Trong khi đó, OPEC cũng khiến Mỹ đau đầu vì giá dầu giảm, còn Nga tiếp tục đẩy mạnh hợp tác năng lượng với nhiều thế lực khác.
Putin lấn sân
Bất chấp lời kêu gọi của Washington không hợp tác dầu khí với Nga, Bộ trưởng Năng lượng Hy Lạp vừa trả lời phỏng vấn trên truyền hình Nga cho biết, thỏa thuận cung cấp tài chính cho dự án mở rộng đường ống dẫn khí đốt của Nga từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hy Lạp có thể được ký trong tháng này.
Trước đó, Washington đã kêu gọi Athens chọn đường dẫn khí đốt xuyên biển Adriatic thay cho đường ống “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kì” mà Moscow đề xuất.
Nhiều khả năng một công ty quốc doanh của Hy Lạp sẽ thực hiện dự án này trong thời gian tới với chi phí cơ sở hạ tầng khoảng 2 tỷ USD.
Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ dài 1.100km chạy xuyên Biển Đen, Thổ Nhĩ Kỳ với đích tới là Hy Lạp sẽ thay thế cho dự án "Dòng chảy phương Nam” - South Stream - một dự án chuyển khí đốt từ Nga sang khu vực Đông Nam châu Âu, vốn bị Nga dừng từ năm 2014 do những bất ổn trong mối quan hệ với châu Âu liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.
Theo kế hoạch, sau khi đi vào hoạt động từ cuối 2016, mỗi năm Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ có thể vận chuyển 63 tỷ m3 khí. Dự án này sẽ biến Hy Lạp thành trung tâm trung chuyển khí đốt mới tại châu Âu và các quốc gia EU sẽ phải tự xây dựng các đường ống dẫn từ Hy Lạp về nước mình.
Đây có thể là một giải pháp có lợi cho Nga và cả Hy Lạp khi mà thành viên EU này hồi cuối tháng 5/2015 đã tuyên bố mất khả năng trả nợ các khoản đáo hạn với IMF và đang tìm kiếm thỏa thuận giải ngân gói cứu trợ 7,2 tỷ euro.
Trong khi Hy Lạp đang xích lại gần Moscow thì siêu dự án dầu khí giữa Trung Quốc và Nga vẫn đang được thúc đẩy mạnh mẽ.
Hãng tin Sputnik cho biết, đầu tháng 6, Trung đã bắt đầu xây dựng phần nối tiếp siêu dự án đường ống dẫn khí nối sang Nga - "Sức mạnh Siberia" trên lãnh thổ nước mình.
Chỗ hàn nối đầu tiên dự định thực hiện vào cuối tháng Sáu này. Đây là động thái tiếp theo nhằm thực thi một hợp đồng mua bán khí đốt trị giá 400 tỷ USD được ký kết giữa Gazprom của Nga và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) hồi tháng 5/2014.
Tờ Reuter, hôm 27/5 cho biết, Nga đã tấn công vào thị trường dầu mỏ sân sau của Mỹ sau khi tập đoàn dầu khí hàng đầu của Nga Rosneft nhất trí đầu tư tới 14 tỷ USD cho ngành dầu khí Venezuela. Dự án này có thể sẽ tăng gấp đôi sản lượng dầu mỏ của Venezuela trong 5 năm tới, lên khoảng 2 triệu thùng/ngày.
Mỹ đuối dần trước OPEC, Trung Quốc
Năm 2014, nền kinh tế Nga đã thiệt hại nặng nề vì các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây sau sự việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea và dính dáng đến xung đột ở các tỉnh phía Đông Ukraine.
Dòng tiền hàng trăm tỷ USD ồ ạt tháo chạy ra khỏi Nga, đồng rúp mất giá, giá cả lạm phát leo thang.
OPEC cũng khiến Mỹ đau đầu vì giá dầu giảm, còn Nga tiếp tục đẩy mạnh hợp tác năng lượng với nhiều thế lực khác.
Khó khăn với Nga là rất lớn nhưng Mỹ và châu Âu cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Rất nhiều nước châu Âu lao đao vì hàng hóa bị cấm xuất khẩu vào Nga. Ông Putin trong khi đó cũng dùng con bài khí đốt để đe dọa châu Âu.
Trong bối cảnh công nghệ khai thác dầu đá phiến phát triển, Mỹ đã bất ngờ vươn lên rất nhanh và liên tục nâng cao sản lượng khai thác dầu. Giá dầu đã nhanh chóng tuột dốc trong năm 2014, dồn khó khăn rất lớn lên nên kinh tế kém đa dạng của Nga.
Đã có thời điểm, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu Hoa Kỳ thao túng giá dầu, Nga sẽ thao túng khí đốt.
Trong khi Tổng thống Mỹ Obama muốn gia tăng trừng phạt chống các công ty năng lượng của Nga như đã từng làm với Iran thì Nga có thể đáp trả bằng cách hạn chế nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu.
Bước sang đầu năm 2015, cuộc đối đầu giữa phương Tây và Nga cũng đã bớt căng thẳng. Giá dầu thế giới đã tăng có lúc lên trên 60 USD/thùng sau khi sụt giảm xuống mức 45 USD/thùng hồi tháng 1/2015.
Mức giá dầu quá thấp hồi cuối 2014 và đầu 2015 đã khiến không ít doanh nghiệp dầu đá phiến Mỹ thiệt hại, thậm chí một số doanh nghiệp nhỏ phải đóng cửa.
Thế mạnh công nghệ dấu khí đã phiến, vốn được kỳ vọng sẽ giúp Mỹ trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, đã không thể phát huy tối đa tác dụng.
Sau cả thập kỷ tìm cách thoát khỏi những ảnh hưởng không mong muốn của OPEC, Mỹ đang đứng trước nguy cơ đuối dần trong cuộc chiến tranh giành thị phần trên thị trường dầu thế giới.
Trong suốt cả năm qua, OPEC đã liên tục duy trì sản lượng dầu ở mức cao kỷ lục bất chấp giá dầu giảm để đọ sức với Mỹ. Trong cuộc họp bắt đầu từ ngày 3/6/2015, nhiều khả năng tổ chức này có thể sẽ giữ nguyên sản lượng hiện nay.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng chịu áp lực khá lớn từ nền kinh tế Trung Quốc. Năm ngoái, lần đầu tiên GDP ngang giá sức mua của Trung Quốc đã vượt Mỹ.
Để đáp ứng cho nhu cầu phát triển vẫn còn khá nóng của mình, trong nhiều năm qua, Trung Quốc tập trung phát triển các nguồn dầu khí đốt cho riêng mình.
Trong năm 2014, khi giá dầu thô xuống thấp kỷ lục 6 năm, Trung Quốc cũng đã tăng mạnh nhập khẩu mặt hàng này.
Còn gần đây, Trung Quốc đã khởi động “siêu” dự án đường ống dẫn khí nối sang Nga và cũng đã chạy thử đường ống dẫn dầu qua Myanmar, mở ra cánh cửa vận chuyển dầu từ Trung Đông về Trung Quốc.