Thời gian qua, chiến dịch truy quét tham nhũng của Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế. Cho đến nay, Bắc Kinh đã bắt giữ hơn 50 quan chức cấp cao cùng hàng ngàn quan chức cấp thấp.
Thông điệp sống động
Tại Trung tâm Giáo dục phòng chống tham nhũng Quảng Đông ở TP Quảng Châu, các thông điệp được truyền tải đơn giản và trực diện. Một bản sao nhà tù chễm chệ trước mắt khách tham quan.
Qua song sắt, người ta nhìn thấy 3 cựu quan chức làm bằng cạc-tông đứng ngồi chán ngán trong phòng giam ọp ẹp. Bức tường phía sau ghi câu nhắn nhủ: “Những ngày thương đau. Không bao giờ đến chốn này”.
Giám đốc trung tâm, bà Học Mai, cho biết: “Bản sao nhà tù trở thành hồi chuông cảnh tỉnh, giúp giới quan chức nhận thức rõ những hậu quả nghiêm trọng nếu sa chân lỡ bước”.
Trung tâm Giáo dục phòng chống tham nhũng Quảng Đông còn tái hiện cảnh một cựu giám đốc sở công an cất giấu tiền của bất chính trong két sắt ẩn sâu vào tường ở nhà bố mẹ tại quê.
Một tivi màn hình phẳng phát đi phát lại video một cựu quan chức bị bắt năm 2008 vì nhận hối lộ hơn 18 triệu nhân dân tệ đang thú nhận tội lỗi. “Tôi vô cùng hối hận. Tôi đã bôi tro trét trấu vào gia đình và tổ tiên” - người này nấc từng tiếng trong bộ quần áo tù màu cam.
Theo bà Học, thời gian qua, trung tâm đã tổ chức các buổi gặp gỡ với hơn 10 người diễn thuyết, trong đó có một cựu thị trưởng bị kết án 11 năm tù vì nhận hối lộ.
Từ khi hoạt động vào tháng 4-2013, Trung tâm Giáo dục phòng chống tham nhũng Quảng Đông đã thu hút hơn 100.000 lượt người tham quan, với khoảng 600 cán bộ cấp sở.
Trung tâm này chỉ là một trong hơn 200 cơ sở tương tự ở Quảng Đông. Theo báo China Daily, nhiều địa phương khác ở Trung Quốc cũng xuất hiện trung tâm kiểu này.
Răn đe hiệu quả
Ông Quách Tịnh, người đứng đầu Trung tâm Giáo dục phòng chống tham nhũng Bắc Kinh, cho biết: “Chúng tôi muốn để các quan chức thấy được cái giá phải trả của việc nhận hối lộ”.
Tại đây, người tham quan được xem một video về những quan chức phải vào tù vì tham nhũng với âm lượng bật hết cỡ nhằm tối đa hóa tác động. Sự tương phản giữa cuộc sống trước và sau khi bị bắt cũng được phô bày.
Tỉ như một quan chức lướt khướt say tại một bữa tiệc sang trọng trong bức hình đầu tiên; đến bức thứ 2, nhân vật tham nhũng 16 triệu nhân dân tệ ấy ngồi trên ghế, nếm trải bữa ăn nhạt thếch chỉ có bánh mì và súp rau củ.
Nhiều trung tâm còn trang bị màn hình lớn và âm thanh tiên tiến không khác gì rạp chiếu phim để phát các phiên xử quan tham. Khi đoạn phim kết thúc, nhiều hiệu ứng được tạo ra làm người xem có cảm giác như bị lọt vào hố đen ngay dưới chân mình.
Theo Phó Giám đốc Du Chí Chu của Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục liêm chính thuộc Trường ĐH Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh, giáo dục bằng cách răn đe là một trong những hình thức chống tham nhũng hiệu quả nhất. Những ví dụ điển hình làm không ít người thất kinh.
Ông Lý Giang Quốc, người đứng đầu một công ty hóa dầu lớn, há hốc mồm khi biết Trần Đồng Hải, chủ tịch Tổng Công ty Dầu khí và Hóa chất Sinopec, bị kết án tử hình vì nhận hối lộ. “Ông ấy từng ghé văn phòng của tôi, thậm chí chúng tôi còn bắt tay” - ông Lý lắc đầu.