Động thái "khẽ khàng" của Mỹ với Thổ sau khi Su-24 Nga bị bắn hạ

My Lan |

Sau vụ chiến đấu cơ Su-24 Nga, Washington đã lặng lẽ ngừng yêu cầu, vốn đã được đưa ra từ rất lâu, đối với Ankara về việc đóng vai trò tích cực hơn trong cuộc chiến chống IS.

Nguồn tin từ quan chức Mỹ tiết lộ với Reuters, quyết định này của Mỹ là nhằm để cho căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có đủ thời gian để hạ nhiệt.

Theo đó chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ đã không còn tham gia chiến dịch không kích chống IS ở Syria của liên minh kể từ ngày 24/11.

Một trong số 2 nguồn tin cho hay, Mỹ hy vọng căng thẳng giữa Nga - Thổ sẽ hạ nhiệt nhanh chóng để Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò nổi bật hơn trong liên minh do Mỹ dẫn đầu.

Lầu Năm Góc từ chối bình luận về trạng thái của các máy bay Thổ Nhĩ Kỳ từ sau vụ Su-24 Nga. Hai quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, dù từ chối bình luận trực tiếp, song nhấn mạnh nước này vẫn là một phần của liên minh. "Với chúng tôi, không có gì thay đổi cả".

Giới chức Mỹ khẳng định về tổng thể, căng thẳng Nga - Thổ không ảnh hưởng tới các chiến dịch của liên minh.

Theo đánh giá của Reuters, động thái trên của Mỹ là sự thay đổi mới nhất về vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ.

Đây cũng là phép thử sự kiên nhẫn của những người nhà hoạch định kịch bản chiến tranh của Mỹ - những người muốn Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò lớn hơn - đặc biệt là trong việc bảo đảm an toàn phần biên giới với Syria - vốn được coi là tuyến đường tiếp tế quan trọng của IS.

Thế nhưng, tới tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò quân sự lớn hơn, trong bối cảnh Anh bắt đầu ném bom ở Syria còn Pháp tăng cường không kích khủng bố.

Ưu tiên hàng đầu mà Mỹ muốn Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện là bảo vệ biên giới phía nam với Syria, một quan chức Mỹ nói. Mối lo ngại của Washington chủ yếu nằm ở một khu vực dài khoảng 98 km mà IS đang sử dụng để đưa đón phiến quân nước ngoài và buôn lậu.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn muốn Thổ Nhĩ Kỳ không kích nhiều hơn các mục tiêu IS, ngay cả khi Washington đã ủng hộ hết mình các cuộc tấn công của Ankara nhằm vào Đảng Lao động người Kurd - lực lượng mà cả 2 quốc gia này cho là khủng bố.

Dù vậy, các quan chức Mỹ đã ghi nhận một vài dấu hiệu tích cực từ Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm các động thái nhằm đảm bảo an ninh tại các khu vực biên giới trọng yếu.

Một điển hình là việc Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng trước đã điều các chiến đấu cơ F-16 tham gia nhiệm vụ hỗ trợ từ trên không, giúp quân nổi dậy Syria giành lại quyền kiểm soát hai ngôi làng dọc theo cái gọi là Đường Mara.

Mỹ không cung cấp dữ liệu về số lần hay loại nhiệm vụ mà không quân Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện ở Syria. Còn Thổ Nhĩ Kỳ thì phủ nhận mọi cáo buộc cho rằng Ankara không tham gia cuộc chiến chống IS.

"Chúng tôi tham gia ít nhất một nửa số chiến dịch", một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết. "Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn tham gia xác định mục tiêu, hỗ trợ hậu cần, căn cứ. Chúng tôi hợp tác chặt chẽ với Mỹ".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại