Chợ đêm, tối thứ Sáu. Giữa dòng khách du lịch nước ngoài tấp nập dạo qua từng cửa hiệu, ngắm nghía và chọn mua những bộ quần áo, những món đồ lưu niệm "made-in-Vietnam", có một "ông Tây" cứ ngồi lì một chỗ, giữa cái sạp hàng nhỏ xíu xiu, xung quanh treo cơ man nào là sơ mi, áo khoác, quần cộc, quần dài.
Và khi "ông Tây" ấy cất tiếng, thì những vị khách đang rảo bước gần đó không thể không ngoái lại nhìn. "Rẻ lắm, rẻ lắm.... Em ơi, rẻ lắm, 200 một cái... Hello, rẻ lắm...".
À, ra thế, "ông Tây" này đi Chợ đêm để bán hàng, chứ không phải để mua hàng như các "ông Tây" khác.
Khi lần đầu đặt chân đến Việt Nam vào năm 2008, David Cohen không hề có ý định sẽ mưu sinh bằng nghề kinh doanh quần áo. 6 năm sau, sạp hàng trên phố Hàng Đào của anh hiện là cơ sở duy nhất có chủ sở hữu là người nước ngoài tại Chợ đêm Phố cổ Hà Nội.
Sạp hàng của David trên phố Hàng Đào. Ảnh Đức Huy
David sinh ra và lớn lên tại Cannes, thành phố mơ mộng dọc bờ biển phía nam nước Pháp, nổi tiếng với liên hoan phim tầm cỡ nhất nhì thế giới. Sau khi chuyển đến thủ đô Paris, anh giữ cương vị chuyên viên Marketing của một trung tâm mua sắm nổi tiếng ở đây. Phụ trách khâu quảng bá và phân phối sản phẩm tới các thị trường châu Á như Trung Quốc, Hong Kong, hay Malaysia, đặc thù công việc buộc David phải thích nghi với cuộc sống nay đây mai đó. Nhưng sau 7 năm "ăn sáng Paris, ngủ giường Bắc Kinh", anh quyết định đã đến lúc cần tìm một bến đỗ mới để định cư.
Vậy tại sao anh lại chọn đến với Việt Nam?
"Vì con gái Việt Nam xinh."
Nhưng lý do nghiêm túc là gì?
"Thì đấy, tôi thích con gái Việt Nam lắm. Con gái 'Tây' không 'sexy'! Tôi không thích", David nhắc lại, "khuyến mại" thêm một nụ cười láu lỉnh.
Chí làm ăn
Gu thẩm mỹ của David thật sự có ảnh hưởng lớn thế nào đến quyết tâm định cư tại Việt Nam của anh thì chắc chỉ có đương sự mới biết. Còn xét về mặt kinh tế mà nói, lý do chính đưa David đến với Việt Nam xuất phát từ sự kết hợp giữa sở thích nấu ăn và đầu óc kinh doanh của anh.
David nói rằng anh đã nhìn ra ở Việt Nam tiềm năng phát triển thị trường gan ngỗng (foie gras), một món ăn bổ dưỡng, thuộc hạng "quý tộc" tượng trưng cho tinh hoa ẩm thực Pháp, nhưng chưa được nhiều người Việt biết đến.
David tại trang trại Ba Vì (ảnh do nhân vật cung cấp)
Với tầm nhìn đó, David đã cho ra đời một trang trại nuôi ngỗng tại Ba Vì. Bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2009, David nói trại ngỗng của anh áp dụng phương pháp chăn nuôi hữu cơ theo mô hình Pháp. Sau 5 năm, từ chỗ phải quán xuyến từ A đến Z mọi công đoạn sản xuất, nay anh tự hào khoe mình đã có thể quản lý từ xa 500 m2 trang trại với sự trợ giúp của đội ngũ nhân công thạo việc do đích thân anh đào tạo.
Nhưng với một người năng động như David, ngồi một chỗ thu lợi nhuận không hợp với phong cách của anh. "Một đầu bếp đến từ Pháp mà không được nấu ăn thì phí quá," anh quyết định mở nhà hàng của riêng mình. Nhà hàng mang phong cách Pháp của David, Duc de Hanoi chính thức bước chân vào làng ẩm thực Hà thành vào tháng 4/2012.
David và món bánh mì bít-tết kiểu Pháp. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Chất lượng đồ ăn ra sao phụ thuộc nhiều vào khẩu vị từng người. Những ai không quen với cách chế biến khá "ngậy" với nhiều pho-mat của ẩm thực Pháp có thể sẽ không mấy hứng thú với những món ăn của David. Tuy nhiên có một điều giúp "bếp trưởng" David luôn được lòng mọi thực khách - đó là sự thân thiện, cởi mở của anh. Những ai có dịp tiếp xúc với anh đều có thể dễ dàng nhận ra qua cách trò chuyện của David một sự lạc quan và hóm hỉnh thường trực.
Nhưng ẩn đằng sau những nụ cười ấy là một con người chăm chỉ và luôn nghiêm túc với công việc. Chính sự pha trộn hài hòa giữa tinh thần lạc quan và ý chí quyết tâm làm ăn đó đã giúp David vượt qua muôn vàn khó khăn từ việc phải mưu sinh nơi xa xứ.
Nhưng có những cái khó mà anh không thể ngờ tới...
Biến cố
David chỉ nhớ được rằng một chiếc xe máy đi ngược chiều đang lao về phía anh với tốc độ rất cao. Sau khoảnh khắc đó là một màu đen...
Khi tỉnh dậy, David thấy mình đang nằm bất động trên giường bệnh.
Sau 2 ngày hôn mê, 25 mũi khâu ở bắp chân trái, cùng một ca phẫu thuật chấn thương chỉnh hình vòm miệng, con người thường ngày vốn năng động hoạt bát này còn phải chịu thêm 6 tháng nằm liệt giường dưỡng thương. Cuộc sống của anh lúc đó cũng vì thế mà thay đổi hoàn toàn.
Sau tai nạn trên cầu Long Biên vào tháng 4 vừa rồi, từ chỗ hàng tuần chạy đôn chạy đáo từ Tây Hồ lên Ba Vì và ngược lại, nay anh chỉ có thể kiểm soát công việc từ xa. Thiếu vắng những món ăn sở trường của bếp trưởng, nhà hàng của anh cũng mất đi nhiều thực khách. Đối với anh, bản thân việc phải ngồi yên một chỗ trong một thời gian dài như vậy cũng chẳng khác nào "cực hình".
Nhưng "ông Tây" này đã không chịu bó tay. Không lâu sau khi có thể đi lại được, David quyết định mở một sạp hàng quần áo tại Chợ đêm Phố cổ Hà Nội.
Khác với những công việc thiên về hậu trường tại trang trại hay nấu nướng ở nhà hàng, kinh doanh tại Chợ đêm bớt được phần nào gánh nặng chân tay, nhưng lại đòi hỏi kĩ năng giao tiếp tiếng Việt tốt hơn. Điều này tưởng có thể khiến David bất lợi hơn so với những "đồng nghiệp" khác ở chợ. Nhưng anh không nghĩ vậy.
"Tôi lại thấy mình có lợi thế. Trong khi người bán ở cửa hàng khác chỉ ngồi không chờ khách thì tôi luôn tìm cách gây sự chú ý với người qua lại. Tôi lại còn 'đẹp trai' nữa, có buổi người ta đứng lại chụp với tôi cả trăm pô ảnh đấy", anh chia sẻ hài hước.
Tiếng rao hàng đang dần trở thành "thương hiệu" của David.
Và như để khẳng định niềm tin vào lợi thế "đẹp trai" của mình, David tiết lộ anh có dự định sắp tới sẽ mở thêm 6 sạp hàng nữa tại Chợ đêm.
"Không sao!"
Đến Việt Nam vì "con gái Việt Nam xinh", cũng không lấy gì làm ngạc nhiên khi David phải lòng một cô gái Việt. Anh gặp chị Thảo lần đầu vào tháng 4/2011. Đúng một năm sau, hai người quyết định lập gia đình. Đến nay họ đã có với nhau một cậu con trai một tuổi, tên Đức.
David cùng cậu con trai kháu khỉnh. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Vậy "cưa" đổ một cô gái Việt Nam có khó không, đặc biệt là khi anh chẳng nói được mấy tiếng Việt?
"Vì tôi đẹp trai nên không sao!", anh chàng người Pháp cười hãnh diện.
Gia đình nhà vợ có nói gì không, khi quyết định gả con gái cho một người ngoại quốc như anh?
"Họ bảo 'Không sao!"
"Chăm lo cho trại ngỗng ở Ba Vì, là bếp trưởng, và nay còn là ông chủ sạp hàng quần áo tại Chợ đêm, rồi còn làm chồng - làm cha, nhiều việc thế trong khi vết thương chưa hoàn toàn bình phục, anh có thấy "ngợp" không?"
"Cũng không sao!"...