Đồng minh - kẻ thù của Mỹ mong manh trong cuộc chiến IS

Đỗ Minh Tú |

Mỹ tuyên bố không hợp tác với chính phủ Syria, Iran, nhưng bản thân Washington vẫn đang cần họ giúp đỡ.

Mỹ nói không, thực tế chứng minh ngược

Nhiều ngày nay, Tổng thống Obama nhận được nhiều lời chỉ trích từ phía những đồng minh thân cận của mình ở Trung Đông, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc gia này cho rằng để ngăn chặn sự phát triển của tổ chức khủng bố IS, Washington đang ngấm ngầm "đi đêm" với chính quyền Bashar al-Assad của Syria.

Tuy nhiên, ngày 16/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đăng đàn nói rõ những nghi vấn xung quanh mối quan hệ giữa Mỹ và chế độ Assad ở Syria (vốn bị Mỹ cho là độc tài và đã từng muốn tiêu diệt).

Trả lời báo giới sau Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi G20, Tổng thống Obama đã nói rõ: "Đối với chúng tôi, việc đứng về phía chính quyền của Bashar al-Assad để chống lại IS là một điều bất hợp lý, nó sẽ làm suy yếu liên minh quốc tế."

Tuyên bố về mối quan hệ với Syria tương tự như những gì Tổng thống Mỹ từng nói về mối liên hệ giữa họ và Iran trong cục diện cuộc chiến này. "Quan điểm của Mỹ với Iran là nhất quán và chúng tôi không có ý định hợp tác với Iran để giải quyết những vấn đề của Iraq - một người bạn của nước Mỹ."

Tuy nhiên, sự nghi vấn mà những đồng minh Trung Đông dành cho Washington là không phải không có cơ sở, bởi như trường hợp Iran, dù Tổng thống Obama có nói cứng, thì sự thực giữa người quyền lực nhất nước Mỹ và các lãnh đạo của Iran vẫn có những lần thư từ qua lại. Và sẽ chẳng một bên thứ ba nào biết nội dung các bức "mật thư" ấy.

Một vấn đề khác, tiêu biểu như trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia này đi tiên phong trong việc không muốn nhìn thấy sự tồn tại của chế độ Bashar al-Assad. Họ từng hứa sẽ động binh nếu Mỹ bật đèn xanh cho việc tiêu diệt IS và tiện đường hạ luôn cả chế độ của ông Assad. Việc Mỹ không kích vào những địa điểm của IS nhằm hỗ trợ cho quân đội Syria đã như đổ dầu vào lửa trong mối quan hệ ngày càng bất hòa giữa Washington và Ankara.

Mặt khác, những người Iran cùng nhiều học giả phương Tây theo đuổi thuyết âm mưu cho rằng IS là quả trứng quỷ do Mỹ đẻ ra, với mục đích tạo dựng một lực lượng đủ mạnh nhằm đập tan tam giác liên kết Iran - Iraq - Syria. Chỉ có điều, quả trứng đó đã nở ra một con quỷ ngoài tầm kiểm soát và Mỹ buộc phải tiêu diệt nó bằng mọi giá. Con quỷ này tương tự như với trường hợp của Al-Qaeda và Thủ lĩnh khủng bố Osama bin Laden khi Mỹ muốn mượn tay người Afghanistan chống lại sự thôn tính của Liên Xô.

IS đang làm theo những gì Mỹ muốn (tính theo thuyết âm mưu) là khiến 2 trong 3 đỉnh của tam giác nói trên phải lao đao. Nhưng chỉ có điều, IS cũng đưa Mỹ vào danh sách những kẻ ngoại đạo cần diệt.

Từ mục đích ban đầu, Mỹ buộc phải quay ngoắt sang một mục tiêu mới: bằng mọi giá bảo vệ Iraq và Syria. Điều này lại vô hình chung đồng quan điểm với Iran. Và dù cho có những mâu thuẫn khiến Washington và Teheran gần như không đội trời chung, nhưng cuối cùng họ vẫn được coi là cùng hội cùng thuyền.

Một điều khác cho thấy Mỹ đang áp dụng "tiêu chuẩn kép" trong cuộc chiến chống IS lần này, đó là những tổ chức Hồi giáo từng bị Mỹ liệt vào danh sách khủng bố, nay lại được Mỹ tiếp sức để ra tiền tuyến đương đầu với IS.

Quân đội Iraq đang dành nhiều chiến thắng quan trọng
Quân đội Iraq đang dành nhiều chiến thắng quan trọng

Trong đó có thể kể tên 5 tổ chức tiêu biểu là: Đảng công nhân người Kurd (PKK, hoặc PYD - mâu thuẫn đặc biệt với Thổ Nhĩ Kỳ), tổ chức Hezbollah (thân cận với Bashar al-Assad ở Syria), tổ chức Lữ đoàn Hezbollah, tổ chức vũ trang hùng mạnh ở Syria Jabhat al-Nursa, và thậm chí là cả Al-Qaeda.

Những đồng minh của Mỹ ở Trung Đông hoàn toàn có lý do để lo lắng vì chính sách của Mỹ lúc này, bởi những khái niệm về đồng minh - kẻ thù đối với Washington đang trở lên mong manh và dễ thay đổi hơn bao giờ hết.

IS đang ngoài tầm kiểm soát?

Vừa qua, Tổng thống Obama đã tuyên bố chấm dứt giai đoạn một của cuộc chiến và bước đến giai đoạn thứ hai - tấn công. Và quân đội Iraq bắt đầu đạt được kỳ vọng khi giành được một số trận thắng quan trọng ở những vị trí chiến lược, thay vì chỉ biết rút quân và rút quân trước đòn tấn công của IS.

Người ta đã có thể hi vọng vào một cuộc chiến mà Mỹ vẫn thủ thắng khi không cần động đến bộ binh, nhưng xét về tương quan trên chiến trường, bản thân Lầu Năm Góc cũng không thể lạc quan được như Tổng thống Obama.

Ngày 16/11, IS phát tán đoạn video tuyên bố chặt đầu nhân viên cứu trợ Mỹ, Peter Kassig. Hành động này là lời thách đố, tuyên chiến đầy ngông nghênh, ngạo mạn của IS. Và phát ngôn đầu tiên của Nhà Trắng là: Đang xác thực thông tin, và "sẽ lấy làm kinh hoàng bởi vụ giết người tàn bạo nhằm vào một người Mỹ vô tội".

Nhưng còn nhiều thông tin đáng lo hơn về IS, tổ chức này đã tuyên bố kế hoạch đúc đồng tiền riêng tại các vùng chiếm đóng nhằm tự giải thoát khỏi hệ thống tiền tệ ma quỷ (ý chỉ đồng USD của Mỹ). Thậm chí, IS còn có đầy đủ ban bệ với cả "Bộ Tài chính", và đồng tiền có mệnh giá cao nhất của IS là tiền vàng tương đương 694 USD, đồng tiền nhỏ nhất tương đương 7 cent.

Mẫu tiền mà IS dự tính đúc
Mẫu tiền mà IS dự tính đúc

Và IS đang tìm cách liên hệ với Al-Qaeda để trở thành một liên minh hùng mạnh nhất thế giới Hồi giáo. Đồng thời, thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi của IS cũng tuyên bố chiến tranh với các nước Ả Rập, bất chấp việc các quốc gia này đã thành lập một liên minh riêng (không phụ thuộc vào Mỹ) để tương trợ lẫn nhau nếu IS bành trướng.

Câu hỏi đặt ra ở đây là kết quả của cuộc chiến chống IS mà Mỹ đang theo đuổi có thực sự được như mục đích đề ra. Khi Mỹ ráo riết tấn công, khi vội vàng gia tăng sức mạnh cho người Kurd, người Iraq, thì IS vẫn vững và đang tạo liên kết rộng.

Phải chăng IS đã ngoài tầm kiểm soát, và đã đến lúc Mỹ phải đưa bộ binh vào can thiệp hay chưa? Bởi cứ đà này, khi cuộc chiến do IS phát động lan rộng ra toàn khu vực, các tổ chức khủng bố kết hợp thành một mặt trận, Mỹ sẽ khó lòng có thể đương đầu lại thế lực này.

 

Quốc hội Nga: Mỹ đã đủ quyết tâm hạ IS?

Ngày 14/11, TTXVN dẫn nguồn tin từ Đài Tiếng nói nước Nga cho biết Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Alexei Pushkov đã cáo buộc sự vắng bóng của lệnh trừng phạt chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang tự do buôn bán dầu mỏ trên thị trường thế giới buộc dư luận đặt câu hỏi về bản chất mối quan hệ giữa Mỹ và IS.

Phát biểu trong cuộc thảo luận tại Hạ viện Nga về bản dự thảo tuyên bố lên án sự vi phạm nhân quyền ở Syria và Iraq, nghị sỹ Pushkov nói: "Trong thái độ với IS chúng ta thấy một sự dễ dãi... Các vị có biết rằng IS đang tự do buôn bán dầu mỏ trên thị trường thế giới. Sao lại có thể như vậy? Một tổ chức khủng bố chặt đầu công dân các nước phương Tây được hưởng hầu như mọi quyền lợi của nhà kinh doanh dầu?... Có người nào nghe thấy Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi lệnh trừng phạt IS? Điều này buộc người ta nghĩ tới bản chất thực sự mối quan hệ của Mỹ và tổ chức này."

Ông Pushkov lưu ý là không hề có hành động nào chống lại IS ngoại trừ các vụ đánh bom vào vị trí của chúng, nhưng đánh bom thì không thể giải quyết được vấn đề.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại