Tại cuộc họp thượng đỉnh của các nước Liên minh Châu Âu (EU), các quan chức đã bàn đến tầm quan trọng của dự án khí đốt Nga trong lúc xem xét kéo dài cấm vận đối với Moscow.
Hiện tại, Đức đang cần một nguồn cung cấp khí đốt giá rẻ, còn các nước Baltic và Đông Âu vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào Nga. Theo các quan chức ngoại giao EU, điều này đang khiến sự đoàn kết trong khối bắt đầu có những rạn nứt.
“Năng lượng vẫn là công cụ chính của Nga để giành được ảnh hưởng chính trị, qua đó chia cắt châu Âu và làm suy yếu quan điểm của EU về những vấn đề năng lượng quan trọng”, một quan chức EU giấu tên cho biết.
“Bình thường, khí đốt chỉ mang mục đích thương mại, nhưng đối với Nga nó còn là lợi thế địa chính trị rất lớn của họ”, ông này nói thêm.
Vào tháng 9, tập đoàn Gazprom của Nga cùng các đối tác châu Âu đã ký thỏa thuận tham gia vào dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, qua đó sẽ tăng gấp đôi lượng khi đốt cung cấp qua tuyến đường trực tiếp từ Nga đến Đức mà không đi ngang qua Ukraine.
Nhưng cùng lúc đó, sự kiện này khiến tham vọng trở thành một trung tâm cung cấp khí đốt ở phía Nam của Ý bị đe dọa.
Ý vẫn không hài lòng sau khi dự án Dòng chảy Phương Nam đổ vỡ vào năm ngoái khi Nga lấy lý do luật lệ nghiêm khắc của EU.
Đầu tháng này, Phó Chủ tịch Cơ quan Năng lượng Châu Âu Maros Sefcovic cho biết, Ý đã yêu cầu Ủy ban Châu Âu áp đặt cùng luật lệ đối với dự án Dòng chảy Phương Bắc giống như họ đã làm với Dòng chảy Phương Nam.
Văn phòng Thủ tướng Ý Matteo Renzi vẫn chưa có phản hồi nào trước thông tin trên, trong khi đó quan chức ngoại giao Đức nói rằng dự án Dòng chảy Phương Bắc “là một dự án doanh nghiệp mà chính phủ Đức không tham gia vào”.
Trước đó, một lá thư phản đối dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 với chữ ký của các đại diện từ Estonia, Hungary, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Romania và Slovakia đã được gửi cho Ủy ban Châu Âu.
Ông Sefcovic cho biết ủy ban đã nhận được thư và họ đang tìm những biện pháp cụ thể.
Trong khi đó, các quan chức ngoại giao EU cho biết, lệnh trừng phạt đối với Nga nhiều khả năng vẫn tiếp tục sẽ được áp đặt.