Điều gì đón chờ Tổng thống Putin "hậu Obama"?

Quang Huy |

Ukraine vẫn sẽ là trung tâm của cuộc xung đột Nga – Mỹ, và chỉ có 1 trong số ứng viên tổng thống Mỹ tiềm năng là có thái độ ôn hòa với Moscow trong vấn đề này.

Tờ Newsweek (Mỹ) cho hay, theo kết quả của các cuộc điều tra, người dân Mỹ cùng thống nhất quan điểm liên quan tới Ukraine.

Đa số người Mỹ ủng hộ việc tăng nặng các biện pháp trừng phạt đối với Điện Kremlin. Tất cả những ứng cử viên hàng đầu vào chiếc ghế tổng thống Mỹ, ngoài thượng nghị sĩ Rand Paul, đều có quan điểm cứng rắn đối với Moscow, và họ ủng hộ việc cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Ông Putin "cơm không lành, canh không ngọt" với đảng Dân chủ Mỹ...

Ví dụ, bà Hillary Clinton, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ - chưa bao giờ là người được Moscow mong đợi.

Theo Newsweek, truyền thông Nga chỉ trích cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ có tính cách cứng rắn, theo chủ nghĩa nữ quyền, gàn dở… Năm 2014, tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ trích bà Clinton trong cuộc trả lời phỏng vấn của các phương tiện truyền thông Pháp.

Tổng thống Nga
Vladimir Putin
Không nên tranh cãi với phụ nữ, và tốt nhất không nên cãi vã om sòm với họ. Nhưng bà Clinton từ trước đến giờ chưa bao giờ khéo léo trong cách ăn nói. Khi người ta vượt qua giới hạn của sự lịch thiệp thì điều đó không nói lên sức mạnh mà chính là điểm yếu của họ. Và đối với phụ nữ, sự yếu đuối không phải là phẩm chất xấu nhất.

Nhóm các cố vấn của bà Clinton về đối ngoại cũng có quan điểm cứng rắn đối với Nga. Trong nhóm này có nhà kiến thiết Nam Tư Richard Holbrooke không giành được cảm tình của Moscow.

Nữ trợ lý của Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Châu Âu Victoria Nuland - người phân phát bánh quy tại Maidan trong cuộc biểu tình phản đối chính quyền ông Yanukovich - vẫn bị các phương tiện truyền thông Nga tẩy chay vì quan điểm ủng hộ Ukraine. Bà cũng thuộc nhóm cố vấn của bà Clinton.

Thêm một đại diện của nhóm này – ông Alexander Vershbow, cựu đại sứ Mỹ tại Nga và hiện đang là phó tổng thư ký của NATO.

Khi còn giữ cương vị ngoại trưởng, bà Clinton yêu cầu một cách dứt khoát các nhà lãnh đạo Châu Âu giữ quan điểm cứng rắn trong cuộc xung đột tại đông Ukraine và chỉ trích ông Putin.

Thị trưởng London Boris Johnson thừa nhận rằng, ông rất nể sự cương quyết mà bà Clinton thể hiện khi yêu cầu các nhà lãnh đạo Châu Âu chống lại tổng thống Nga.

“Bà ấy lo sợ nếu Putin không gặp phải sự đấu tranh, nếu không kiểm soát ông ta thì ông ta sẽ cố gắng mở rộng tầm ảnh hưởng của mình lên toàn bộ các nước thuộc Liên Xô cũ” - ông Johnson nói.

Bà Clinton nói với ông Johnson rằng, người Anh cần phải giảm bớt sự lệ thuộc của mình vào năng lượng do Nga cung cấp và tìm kiếm những đối tác khác để thay thế.

Vấn đề mối quan hệ với nước Nga bí hiểm không còn là điều gì mới đối với Hillary Clinton. Như bà từng viết trong cuốn hồi ký “Những quyết định khó khăn” của mình, bà đã phải mất rất nhiều thời gian để suy ngẫm về cách để hiểu được Putin.

Báo cáo cuối cùng của bà Clinton trên cương vị ngoại trưởng vào tháng 1/2013 đã cảnh báo tổng thống Barack Obama về những tham vọng của tổng thống Putin.

Bà nêu rõ rằng, Putin "là mối đe dọa đối với các nước láng giềng của Nga cũng như đối với trật tự thế giới".

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (phải) - ứng cử viên nặng ký cho chức tổng thống Mỹ - có quan điểm vô cùng cứng rắn đối với Nga. Ảnh: AP.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (phải) - ứng cử viên "nặng ký" cho chức tổng thống Mỹ - có quan điểm vô cùng cứng rắn đối với Nga. Ảnh: AP.

Hillary Clinton cảnh báo rằng, trong tương lai sẽ có những thời khắc khó khăn, và mối quan hệ với Moscow nhiều khả năng sẽ xấu đi chứ không hề được cải thiện.

Bà Clinton kêu gọi ông Obama phải tạm dừng chính sách “tái khởi động” mà họ cùng nhau triển khai từ năm 2009.

Bà khuyến cáo không nên cố gắng hợp tác và xoa dịu Putin khi thể hiện quá nhiều sự quan tâm tới tổng thống Nga. “Sức mạnh và sự quyết đoán là điều duy nhất mà Putin hiểu được” - bà Clinton nói.

Tổng thống Mỹ không nghe theo lời cảnh báo này và đã mời ông Putin tham gia vào hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo các nước được tổ chức tại Moscow vào mùa hè năm 2013.

Cuối cùng thì cuộc gặp gỡ này đã bị hoãn bởi chính quyền Nga cho cựu nhân viên NSA Edward Snowden tị nạn chính trị. Bà Clinton cho rằng, ông Putin “sẽ hồi sinh Liên Xô và trấn áp những người không cùng chí hướng với mình”.

... Và đảng Cộng hòa

Mối quan hệ của Điện Kremlin với ứng cử viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa cũng không ít khó khăn.

Thống đốc Jeb Bush dù chưa tuyên bố chính thức về việc tham gia tranh cử, nhưng ông cũng thường xuyên chỉ trích “sự ngây thơ” và “bị động” trong chính sách đối ngoại của Mỹ, trong đó có cả vấn đề Ukraine và Nga.

Anh trai của thống đốc này - cựu tổng thống George Bush - cũng không có ấn tượng tốt đẹp với Putin. Trong nhóm các cố vấn của ông Jeb Bush về đối ngoại, nhiều khả năng sẽ có các nhân viên cũ của ông Bush "anh".

Trước tiên, đó là cựu Ngoại trưởng Condoleezza Rice và cựu thứ trưởng Ngoại giao Paul Wolfowitz. Những nhân vật này chưa bao giờ được Điện Kremlin yêu thích.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleeza Rice cũng không thân thiện gì với Moscow.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleeza Rice cũng không thân thiện gì với Moscow.

Còn nếu không phải là Jeb Bush thì sẽ là ai trong đảng Cộng hòa đứng ra ứng cử?

Những thượng nghị sĩ Mỹ gốc Cuba Marco Rubio và Ted Cruz là thành viên của Ủy ban của Thượng viện về các vấn đề quốc tế và ủng hộ việc cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraine cũng như chỉ trích công khai và trực diện Nga.

Ông Rubio và ông Cruz theo trường phái chính sách đạt được hòa bình bằng vũ lực của Ronald Reagan. Ông Cruz từng tuyên bố rằng, Mỹ "phải cung cấp vũ khí cho Ukraine".

Thêm một ứng cử viên của đảng Cộng hòa – đó là thống đốc bang Wisconsin, ông Scott Walker cũng ủng hộ việc bán vũ khí cho Ukraine.

Nhân vật duy nhất bị đẩy ra khỏi danh sách ứng cử viên, đó là thượng nghị sĩ Rand Paul.

Một nhà báo của tạp chí Forbes cho biết rằng, thượng nghị sĩ Paul đã nhiều lần thay đổi quan điểm về Ukraine, và những tuyên bố mới đây của ông đi ngược lại với những gì ông từng nói.

Các cố vấn của ông về mối quan hệ với Nga – đại sứ Richard Burt và Dimitri Simes, chủ tịch Trung tâm Nixon. Họ được cho là những người theo chính sách đối ngoại thực tiễn và ủng hộ mối quan hệ hữu hảo với Nga.

Như vậy, ngoài khả năng ông Rand Paul tình cờ trở thành tổng thống Mỹ, thì Nga sẽ đối mặt với mặt trận dân chủ - cộng hòa thống nhất. Tất cả họ đều cương quyết ủng hộ "chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine".

Như vậy, trong trường hợp các ứng cử viên này lên làm tổng thống Mỹ, không nhiều khả năng họ sẽ suy nghĩ tới việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Moscow.

Chương trình Giao lưu trực tuyến với tổng thống Putin kéo dài 4 tiếng đồng hồ diễn ra hôm 16/4 cho thấy mối quan hệ không được coi trọng của Nga đối với Mỹ, nhưng sự cô lập và các biện pháp trừng phạt vì cuộc xung đột tại Ukraine đang hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Dù ai có thắng trong cuộc bầu cử vào năm 2016 đi chăng nữa, phe cộng hòa hay phe dân chủ, Moscow sẽ gặp khó khăn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại