biển Đông.
Dù không mở công khai nhưng PCA cho phép các đoàn đại biểu nhỏ từ Việt Nam, Malaysia, Nhật Bản, Indonesia và Thái Lan tới quan sát, theo yêu cầu của các quốc gia này. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn kiên quyết từ chối tham dự phiên xử.
Philippines lập luận PCA nên can thiệp vào các tranh chấp ở biển Đông liên quan đến quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên và hải sản, dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà cả Bắc Kinh và Manila đều ký kết.
Năm 2013, Philippines nộp đơn kiện lên PCA, yêu cầu được thực thi quyền khai thác tài nguyên trong phạm vi 200 dặm tính từ bờ biển của mình (Manila tuyên bố đây là vùng đặc quyền kinh tế của họ).
Cung điện Hòa bình, nơi diễn ra phiên điều trần kín giữa PCA và Philippines hôm 7-7. Ảnh: Twitter
Bà Abigail Valte, Phó phát ngôn viên Tổng thống Philippines, cho hay Ngoại trưởng Albert del Rosario đã đề nghị PCA tuyên bố tòa có quyền tài phán đối với vụ kiện.
"Vụ kiện không chỉ quan trọng với đất nước chúng tôi mà với cả thế giới" - bà Valte nói. Luật sư Paul Reichler đại điện cho Philippines tin tưởng tòa án cuối cùng sẽ nhận phân xử vụ kiện này.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định Bắc Kinh sẽ bác bỏ phán quyết của PCA và nhất quyết không tham gia.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 7-7, bà Hoa cho biết: “Trung Quốc phản đối bất kỳ hình thức tố tụng nào do Philippines đề xuất và thúc đẩy”.
Tháng 12 năm ngoái, Bắc Kinh lập luận tranh chấp ở biển Đông “không chịu ảnh hưởng của công ước UNCLOS vì nó thuộc vấn đề chủ quyền, không phải quyền khai thác tài nguyên”.