"Đường lưỡi bò" gây nguy hiểm cho chính Trung Quốc

Thể hiện quan điểm rõ ràng với các tuyên bố của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ cho rằng tuyên bố “đường lưỡi bò” đe dọa đến sự ổn định của Biển Đông hơn bất cứ vấn đề nào khác.

Mỹ đã chính thức phản đối tuyên bố “đường chín đoạn” ("đường lưỡi bò") trên Biển Đông của Trung Quốc. Mỹ làm như vậy vì có hai lý do.

Đầu tiên, trái ngược với những gì Bắc Kinh tuyên bố, Washington làm rõ quan điểm của mình trong cuộc xung đột sẽ làm giảm nguy cơ mà Mỹ và Trung Quốc sẽ thổi bùng lên trên Biển Đông.

Từ trước đến nay, Mỹ luôn thể hiện quan điểm rõ ràng rằng họ sẽ không bao giờ chấp nhận các yêu sách của Bắc Kinh đối với gần như toàn bộ Biển Đông khi mà Washington vẫn còn những ảnh hưởng không nhỏ trong khu vực.

Tuy nhiên, một số quan chức Bắc Kinh, đặc biệt là những người mong muốn tuyên bố này được thực thi, lại muốn đi đến một kết luận khác về vấn đề này. Nhất là khi Mỹ từng im lặng khi Trung Quốc đẩy Philippines ra khỏi bãi cạn Scarborough và tiếp tục đe dọa các bãi cạn khác. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi một số người ở Trung Quốc sẽ tính toán rằng Washington cũng sẽ “làm ngơ” nếu Bắc Kinh muốn chiếm đoạt Biển Đông.

Mỹ sẽ tính toán khôn ngoan, bởi nếu trực tiếp thách thức Trung Quốc và tuyên bố “đường chín đoạn” sẽ có một số rủi ro nhất định. Nhất là khi mặc dù Mỹ có quyền để yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành động thúc đẩy tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng vẫn chưa phải là lúc đối đầu với một quốc gia đang trỗi dậy.

Chính quyền Obama đã tìm các biện pháp thích hợp để làm giảm thiểu nguy cơ này bằng cách tuyên bố về sự tăng cường hiện diện quân sự ở châu Á nếu Trung Quốc vượt qua “ranh giới đỏ”. Khi tỏ ra cứng rắn với quan điểm của mình, Mỹ chắc chắn phải tìm được cách xử lý tránh va chạm trực tiếp với Trung Quốc.

Lý do thứ hai và quan trọng hơn cả là Mỹ đã đúng khi nói về những thách thức mà “đường chín đoạn” ở Biển Đông của Trugn Quốc gây ra. Rõ ràng, “đường chín đoạn” sẽ gây bất ổn không chỉ cho khu vực châu Á mà còn ảnh hưởng tới an ninh toàn thế giới.

Tuyên bố chủ quyền tới 90% diện tích Biển Đông của Trung Quốc bắt nguồn chủ yếu từ quan điểm cho rằng nước này từng có những thời điểm duy trì chủ quyền đối với các hòn đảo và rặng san hô khác nhau trong vùng biển. Theo lời giải thích của một nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc thì: “Đường chín đoạn ở Biển Đông chỉ ra chủ quyền của Trung Quốc đối với các hòn đảo trong khu vực từ thời cổ đại”.

Trung Quốc cho phép thiết lập nguyên tắc rằng các quốc gia có thể tuyên bố lãnh thổ dựa trên thời gian kiểm soát của họ đối với các vùng đất trong lịch sử. Đây quả là một lối suy nghĩ thảm họa, bởi nó sẽ là khởi đầu cho một chuỗi không bao giờ kết thúc những tuyên bố chủ quyền chồng lấn và đẩy hầu hết các quốc gia trên thế giới vào con đường dẫn đến xung đột vũ trang.

Ví dụ, nếu xem xét ở châu Âu, Đế chế Ottoman trước đây kiểm soát phần lớn châu Âu vào nhiều thời điểm khác nhau dẫn đến Thổ Nhĩ Kỳ có quyền đòi chủ quyền đối với hầu hết châu lục này. Pháp và Đức từng có tuyên bố chủ quyền trên hầu hết các nước phương Tây và các khu vực của Đông Âu vào thời Napoleon và Đức Quốc Xã. Mỹ và Anh có thể khẳng định phần lớn Tây Âu thuộc về họ trong những năm cuối cùng của Thế chiến II. Và Nga có thể tái thiết lại một đất nước từ thời Liên Xô cũ cũng bằng lập luận chủ quyền theo lịch sử.

Đặc biệt, sẽ thật trớ trêu với Trung Quốc cứ khăng khăng muốn hiện thực hóa nguyên tắc “đường chín đoạn” khi mà trong quá khứ, nước này cũng là thuộc địa của một số quốc gia. Vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, Trung Quốc đã bị các quốc gia như Đức, Pháp, Anh xâm chiếm và chiếm đóng. Nếu theo lập luận của Bắc Kinh, các quốc gia này hoàn toàn có quyền đưa ra yêu sách đối với một số khu vực của Trung Quốc.

Hoàng gia Nhật trong quá khứ cũng kiểm soát phần lớn Trung Quốc, và câu chuyện sẽ rất tệ hại với Bắc Kinh nếu Thủ tướng Shinzo Abe muốn đòi lại chủ quyền đối với các khu vực trước đây Nhật Bản từng chiếm đóng.

Thậm chí Mông Cổ có thể yêu cầu chủ quyền đối với toàn bộ Trung Quốc khi vào thế kỷ 13, Mông Cổ từng xâm chiếm hầu hết lãnh thổ Trung Quốc. Ngày nay, nhiều khu vực ở xa “mặt trời” Bắc Kinh cũng sẽ có đủ lý do để tách ra khỏi đất nước nếu Trung Quốc nhất quyết thực hiện “đường chín đoạn”. Điển hình là người gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở tỉnh Tân Cương sẽ có quyền đường đường chính chính đòi lại một phần lãnh thổ Trung Quốc với lý do trước đây khu vực này từng là một phần chủ quyền người Thổ trước khi bị nhà Thanh chiếm lại.

Tất cả những điều này nói lên một điều rằng, nguyên tắc “đường chín đoạn” của Trung Quốc thực sự gây nguy hiểm cho việc đảm bảo hòa bình và ổn định chung trong hệ thống toàn cầu. Không chỉ với riêng Mỹ, mà hầu hết mọi quốc gia, trong đó có chính Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia vô chủ nếu Bắc Kinh thực sự muốn cương quyết hiện thực hóa “đường chín đoạn”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại