Giá dầu 30 USD sẽ "hủy diệt" kinh tế Nga?

Tuệ Minh |

Theo đánh giá của các chuyên gia Bloomberg, nếu giá dầu thô xuống mức 30 USD/thùng sẽ không chỉ đẩy nền kinh tế Nga xuống đáy sâu, mà còn đe dọa hệ thống tài chính toàn cầu.

Giá dầu giảm trong năm tới sẽ là thách thức lớn nhất đối với Moscow, vốn chưa chuẩn bị cho một cú sốc tiếp theo vào thị trường dầu khí.

Theo hầu hết các nhà phân tích kinh tế, những thách thức khác cho năm 2016 của Nga còn có vấn đề địa chính trị, căng thẳng trong ngành công nghiệp ngân hàng và đồng ruble.

Sergey Narkevich, chuyên gia của PAO Promsvyazbank tại Moscow, cho biết: “Nếu giá dầu tiếp tục giảm thêm và ở mức thấp trong thời gian dài thì những nguy cơ về tài chính và mất ổn định kinh tế sẽ gia tăng đáng kể”.

Vốn đã phải điều chỉnh nền kinh tế trước sự tụt dốc về tiêu thụ hàng hóa trong một thế hệ do cắt giảm chi tiêu và đồng ruble yếu, Nga có thể sẽ khó đưa ra được những câu trả lời về chính sách nếu giá dầu tiếp tục giảm sâu sau khi đã mất hơn 1/3 giá trị trong năm qua.

Theo chuyên gia của tập đoàn Goldman Sachs, trong khi dầu Brent được giao dịch khoảng 45 USD một thùng, một mùa đông ấm hơn có thể làm giảm nhu cầu sưởi ấm khiến giá dầu thô có thể giảm xuống còn 20 USD.

Thực tế mới

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nga Maxim Oreshkin phát biểu tại bàn tròn Thượng viện Nga hôm 30/11, nhấn mạnh: “Tình trạng mà chúng ta đang trải qua không còn là một cuộc khủng hoảng nữa.

Đó là một thực tế mới, phản ánh mức giá mới của dầu mỏ, một tình huống mới với cán cân thanh toán”.

Giá dầu đã giảm khi các kho dự trữ của Mỹ đạt gần mức kỷ lục và tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC sản xuất vượt hạn ngạch.

Theo 30 nhà phân tích và thương gia tham gia cuộc khảo sát độc lập của Bloomberg, với dự kiến sẽ tổ chức hội nghị bàn về chính sách vào ngày 4/12 tới tại Vienna, OPEC có thể vẫn trung thành với chiến lược bảo vệ thị phần của mình bằng cách duy trì đầu ra và điều chỉnh giảm giá sản xuất ở nơi khác.

Giá dầu thấp sẽ trở thành “nguy cơ chính cho nền kinh tế Nga, bồi thêm một cú sốc nữa sau những “cơn sóng” đánh liên tiếp trong năm 2015”, Andreas Schwabe, nhà kinh tế học thuộc Ngân hàng quốc tế Raiffeisen ở Vienna, nhận xét.

Ông còn cho biết thêm rằng, từ nguy cơ đó sẽ làm phái sinh một đồng ruble yếu cũng như các làn sóng lạm phát cao và các vấn đề về ngân sách mới nảy sinh.

Nhiều chuyên gia còn đưa ra cái nhìn khái quát về những căng thẳng địa chính trị có thể xảy ra theo sau sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga tuần trước, buộc các nhà đầu tư tìm cách bán tháo tài sản của Nga.

Cùng với các sự kiện ở Trung Đông, Nga cũng vẫn phải chịu lệnh cấm vận quốc tế vì những xung đột ở Ukraine.

Tương lai cấm vận bất định

Sự tan băng trong quan hệ ngoại giao giữa nga và các kẻ thù thời kỳ Chiến tranh Lạnh trước đây sau vụ tấn công khủng bố Paris và Ai Cập đã phần nào dấy lên niềm lạc quan rằng việc cải thiện trong quan hệ sẽ giúp Nga dỡ bỏ các biện pháp cấm vận.

Moscow có thể đạt được bước tiến trong vấn đề này trong 12 tháng tới với 56% nhà kinh tế học cho rằng Liên minh châu Âu sẽ giảm bớt các biện pháp trừng phạt thời gian tới.

20% người tham gia khảo sát dự đoan Mỹ sẽ bắt đầu nới lỏng các lệnh trừng phạt trong năm 2016.

Theo các nhà ngoại giao châu Âu, các quốc gia châu Âu có thể kéo dài cấm vận thêm 6 tháng đến cuối tháng 1/2016 bất chấp những hợp tác đạt được trong vấn đề Syria. Khối 28 nhà lãnh đạo sẽ bàn luận vấn đề này trong Hội nghị thượng đỉnh ngày 17-18/12 tới.

Wolf-Fabian Hungerland, nhà kinh tế học của Ngân hàng Berenberg, Hamburg, Đức, nhận xét: “Nền kinh tế Nga chỉ có thể tăng trưởng GDP nếu các lệnh trừng phạt được gỡ bỏ. Mặc dù có cơ hội làm tan băng mối quan hệ giữa Nga và phương Tây nhưng cũng còn ẩn chứa nhiều nguy cơ tiềm tàng khiến cả hai bên không tận dụng được cơ hội này, dẫn đến những lệnh cấm vận kéo dài”.

Đồng ruble và nền kinh tế

Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga, Ksenia Yudaeva, cho biết, sự điều chỉnh để phù hợp với thực tế kinh tế mới được thực hiện bằng những thay đổi trong tỷ giá hối đoái.

Đồng ruble đã giảm hơn 31% so với đồng USD kể từ khi ngân hàng trung ương chuyển đổi sang chế độ thả nổi thị trường tháng 11/2014.

Đồng ruble đã tụt xuống vị trí gần cuối bảng trong các thị trường kinh tế đang nổi, chỉ trên đồng real của Brazil và đồng peso của Colombia.

Đồng ruble yếu đã buộc các nhà hoạch định chính sách phải dừng việc thả nổi tiền tệ trong tháng 9 và tháng 10 sau 5 lần liên tiếp cắt giảm lãi suất khiến điểm tham chiếu giảm xuống còn 11%.

Giá dầu 30 USD?

Nga đã từng học cách “chung sống” với giá dầu gần 40 USD và việc giảm xuống còn 30 USD/ thùng có thể khơi dậy một cuộc khủng hoảng khác.

Ngân hàng trung ương Nga ước tính trong viễn cảnh căng thẳng, với giá dầu thô dưới 40 USD/ thùng giai đoạn năm 2016-2018, nền kinh tế Nga sẽ bị thu nhỏ lại 5% hoặc hơn trong năm tới và giá cả sẽ tăng ở mức 7-9%.

Điều này cũng có thể dẫn đến các nguy cơ về lạm phát và mất ổn định tài chính.

GDP sẽ giảm 3,9 đến 4,4% trong năm nay và có thể giảm tiếp 1% trong năm tới nếu giá dầu ở mức 50 USD/ thùng.

Per Hammarlund, nhà chiến lược thị trường mới nổi thuộc SEB AB ở Stockholm, nhận định: “Nga nên chuẩn bị tốt hơn so với năm ngoái để có thể đón nhận một cơn sốc về giá dầu khác, tỷ giá hối đoái cần phải linh hoạt, ngân sách cần phải được thắt chặt, lĩnh vực ngân hàng phải được củng cố và dự trữ phải dư dả”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại