Theo báo chí địa phương, các biển quảng cáo chuẩn bị cho ngày lễ trọng đại của đất nước, được treo tại ngoại ô Moscow thuộc khu vực Ivanteyevka, đã bị dỡ bỏ sau khi xuất hiện chưa đến 12 giờ.
Công ty Ivanteyevka Today, đơn vị thiết kế biển quảng cáo nói rằng, đã có một sự nhầm lẫn trong khâu lựa chọn hình ảnh từ các nhân viên của công ty, khiến dư luận phản ứng.
Thiết kế ban đầu cho thấy, biển quảng cáo dùng để chào mừng lễ kỷ niệm với hình ảnh đen trắng của một nhóm phi công trên một máy bay chiến đấu cùng dòng chữ “Họ đã chiến đấu cho quê hương”.
Ngoài ra, bên ngoài cùng của biển quảng cáo là một dải băng màu đen và cam, tượng trưng cho lòng dũng cảm của quân đội Nga.
Tuy nhiên, rắc rối xảy ra sau khi người dùng internet phát hiện ra rằng hình ảnh các phi công trên chiếc máy bay lại thuộc Không quân Đức, đúng hơn là lực lượng phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ 2.
Chiếc máy bay được xác định là Ju-88A-1, một máy bay ném bom chuyên dụng của quân đội Đức trong chiến tranh. Bức ảnh từng xuất hiện trong một cuốn sách lịch sử và các ấn phẩm có sẵn trên mạng internet.
Phát ngôn viên của chính quyền thành phố Ivanteyevka cho rằng, vụ việc là một “trục trặc đáng tiếc” trong giai đoạn chuẩn bị cho Ngày Chiến thắng.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Duma Quốc gia, đại tá binh chủng nhảy dù và anh hùng của Nga Andrei Krasov coi việc này là một ảnh hưởng nghiêm trọng đến lễ kỷ niệm trọng đại của đất nước.
“Điều này gây tổn thương và đau đớn cho những quân nhân đã hy sinh vì lý tưởng bảo vệ đất nước trong Chiến tranh thế giới thứ 2.
Đặc biệt hơn khi nó xảy ra ngay trên quê hương của chúng tôi, tại Moscow,” ông Krasov bình luận trên trang web của Mặt trận nhân dân ủng hộ điện Kremlin, do Tổng thống Putin thành lập.
Tuy nhiên, một số người cũng lên tiếng châm biếm sự nhầm lẫn của công ty thiết kế, khi cho rằng lực lượng không quân của Đức Quốc xã đã bị xâm chiếm bởi binh sĩ Nga.
“Hình ảnh như thế này thực sự cho tôi hy vọng. Tôi bắt đầu nghĩ đến việc người Nga có mặt khắp mọi nơi trên thế giới. Điều này thực sự thú vị với những ai tin vào sức mạnh của chúng tôi,” blogger Mikhail Pozharsky, một trong những người đã phát hiện ra sự nhầm lẫn cho biết.
Một số trường hợp tương tự đã diễn ra vào những năm trước, như trường hợp một bức ảnh mừng Ngày Chiến thắng của cổng thông tin NewDayNews, thay vì chọn hình ảnh binh sĩ Nga, nhà thiết kế đã lấy bức ảnh của lính Mỹ tại Iwo Jima.
Năm 2006, một biển quảng cáo tại Kaliningrad cũng nhầm lẫn khi sử dụng một hình ảnh của xe tăng Tiger Đức.