Tờ RT của Nga dẫn nhận định của nhiều chuyên gia cho rằng, Nga sẽ không vội vàng phản ứng với yêu cầu sáp nhập của Cộng hòa Nhân dân Donetsk. Trong khi đó Mỹ tuyên bố không công nhận các cuộc trưng cầu dân ý vừa qua ở đông Ukraine.
Hôm 12/5, sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý cho thấy đại đa số người dân đều muốn tách ra khỏi Ukraine, Cộng hòa Nhân dân Donetsk (tự phong) đã tuyên bố chính thức trở thành một nhà nước có chủ quyền và yêu cầu Matxcơva xem xét sáp nhập khu vực này vào Nga.
Tờ Kommersant đã dẫn lời ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Tổng thống Nga, cho biết Nga vẫn chưa có phản ứng nào với lời mong muốn sáp nhập của Donetsk.
Tuyên bố cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có "cuộc đối thoại giữa đại diện của chính phủ Kiev, Donetsk và Lugansk".
-
Cuộc bỏ phiếu ở đông Ukraine đã được tiến hành rất công khai.
Chuyên gia pháp lý quốc tế Alexander Mercouris nói với RT rằng phản ứng của Matxcơva phù hợp với chính sách trước đây của Nga về Ukraine.
Ông Mercouris nói: "Matxcơva đang tiến hành nhất quán với những chính sách ngay từ đầu, ngay từ thời điểm cuộc đảo chính diễn ra tại Kiev hồi tháng Hai, trong đó nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc phải có cuộc đàm phán giữa Kiev và các đại diện của khu vực miền đông để có thể tiến hành những thay đổi hiến pháp”.
“Tôi không nghĩ rằng lập trường của Matxcơva đã thay đổi. Nhưng tôi nghĩ nó có thể thay đổi trong tương lai".
Chuyên gia về Quan hệ quốc tế, hiện đang là giảng viên cấp cao tại Đại học quốc gia Matxcơva, ông Mark Sleboda, cũng cho rằng, phản ứng của Matxcơva lần này không mâu thuẫn với lập trường trước đây của Nga.
Sleboda cho rằng Matxcơva sẽ không chối bỏ hoàn toàn cuộc trưng cầu dân ý này mặc dù trước đó ông Putin đã khuyên hoãn các cuộc trưng cầu.
Ông Sleboda nói: "Những tuyên bố đầu tiên từ Matxcơva vào sáng nay (12/5) bày tỏ mong đợi có một cuộc đối thoại giữa Donetsk, Lugansk và Kiev để giải quyết tình hình và thực hiện ý nguyện của nhân dân, là một dấu hiệu rất mạnh mẽ cho thấy Nga vẫn đang cố gắng để đối thoại với Kiev”.
Giáo sư Lịch sử và Chính trị ở Berlin, ông Ronald Suni, lưu ý rằng, phản ứng chậm của Nga là để tạo điều kiện cho một cuộc đối thoại quốc tế, có thể giúp giải quyết tình hình hiện nay ở Ukraine.
Ông Suni nói với RT: "Cách đây vài ngày, ông Vladimir Putin và các cố vấn của mình đã quyết định tiến hành mọi thứ chậm lại”.
Ông cho rằng nếu họ chỉ vì lợi ích riêng của mình thì sẽ dẫn đến những tình huống rất nguy hiểm như nội chiến, thậm chí là chiến tranh thế giới.
Ông Mercouris cho rằng kết quả trưng cầu dân ý là những tuyên bố dư luận hợp lệ: “Đúng, chúng (các cuộc trưng cầu dân ý) đã được tiến hành một cách vội vàng, trong cuộc nội chiến, trong các điều kiện cách mạng, nhưng ngay cả những người phản đối chúng…cho đến nay đã phải chấp nhận rằng đây là đại diện cho phong trào quần chúng mạnh mẽ”.
Còn ông Sleboda thì nhận định, khi xem xét các cuộc trưng cầu dân ý tại Donetsk và Lugansk, người ta phải chú ý đến ba điều. Một là số lượng cử tri đi bầu rất lớn, điều đó là không thể phủ nhận được. Hai là, chiến thắng rất áp đảo, cuộc bỏ phiếu về cơ bản được tiến hành công khai với các thùng phiếu thủy tinh, dưới sự giám sát của các phương tiện truyền thông phương Tây. Và thứ ba, cuộc trưng cầu dân ý đã được tiến hành trong sự trấn áp của các lực lượng chính phủ Kiev.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn cho biết sẽ không công nhận các cuộc trưng cầu dân ý trên và cho rằng đó là hành động bất hợp pháp.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki tuyên bố cuộc bỏ phiếu đã được thực hiện bởi các lực lượng ủng hộ Nga ở Donetsk và Lugansk và đây là một nỗ lực nhằm gây chia rẽ và bất ổn hơn đối với Ukraine.
Bà nói: “Chúng tôi không công nhận cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp này. Theo luật pháp Ukraine, đây là cuộc trưng cầu bất hợp pháp”.