Ngày 31/5, Đối thoại Shangri La bước vào ngày làm việc cuối cùng với chủ đề củng cố trật tự khu vực hướng tới giải pháp chủ động hơn cho các tranh chấp và hợp tác khu vực trước những thách thức an ninh toàn cầu.
Không nằm ngoài dự đoán, đoàn đại biểu Trung Quốc đã tận dụng diễn đàn tại Đối thoại Shangri La lần này để phản bác quan điểm của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông.
Trong bài phát biểu của mình, Đô đốc Hải quân, Phó Tổng Tham mưu trưởng Tôn Kiến Quốc bác bỏ những chỉ trích của Mỹ về hoạt động cải tạo trái phép của nước này trên các đảo ở Biển Đông, cho rằng các dự án xây dựng này là “hợp pháp và hợp lý”.
Tuyên bố của ông Tôn được đưa ra 1 ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter có bài phát biểu lên án mạnh mẽ các dự án cải tạo với tốc độ “chưa từng có” của Trung Quốc trên các đảo ở Biển Đông, cụ thể trong vòng 18 tháng qua, Trung Quốc đã cải tạo hơn 800ha, tức là nhiều hơn tất cả những lần cải tạo trước đó gộp lại.
Tại phiên họp cuối cùng trong khuôn khổ Đối thoại Shangri La, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Kevin Andrews đã chia sẻ cùng quan điểm của Mỹ, phản đối hoạt động cải tạo quy mô lớn của Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo ông Andrews, những hành động này có thể buộc các nước có liên quan phải đưa ra những biện pháp ứng phó, từ đó khiến căng thẳng gia tăng dẫn tới những hậu quả đáng lo ngại.
Do đó, ông kêu gọi ASEAN và Trung Quốc sớm hoàn tất Bộ quy tắc Ứng xử của các bên ở Biển Đông.
“Australia tin rằng, tất cả các nước đối tác của khu vực có mặt tại đây hôm nay đều quan tâm đến việc đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực.
Vì thế chúng tôi quan ngại về những diễn biến làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Australia đã làm rõ quan điểm phản đối hành động thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông và biển Hoa Đông, đặc biệt là những hoạt động cải tạo quy mô lớn gần đây ở Biển Đông.
Vì thế, điều quan trọng hơn cả là phải sớm có một Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa các nước ASEAN và Trung Quốc”, ông Andrews nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cũng bày tỏ quan ngại rằng những căng thẳng ở Biển Đông và biển Hoa Đông, cho rằng điều này đang làm thay đổi cân bằng quyền lực ở khu vực, qua đó nhấn mạnh đến sự cần thiết phải xây dựng một cấu trúc an ninh tổng thể.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen cho rằng dù những thách thức an ninh ở châu Âu và châu Á khác nhau nhưng cũng có những điểm tương đồng, đó là mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố xuyên quốc gia, từ những quốc gia bất ổn, từ những cuộc chạy đua về sức mạnh quân sự và đặc biệt là từ những tranh chấp về lãnh thổ ngày càng gia tăng.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức khẳng định, ổn định và an ninh ở Đông Á cũng như Đông Nam Á là mối quan tâm hàng đầu không chỉ của các nước trong khu vực mà cũng là của các nước châu Âu.
Bà Leyen cho biết, trong bối cảnh ASEAN đang tăng cường tập trung vào an ninh, trong đó có việc vươn tới Trung Quốc, thì hợp tác giữa ASEAN và EU về quốc phòng và an ninh cũng nên tăng cường.
Đối thoại và chia sẻ ý kiến giữa các lục địa có thể xây dựng một thế giới đoàn kết hơn, ổn định hơn và an toàn hơn.
Chia sẻ quan điểm của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Đức cho rằng có 5 yếu tố đảm bảo hòa bình và an ninh cho khu vực, trước hết là các nước cần phải xây dựng cơ chế đảm bảo đối thoại thường xuyên để ngăn chặn và giải quyết xung đột; Thứ hai là các nước cần phải đưa ra những quy định và tôn trọng quy định luật pháp; Thứ ba là các nước phải củng cố lòng tin thông qua sự minh bạch; Thứ tư là các nước cần xác định rằng một cấu trúc an ninh bền vững không bao giờ chống lại bất cứ nước nào mà phải mang lại lợi ích cho tất cả các bên; Và cuối cùng, chỉ có hợp tác, các nước mới có thể đi đúng hướng.
Theo bà Leyen, thiết lập liên minh là việc hết sức khó khăn nhưng nó đem lại lợi ích không chỉ cho các nước nhỏ mà đối với cả những nước lớn.
Cũng tại diễn đàn này, Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách An ninh và Đối ngoại châu Âu Federica Mogherini bày tỏ mong muốn phát triển mối quan hệ đối tác với ASEAN vì những mục đích chiến lược.