LTS: Trước thềm chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hồng Tiểu Dũng đã có bài xã luận gửi Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc - kêu gọi song phương tăng cường giao lưu, tin tưởng, hợp tác cùng thắng lợi.
Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu tới quý độc giả bài viết của ông Hồng Tiểu Dũng:
Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hồng Tiểu Dũng. Ảnh: Xinhua
Thủ đô Hà Nội của Việt Nam được biết đến với tên gọi "Bách hoa xuân thành". Trong tiết trời thu rực rỡ, tòa thành cổ nghìn năm này sẽ đón tiếp chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của lãnh đạo tối cao Trung Quốc kể từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII của đảng Cộng sản Trung Quốc, là một sự kiện lớn trong quan hệ hai Đảng và hai nước.
Việt-Trung hai nước không chỉ sông núi liền nhau, mà truyền thông văn hóa cũng liên hệ mật thiết. Giống như Trung Quốc, Việt Nam cũng đón năm mới theo âm lịch.
Tết Nguyên đán là dịp lễ lớn nhất trong năm của Việt Nam, bước trên những con phố cũng cảm thấy không khí năm mới nồng nàn như vậy.
Tứ đại danh tác cổ điển của Trung Quốc được lưu truyền rộng rãi ở Việt Nam. Hình tượng "Tôn Ngộ Không" trong Tây Du Ký được sự đón nhận nồng nhiệt của nhi đồng Việt Nam, còn diễn viên Lục Tiểu Linh Đồng mỗi lần tới thăm Việt Nam đều được chào đón nhiệt tình.
Kể từ những bộ phim của thập niên 1990 như "Khát vọng", sau đó là "Hoàn Châu Cách Cách", hay mới đây là "Chân Hoàn truyện", hàng loạt bộ phim truyền hình của Trung Quốc được trình chiếu ở Việt Nam, được nhà nhà biết tới.
Rất nhiều thanh niên Việt Nam thuộc làu ca khúc "Ánh trăng nói hộ lòng tôi" và nhiều bài hát tiếng Hoa khác.
Một nữ sinh viên năm hai thuộc khoa Trung văn Đại học Hà Nội không chỉ nói được tiếng Trung lưu loát mà còn tự học Kinh kịch, hát được một đoạn trong vở "Tô Tam khởi giải", khiến người ta không khỏi khâm phục trình độ giáo dục Hán ngữ tại Việt Nam.
Tôi từng hai lần đi khảo sát khu vực biên giới Việt-Trung. Trên hơn 1.000km đường biên giới, nơi nào cũng thấy cảnh cư dân vùng biên giao hảo hòa hợp, giúp đỡ lẫn nhau.
Ở hai bên biên giới tập hợp nhiều thôn làng hữu nghị, mỗi kỳ lễ tết đều qua lại nhộn nhịp, chúc mừng lẫn nhau.
Hai cửa khẩu lớn Hà Khẩu-Lào Cai, Bằng Tường-Lạng Sơn mỗi ngày có hàng vạn lượt người qua lại, các đoàn xe chở hàng lên tới hàng nghìn chiếc. Khu mậu dịch biên giới ở cửa khẩu Đông Hưng-Móng Cái xe tới thuyền đi tấp nập.
Một nhân viên ngân hàng phụ trách giao dịch tại khu mậu dịch Đông Hưng giới thiệu, kim ngạch thương mại biên giới mỗi ngày đạt tới 20.000.000 nhân dân tệ.
Hồi tháng 5 năm nay, tôi tham gia cuộc gặp cấp cao của lãnh đạo quân đội Việt-Trung tại khu vực biên giới. Bộ trưởng quốc phòng song phương đã trèo đèo lội suối, khảo sát thôn làng, bộ đội.
Bộ đội biên phòng Việt-Trung sát vai tuần tra, cùng nhau làm nhiệm vụ. Hình ảnh bọn họ cùng gìn giữ an ninh biên giới khiến người ta có ấn tượng sâu sắc, cảm khái vạn phần.
Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc công bố hồi tháng 4 khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc chỉ ra, Việt-Trung có thể chế chính trị tương đồng, đường hướng phát triển gần gũi, tiền đồ vận mệnh tương quan, hai nước phát triển xem đối phương là cơ hội quan trọng.
Đó là sự phản ánh chân thực đối với quan hệ Việt-Trung giai đoạn hiện nay.
Trên thực tế, trong quan hệ đối ngoại của Trung Quốc, những quốc gia có nhiều yếu tố tương đồng với Trung Quốc giống như Việt Nam không nhiều. Hai nước có "vận mệnh chung" mang ý nghĩa chiến lược.
Không ngừng tăng cường trao đổi, gia tăng hiểu biết lẫn nhau, làm sâu sắc mối quan hệ hợp tác cùng có lợi chính là lợi ích chung của nhân dân hai nước.
Trung Quốc đã 11 năm liên tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với hơn 1.000 doanh nghiệp đang đầu tư tại Việt Nam.
9 tháng đầu năm nay, lương du khách Trung Quốc tới Việt Nam đạt hơn 1.300.000 lượt, chiếm gần 1/4 lượng du khách quốc tế đến Việt Nam.
Hai nước đã đạt được thỏa thuận chung về thúc đẩy hợp tác và phát triển quy hoạch đối tiếp giữa sáng kiến "một vành đai một con đường" cùng với “Hai hành lang, một vành đai kinh tế”.
Điều này chắc chắn sẽ giúp tiến thêm một bước trong việc khai thác tiềm lực hợp tác song phương, khai thác không gian hợp tác song phương, tiếp thêm động lực mới để phát triển quan hệ hai nước trong tình hình mới.
Giữa hai nước còn tồn tại bất đồng và mâu thuẫn, nhưng song phương đều nhận thức rằng lợi ích chung lớn hơn nhiều so với mâu thuẫn và cùng nỗ lực gìn giữ đại cục quan hệ hai nước.
Giao lưu thúc đẩy tin tưởng, hợp tác cùng thắng lợi - lý tưởng chung này đang đi sâu vào lòng người, đồng thời không ngừng làm phong phú nội hàm mối quan hệ song phương trong thời kỳ mới.
Năm nay là 65 năm Việt-Trung xây dựng quan hệ ngoại giao, song phương thường xuyên có các cuộc trao đổi cấp cao.
Lãnh đạo hai Đảng, hai nước đạt được hàng loạt nhận thức chung về việc gia tăng tin tưởng chính trị, tăng cường hợp tác cùng có lợi, xử lý tốt bất đồng, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện đi sâu vào phát triển, chỉ ra phương hướng để hai nước đối diện với thách thức, hướng tới tương lai hợp tác cùng thắng lợi.
Trong thời khắc quan trọng của quan hệ Việt-Trung và các bên tự mình kế thừa, phát triển, chuyến thăm Việt Nam cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ viết một chương mới về sự tăng cường phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc-Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và phu nhân sẽ có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.
Chuyến công du sẽ diễn ra trong 2 ngày, từ 5/11 đến 6/11. Sau lễ đón chính thức tại Phủ Chủ tịch, ông Tập Cận Bình dự kiến sẽ tới hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại trụ sở Trung ương Đảng.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Trung Quốc dự kiến cũng sẽ hội kiến với Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Theo lịch trình dự kiến, ông Tập Cận Bình sẽ phát biểu trước Quốc hội Việt Nam vào sáng ngày 6/11.
Đây sẽ là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Việt Nam của ông Tập Cận Bình kể từ khi nhậm chức Chủ tịch Trung Quốc năm 2012, và cũng là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên sau 9 năm của lãnh đạo cấp cao nhất nhà nước Trung Quốc.