Các Ngoại trưởng NATO sẽ gặp mặt trong hai ngày 1-2/12 tại Brussels, Bỉ để thảo luận về các đề xuất và quyết định sẽ được đưa ra trong vài tuần tới.
Cuộc họp cũng sẽ đánh giá các biện pháp được áp dụng trong cuộc khủng hoảng Ukraine để nâng cao mức độ sẵn sàng chiến đấu và làm yên lòng các thành viên Đông Âu rằng NATO luôn ủng hộ họ.
Theo Die Welt, kế hoạch của NATO là sẽ cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ máy bay đánh chặn trang bị hệ thống kiểm soát và cảnh báo sớm.
Liên minh này còn muốn tăng cường hệ thống tên lửa của Thổ Nhĩ Kỳ và nâng cấp hệ thống kiểm soát không lưu cũng như phòng không.
Một số thành viên NATO cũng nhận thấy cần có sự minh bạch hơn và các cơ chế an ninh mới liên quan tới các cuộc diễn tập quân sự tổ chức bởi Không quân Thổ Nhĩ Kỳ.
Hãng tin AFP của Pháp cho hay, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 1/12 xác nhận liên minh này đang bàn thảo về các biện pháp hỗ trợ mới đối với Ankara.
"Chúng tôi sẽ họp bàn về các biện pháp xa hơn nhằm bảo đảm an ninh cho Thổ Nhĩ Kỳ", ông Stoltenberg nói trong phần mở đầu cuộc gặp các Ngoại trượng ở trụ sở NATO tại Bỉ.
"Tôi muốn nhấn mạnh rằng điều này (tăng cường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ) không có liên quan với sự kiện hồi tuần trước (Su-24 Nga bị bắn hạ).
Đây là hoạt động đã diễn ra được nhiều năm như một phần cam kết của chúng tôi đối với một đồng minh."
Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO không tiết lộ chi tiết các biện pháp hỗ trợ Ankara.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu (trái) và Tổng thư Ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: Reuters
Quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ trở nên căng thẳng ngay sau sự kiện Su-24 khi Moscow nhanh chóng triển khai hệ thống tên lửa phòng không S-400 tới căn cứ không quân của họ tại Latakia, Syria.
Theo AFP, hồi năm 2012, NATO cũng đã triển khai hệ thống tên lửa Patriot dọc biên giới phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn cuộc xung đột Syria lan tỏa.
Sau khi Mỹ và Đức rút Patriot khỏi Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha đã thay thế 2 nước này thực hiện nhiệm vụ giúp Ankara chống lại các tên lửa đạn đạo từ Syria.
Ông Stoltenberg dẫn chứng Đức và Đan Mạch cũng triển khai hải quân ở Địa Trung Hải, hoặc sự hiện diện của máy bay quân sự Mỹ trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.
"Tất cả những hoạt động đó đều liên quan tới việc bảo đảm (an ninh) cho Thổ Nhĩ Kỳ."
Jens Stoltenberg cho biết, những thay đổi sau cuộc họp, bao gồm việc xây dựng một lực lượng phản ứng nhanh mới, sẽ được áp dụng ở phạm vi toàn cầu, tại các khu vực mà ông mô tả là "môi trường an ninh u ám".