Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner cùng 11 nghị sĩ hai đảng Dân chủ, Cộng hòa vừa trình một lá thư lên Tổng thống Barack Obama, yêu cầu ông nhanh chóng hỗ trợ Kiev trụ lại trong cuộc chiến với phe ly khai tại miền Đông, kể cả chuyển giao vũ khí sát thương.
Trong 28 thành viên Liên minh châu Âu (EU), chỉ có vài nước ủng hộ kế hoạch này. Hôm 6-3, bà Mogherini nhấn mạnh thỏa thuận ngừng bắn ký ngày 12-2 tại Minsk là “phương án tối ưu” để chấm dứt cuộc xung đột.
Vị Cao ủy EU khẳng định khối Liên minh châu Âu “đã làm tròn trách nhiệm” đối với tình hình khủng hoảng tại Ukraine.
Bà Mogherini đề ra giải pháp nhằm giúp các bên nghiêm chỉnh thực hiện lệnh ngừng bắn, đó là tăng gấp đôi số lượng quan sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) từ mức 500 người hiện tại.
Bà lập luận càng có nhiều quan sát viên ở miền Đông Ukraine, các bên sẽ càng khó có cơ hội vi phạm thỏa thuận.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier tiết lộ Nga và Ukraine đã đồng ý tăng số quan sát viên của OSCE lên con số 1.000 người. Bà Mogherini cho rằng dù thỏa thuận ngừng bắn vẫn còn nhiều khiếm khuyết nhưng tình hình đã được cải thiện.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz hôm 6-3 cũng lên tiếng phản đối Washington cấp vũ khí cho Kiev, vì sẽ “thổi bùng ngọn lửa xung đột” mà không giúp xuống thang căng thẳng.
Tất cả ngoại trưởng EU đều đồng tình nếu thỏa thuận Minsk tiếp tục đổ vỡ, Nga và phe ly khai cũng như các bên liên quan sẽ hứng chịu thêm biện pháp trừng phạt về kinh tế.
Trong khi EU vẫn đang tích cực tìm giải pháp chính trị, Anh hôm 6-3 phê duyệt gói viện trợ quân sự phi sát thương trị giá 1,29 triệu USD cho Ukraine, bao gồm bộ dụng cụ sơ cứu, kính hồng ngoại, mũ bảo hiểm và các thiết bị khác.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon cho biết London muốn tăng cường khả năng phòng thủ cho lực lượng Kiev.
Nữ phi công Ukraine Nadezhda Savchenko đang bị giam giữ tại Moscow. Ảnh: Reuters
Liên quan đến vụ nữ phi công Ukraine Nadezhda Savchenko đang bị giam giữ tại Moscow, Liên Hiệp Quốc (LHQ), Mỹ và Anh hôm 6-3 yêu cầu Nga trả tự do cho cô.
Trợ lý Tổng thư ký LHQ về Nhân quyền Ivan Simonovic đề nghị Moscow phóng thích Savchenko ngay lập tức vì lý do nhân đạo hoặc sức khỏe của cô.
Savchenko bắt đầu tuyệt thực từ ngày 13-12-2014 để phản đối việc mình bị Moscow bắt giam.
Cô bị buộc tội liên quan đến cái chết của 2 nhà báo Nga Igor Kornelyuk và Anton Voloshin trong một cuộc tấn công ở miền Đông Ukraine. Gần đây, cô từ chối tiêm glucose và sức khỏe đang rất yếu.