Quan hệ Nga – Mỹ đã trở nên xấu đi rất nhiều kể từ đầu cuộc khủng hoảng Ukraine, nhưng còn trượt dốc thảm hại hơn nữa sau cuộc bầu cử của ly khai ở miền Đông Ukraine.
Sau cuộc bầu cử, các quan chức Mỹ cảnh báo Nga sẽ phải trả giá vì “hành động gây mất ổn định và nguy hiểm”, bao gồm cả việc điều một số lượng quân lớn tới gần biên giới Ukraine. Tuy nhiên, họ cũng buộc phải thừa nhận những hạn chế của Mỹ trong việc ngăn chặn các chính sách đối ngoại mạnh mẽ của Nga ở Ukraine.
WSJ dẫn lời một quan chức Mỹ cấp cao cho hay: "Đối với các nhà lãnh đạo Nga, Ukraine là vấn đề trọng tâm trong an ninh quốc gia, sẽ không dễ dàng gì để có thể thay đổi chính sách của họ, và chắc chắn sẽ không thể làm được gì trong ngắn hạn".
Vị này cũng cho rằng, dưới sức ép của phương Tây, Nga đã có một số thay đổi trong chiến thuật, nhưng không có thay đổi cơ bản nào trong định hướng chiến lược về Ukraine.
Trong cuộc bỏ phiếu hôm 2/11 do quân ly khai ở miền Đông Ukraine tổ chức, Nga vẫn tiếp tục thực hiện các hành động mà Mỹ và châu Âu coi là không thể chấp nhận được.
Công khai ủng hộ bầu cử của ly khai
Kiev và các quan chức phương Tây lên án cuộc bầu cử là một trò hề và là mối đe dọa cho lệnh ngừng bắn mong manh ở miền Đông Ukraine và thúc giục Nga kêu gọi ly khai tuân thủ những cam kết trong lệnh ngừng bắn.
Ông Alexander Zakharchenko, Thủ tướng Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng, đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử ở miền Đông Ukraine.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Nga tôn trọng ý chí của người dân ở phía đông nam Ukraine.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga có đoạn: "Các quan chức được bầu đã nhận nhiệm vụ khôi phục lại cuộc sống bình thường ở khu vực này”.
Trước đó, theo những điều khoản trong thỏa thuận ngừng bắn Tổng thống Ukraine Petro Oleksiyovych Poroshenko đã ký đạo luật tình trạng đặc biệt (cấp quyền tự trị có giới hạn) cho các khu vực ly khai đang kiểm soát và cho phép các khu vực này được tổ chức bầu cử cấp địa phương vào tháng Mười Hai tới, nhưng quân ly khai đã phớt lờ thời hạn đó và tự tổ chức bầu cử trước. Đáp lại, ông Poroshenko tuyên bố có thể sẽ bãi bỏ đạo luật trên.
Ông nói: "Cuộc bầu cử đã phá vỡ đạo luật và khiến tình hình trở nên trầm trọng thêm”.
Ông khẳng định, sở dĩ đạo luật là để cấp quyền cho chính quyền được bầu cử hợp pháp chứ không phải cho những “tên côn đồ tự trao vương miện cho chính mình”.
Liên minh châu Âu cũng cho biết sẽ không công nhận kết quả. Một phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel còn cho hay: “Không thể hiểu được tại sao lại có những quan chức Nga bày tỏ sự tôn trọng hay công nhận cái gọi là bầu cử như vậy”.
Nhà Trắng cũng bày tỏ lo ngại về những gì mà phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Bernadette Meehan gọi là “nỗ lực của Nga nhằm hợp pháp hóa các cuộc bầu cử bất hợp pháp”.
Điều quân bảo vệ bầu cử?
Trong một diễn biến khác, Tướng Không quân Mỹ Philip Breedlove, Chỉ huy quân sự hàng đầu của NATO cho hay, quân đội Nga đã di chuyển tới gần hơn biên giới Ukraine trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử.
Lực lượng quân đội Nga ở Crimea.
Hôm 2/11, ông nói: "Chúng tôi tin rằng động thái đó là nhằm gây áp lực và đảm bảo cuộc bầu cử được tiến hành theo đúng kế hoạch của quân ly khai. Ông cho biết thêm, có khoảng 250 đến 300 binh sĩ Nga đã xâm nhập vào Ukraine để tư vấn và đào tạo cho quân ly khai.
Trong khi đó, Nga vẫn một mực phủ nhận mọi sự dính líu tới tình hình căng thẳng ở miền Đông Ukraine.
Nhóm quan sát của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu cho hay, trong ngày bầu cử của ly khai, một trong bốn chiếc máy bay không người lái đang giám sát biên giới Nga và Ukraine đã bị bắn nhiều lần.
Phái viên Mỹ tại OSCE Daniel Baer cho rằng: "Có nhiều manh mối cho thấy quân ly khai đã thực hiện vụ tấn công đó”.
Phớt lờ cam kết trong lệnh ngừng bắn
Hơn thế nữa, cuộc bầu cử đã phá vỡ các thỏa thuận trong lệnh ngừng bắn hôm 5/9 được kí kết giữa quân ly khai, Nga và Ukraine tại thủ đô Minsk của Belarus. Nó cũng khiến các nước phương Tây lo ngại về các ý đồ tiếp theo của Moscow.
Bất chấp lệnh ngừng bắn, các cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn ở miền Đông Ukraine.
Bà Meehan nói: "Nếu Moscow tiếp tục phớt lờ các cam kết tại Minsk và tiếp tục có những hành động gây bất ổn và nguy hiểm, cái giá mà Nga phải trả sẽ nhiều hơn nữa”.
Trước đó, Nhà Trắng luôn từ chối cung cấp cho Ukraine vũ khí sát thương bất chấp việc nhiều quan chức Mỹ cho rằng quyết định đó sẽ khiến Nga sẵn sàng gây căng thẳng hơn nữa.
Thay vào đó, Nhà Trắng tin rằng các biện pháp trừng phạt sẽ gây được áp lực cho Moscow và cảnh báo sẽ còn nhiều biện pháp hơn nữa nhằm vào Nga. Một quan chức cấp cao nói: "Chúng tôi đang xem xét các biện pháp thích hợp, chúng tôi đang thảo luận với các đồng minh và các đối tác”.
Theo nhiều quan chức Mỹ, chiến lược này cần nhiều thời gian hơn nữa để có hiệu quả và không nên hy vọng điện Kremlin sẽ nhanh chóng thay đổi chính sách về Ukraine.
Trong khi đó, phát biểu hôm 2/11, ông Poroshenko cho biết ông sẽ đề xuất một đạo luật khác để xác định các ranh giới của các khu vực ly khai đang chiếm giữ và phân quyền. Đây lại là một chính sách dường như để ngầm thừa nhận thêm rằng chính quyền trung ương đã bị mất kiểm soát trong khu vực.