Đòn thẩm vấn khủng khiếp mà mọi quan tham TQ đều khiếp sợ

My Lan |

(Soha.vn) - Một bài báo Trung Quốc hiếm hoi về quá trình song quy miêu tả nó "vừa là một vũ khí sắc nhọn trong việc đấu tranh chống tham nhũng, vừa là một hố đen chết người".

Nỗi ám ảnh của quan chức Trung Quốc

Chiều 27/6, Bí thư thành ủy Quảng Châu Wan Qinqliang, người quyền lực nhất tại một trong những thành phố giàu có và rộng lớn bậc nhất Trung Quốc, ngôi sao đang lên trong chính trường, đã bị dẫn giải đi một cách đầy thô bạo ngay giữa cuộc họp mà ông này chủ trì.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, ông Wan bị cáo buộc vi phạm kỉ luật nghiêm trọng, song không hề đưa ra thêm bất cứ chi tiết nào về tội danh cũng như việc liệu ông ta có được trải qua quá trình tố tụng hợp lệ hay không.

Cũng không có bất cứ thông tin đáng tin cậy nào về việc chính xác thì chuyện gì đã xảy ra với ông Wan, nhưng có một điều rõ ràng rằng, ông ta sẽ phải trải qua việc được cho là nỗi ám ảnh đối với các quan chức Trung Quốc, ngay cả những nhân vật cấp cao - đó là song quy. Ngày 30/6, chính quyền trung ương Trung Quốc cũng thừa nhận rằng ông Wan đã bị "song quy".

Theo Thời báo Hoàn Cầu, song quy là một quy trình mà ở đó, các quan chức bị bắt phải có mặt tại một thời điểm được chỉ định, ở một nơi được chỉ định, để "thú nhận" những sai phạm mà cơ quan kỷ luật Trung Quốc tin rằng đã có bằng chứng rõ ràng. Nó lần đầu được Hội đồng Nhà nước đưa ra là vào năm 1990.

Trong khi cơ quan công an chỉ được phép bắt tạm giam trong vòng không quá 24 giờ, khiến cho các quan chức tham nhũng có cơ hội hủy bằng chứng, mua chuộc nhân chứng, thì song quy đã lấp được "lỗ hổng" này.

Song quy thường được áp dụng một cách đột ngột. Không hiếm trường hợp, một quan chức mới buổi sáng còn chủ trì cuộc họp, buổi chiều đã bị bắt.

Có không nhiều thông tin được công bố về cách mà quá trình này được thực hiện. Ngay cả truyền thông chính thức Trung Quốc cũng chỉ sử dụng hai từ "song quy" mà không có bất cứ lời giải thích nào về ý nghĩa thực sự của nó. Còn các quan chức Trung Quốc cũng chỉ biết loáng thoáng về nó.

Bí thư thành ủy Quảng Châu Wan Qinqliang đã bị song quy

Bí thư thành ủy Quảng Châu Wan Qinqliang đã bị "song quy"

Không có vật nhọn, tường cách âm, camera 24/24

Bài báo hiếm hoi được đăng trên tờ South Review (Quảng Châu) vào tháng 6/2013, đã mang tới một góc nhìn thực tế về song quy, dù rằng sau đó, theo Foreign Policy, nó đã bị gỡ bỏ. Tờ này dẫn một nguồn tin giấu tên tiết lộ, địa điểm diễn ra song quy có thể là khách sạn, nhà khách, căn cứ quân sự, hoặc thậm chí là một ngôi nhà bình thường - song khách sạn vẫn là địa điểm phố biển nhất.

Theo Hoàn Cầu, nơi được sử dụng để song quy đa phần nằm tại vùng sâu vùng xa, những nơi khó tiếp cận, ví dụ như dưới chân Vạn Lý Trường Thành. Chính sự xa xôi cách trở này càng khiến cho toàn bộ quá trình thẩm vấn trở nên bí hiểm.

Không có nhiều thông tin về việc ai sẽ là người xét hỏi. Theo South Reivews, thông thường mỗi nhóm xét hỏi sẽ có khoảng từ 6 - 9 người, làm việc theo ca, mỗi ca kéo dài 3 tiếng. Họ được tuyển mộ từ những tổ chức, cơ quan khác nhau, với thâm niên khác nhau và thường không biết nhau, nhằm "loại trừ trường hợp bị yếu tố quan hệ cá nhân cản trở".

Chuyên gia về chống tham nhũng tại Trường Đảng của Ủy ban Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc Lin Zhe đã từng được mời tới tòa nhà 2 tầng màu xám gần Đại học Thượng Hải tại quận Bảo Sơn (Vân Nam), nơi giam giữ và thẩm vấn các quan chức bị cáo buộc tham nhũng và vi phạm kỷ luật Đảng. Trên tờ Hoàn Cầu, bà Lin kể: "Bàn ghế được sử dụng trong phòng thẩm vấn không có cạnh nhọn. Tường được lọt đệm để chắc chắn rằng căn phòng cách âm và ngăn chặn các quan chức bị thẩm vấn đập đầu vào tường". Căn phòng được xây dựng giống như một phòng giam, chỉ có một chiếc giường và camera thì giám sát 24/24.

Bài báo đã bị gỡ bỏ trên tờ South Review mô tả, song quy "vừa là một vũ khí sắc nhọn trong việc đấu tranh chống tham nhũng, vừa là một hố đen chết người".

Theo Hoàn Cầu, mặc dù các quan chức này thường sẽ được giao lại cho cơ quan tư pháp để tiến hành các thủ tục pháp lý, trong trường hợp một quan chức được xác định là phạm pháp, song sự bí mật về song quy đã phải chịu không ít lời chỉ trích, bởi nó không phải là một phần trong hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, một số người lại nghi ngờ rằng nó được sử dụng để làm lá chắn cho các quan chức tham nhũng.

Địa điểm cũng như cách thức tiến hành song quy vẫn còn là một điều bí ẩn

Địa điểm cũng như cách thức tiến hành song quy vẫn còn là một điều bí ẩn

Cái chết đầy bí ẩn

Cái chết bí ẩn của 2 quan chức địa phương sau khi bị giam giữ tại địa điểm song quy ở Ôn Châu (Chiết Giang) và Tam Môn Hiệp (Hà Nam) đã đặt ra câu hỏi rằng, rút cuộc thì chuyện gì đã xảy ra sau những cánh cửa đóng kín.

Gia đình của Yu Qiyi, 42 tuổi, Đảng viên, kỹ sư trưởng tại một tập đoàn nhà nước và Jia Jiuxinang, phó giám đốc tòa án Trung cấp Tam Môn Hiệp, đã hoàn toàn bị sốc khi nhìn thấy những vết bầm tím trên thi thể của người thân họ sau khi bị đưa đi thẩm vấn. Trong khi gia đình ông Jia nhận được lời giải thích rằng ông bị đau tim, thì lý do cho cái chết của ông Yu thậm chí còn không thống nhất "người thì nói là tự tử, người thì nói ông ngã khi bị tắm, người lại bảo bị đau tim".

Cũng như gia đình ông Yu, gia đình vị quan chức họ Jia đã yêu cầu chính quyền điều tra vụ việc. Kết quả là 2 người được xác định là tử vong do bị tra tấn bất hợp pháp, một vài quan chức trong ủy kiểm tra kỷ luật thành phố đã bị bắt giữ.

Tuy nhiên, khi vụ việc dường như đã được giải quyết thì gia đình của một trong những quan chức phải chịu trách nhiệm về cái chết ông Yu đã lên tiếng khẳng định rằng người thân của họ vô tội và rằng ông ta chỉ là vật tế thần cho Ủy ban kiểm tra kỉ luật.

"Chính quyền địa phương đã tiếp cận chúng tôi, cố gắng thuyết phục chúng tôi thuê luật sư mà họ giới thiệu và từ bỏ việc rửa sạch thanh danh cho nó. Họ cũng nói rằng Đảng sẽ giảm hình phạt cho con trai chúng tôi nếu chúng tôi chịu nghe theo họ, còn không, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng" - một gia đình kể lại.

Theo Hoàn Cầu, sự việc lộn xộn này một lần nữa lại làm dấy lên những lời chỉ trích rằng chính quyền địa phương vô trách nhiệm và không muốn tìm ra những người thực sự phải chịu trách nhiệm cho cái chết khó hiểu của 2 quan chức.

Hoàn Cầu dẫn lời ông Si Weijiang, luật sư hỗ trợ pháp lý cho cả 2 trường hợp trên cho rằng: "Các quan chức được bảo vệ như vậy trước khi họ được đưa tới địa điểm song quy, bởi họ có thể sử dụng quyền lực và tiềm lực của mình để tránh bị tra tấn. Nhưng một khi họ đã bị song quy, quyền lợi của họ gần như không được bảo vệ".

"Công tố viên hoàn toàn có thể thực hiện được công việc của cơ quan kiểm tra kỷ luật và công việc của họ đúng luật. Vụ việc ở Tam Môn Hiệp rõ ràng là đã coi thường pháp luật bởi một quan chức tòa án đã bị giết và bị truy tố không theo luật, mà bằng "các biện pháp kỉ luật"…. Nếu bản thân đảng không thể tuân theo luật pháp, làm sao chúng ta có thể trông chờ họ lãnh đạo đất nước này theo luật pháp?".

Tháng 5/2013, những quy định mới về song quy đã được ban hành, trong đó yêu cầu các quy tắc ứng xử trong đảng cần phải phù hợp với Hiến Pháp Trung Quốc. Sau Hội nghị trung ương 3 vào tháng 11/2013, ĐCS Trung Quốc đã công bố kế hoạch cấu trúc bộ máy nhà nước hoạt động theo pháp luật. Foreign Policy dẫn lời một số chuyên gia cho rằng, đây là dấu hiệu cho thấy các trường hợp bị song quy sẽ giảm xuống trong tương lai. Tuy nhiên, do không có số liệu thống kê cụ thể về những "nạn nhân" của song quy, việc đánh giá quá trình này gần như là không thể.

Xem thêm Video: Toàn cảnh phiên tòa xét xử Bạc Hy Lai

 

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại