“Đệ nhất phu nhân của thế giới”

Cho đến nay, chưa có một đệ nhất phu nhân nào vượt qua được danh tiếng và hình ảnh của Đệ nhất Eleanor Roosevelt, phu nhân của Tổng thống Franklin Roosevelt.

Nước Mỹ đã trải qua 44 đời tổng thống, đi kèm với họ là những đệ nhất phu nhân nổi tiếng, nhưng có lẽ cho đến nay, chưa có một đệ nhất phu nhân nào vượt qua được danh tiếng và hình ảnh của Đệ nhất Eleanor Roosevelt, phu nhân của Tổng thống thứ 32, Franklin Roosevelt.

Phu nhân Eleanor Roosevelt và chồng.

Nổi tiếng là người năng động, tích cực, bà là người kiên quyết giũ bỏ vai trò thụ động của một đệ nhất phu nhân, để trở thành một nhà nhân đạo, nhà hoạt động xã hội chuyên nghiệp.

Eleanor Rooservelt sinh ngày 11/10/1884, trong một gia đình có truyền thống giữ vị trí quan trọng trong chính phủ Mỹ. Ngay từ khi mới 10 tuổi, bà đã mồ côi cha mẹ. Dưới sự dạy dỗ của bà nội, tự nhận thức được những khó khăn của một cô gái mới lớn mà thiếu sự quan tâm của cha mẹ, Eleanor luôn nỗ lực để vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

Năm 1905, định mệnh đã sắp đặt bà gặp gỡ và kết hôn với Franklin Delano Roosevelt, một ngôi sao chính trị đang lên, đồng thời cũng là người anh họ xa của bà.

Bà Eleanor Roosevelt tại Liên Hợp Quốc năm 1947.

27 năm sau, khi ông Franklin Roosevelt từ một luật sư, thống đốc bang trở thành tổng thống Mỹ thì các chặng đường hoạt động của vị Tổng thống thứ 32 này đều in đậm dấu ấn của người vợ tài ba.

Có thể nói, vai trò của bà trong sự nghiệp của chồng được khẳng định rõ nhất vào thời điểm năm 1921, khi chồng bà mắc chứng bại liệt và phải ngồi xe lăn đúng vào thời điểm vị thế chính trị của ông đang lên. Để bù đắp việc ông gặp khó khăn trong chuyển động, bà đã thay mặt ông xuất hiện trước công chúng, thay chồng đi tiếp xúc cử tri. Nhân danh ông, bà đi thăm các khu hầm mỏ, khu nhà ổ chuột, bệnh viện... Tất cả những nơi nào mà ông không thể đến, đều in dấu chân bà.

Với sự trợ giúp của vợ, chồng bà - Thống đốc Franklin Roosevelt - đã tiếp tục quay lại sự nghiệp chính trị và đắc cử chức Tổng thống thứ 32 của Mỹ vào năm 1933, đúng vào thời điểm kinh tế nước này đang rơi vào suy thoái.

Lại một lần nữa, Eleanor Roosevelt trở thành trợ thủ đắc lực của chồng. Trong cương vị là Đệ nhất phu nhân nước Mỹ, bà đã không quản ngại khó khăn đi khắp đất nước để xem xét tình hình kinh tế - xã hội của nước Mỹ, tích cực vận động cho các chính sách kinh tế xã hội mới của chồng. Ngoài ra, bà còn thường xuyên cộng tác, viết xã luận hàng ngày, và đại diện cho Tổng thống trong nhiều chuyến công cán nước ngoài.

Không chỉ có vậy, Eleanor Roosevels còn là đệ nhất phu nhân đầu tiên tham gia một cách đáng kể vào những vấn đề quan trọng của nước Mỹ. Bà hoạt động tích cực trong Hội Thanh niên quốc gia, làm đồng Chủ tịch của Cơ quan quốc phòng dân sự, luôn đi tiên phong trong các phong trào giúp đỡ người nghèo, và kiên cường trong công cuộc đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và người da màu. Đặc biệt, đối với người da màu, bà luôn tôn trọng và coi họ là một thành phần không thể thiếu được trong xã hội Mỹ.

Bà Eleanor Roosevelt cùng chồng Franklin Roosevelt và 2 người con đầu năm 1908.

Ngày 12/4/1945, người chồng yêu dấu của bà - Tổng thống Franklin Roosevelt - qua đời trong khi đương nhiệm. Rời khỏi Nhà Trắng nhưng bà vẫn tiếp tục các hoạt động chính trị, xã hội của mình ở khắp mọi nơi trên thế giới, và năm 1946, bà trở thành Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của Liên hợp quốc.

Có thể nói, thời gian làm việc cho Ủy ban nhân quyền của Liên hợp quốc là thời gian quan trọng nhất trong cuộc đời bà. Với cương vị Chủ tịch của Ủy ban này, Eleanor Roosevelt chịu trách nhiệm đệ trình các đề án, khuyến nghị và báo cáo về các tuyên ngôn về quyền tự do dân sự, địa vị của phụ nữ, tự do thông tin, ngăn ngừa sự phân biệt chủng tộc và bảo vệ các dân tộc thiểu số.

Công việc quan trọng nhất của Ủy ban nhân quyền lúc đó là việc soạn thảo ra một bộ luật quốc tế về các quyền. Tháng 12/1947, Ủy ban hoàn tất bản dự thảo tuyên ngôn về nhân quyền với tất cả sự tận tâm của bà và nhóm làm việc. Và đến ngày 10/12/1948, sau rất nhiều nỗ lực, Tuyên bố thế giới về nhân quyền đã được thông qua. Bà Eleanor Roosevelt đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của Đại hội đồng.

Năm 1951, bà Eleanor Roosevelt rời khỏi Liên hợp quốc. Tuy nhiên bà vẫn tiếp tục viết sách và tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội. Bà qua đời ngày 7/11/1962 và được chôn cất cạnh chồng, Tổng thống Roosevelt, ở Hyde Park.

Với tất cả những đóng góp lớn lao của bà cho sự nghiệp đấu tranh nhân quyền của nước Mỹ nói riêng và của thế giới nói chung, bà đã được Tổng thống Harry Truman gọi là “Đệ nhất phu nhân của thế giới”. Và cho đến tận hôm nay, đã 51 năm trôi qua kể từ khi Đệ nhất phu nhân Eleanor Rooservelt qua đời, nhưng mỗi khi nhắc đến bà, người ta vẫn cho rằng bà là đệ nhất phu nhân được kính trọng nhất nước Mỹ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại