Tại cuộc họp báo sau khi kết thúc “Hội nghị thượng đỉnh hạt nhân" ở The Hague, Tổng thống Barack Obama đã gọi Nga là "cường quốc khu vực”.Bằng ngôn từ đó, dường như, ông Barack Obama muốn hạ thấp vai trò của Nga trên thế giới.
Sau đây là nhận xét của ông Boris Volkhonski chuyên viên Viện nghiên cứu chiến lược Nga.
“Về chuyện trong các vấn đề chính sách đối ngoại ông Barack Obama có vẻ giống như cậu học trò thiếu kinh nghiệm ở trường tiểu học thậm chí trên nền những cuộc phiêu lưu mà người tiền nhiệm George W. Bush tiến hành. Trong lĩnh vực chính sách đối ngoại hơn 5 năm qua, ông Barack Obama chứng tỏ chỉ có những lời tuyên bố và hứa hẹn to tát, mà chỉ qua một thời gian, khi đến lúc thực hiện thì chính ông ấy lại rút lui không kèn không trống”.
Hôm nay trong cuộc khủng hoảng xung quanh Ukraine, sự bất lực của ông Barack Obama càng bộc lộ rõ rệt. Đương nhiên, không ai kêu gọi can thiệp vũ trang, đó sẽ là thảm họa cho cả thế giới. Trái lại - nếu chính quyền Hoa Kỳ thi hành đúng những nguyên tắc mà họ công bố gần đây (ví dụ, trong cuộc khủng hoảng Kosovo), thì hôm nay lẽ ra thuần túy là không phát sinh cuộc đối đầu nào hết: tình hình với ý nguyện của cư dân Crimea tuyệt đối thống nhất và tất cả những cố gắng nhằm miêu tả Nga như là "kẻ xâm lược" chỉ đơn giản là chuyện gây cười.
“Vẫn như trước đây, Mỹ cố giữ độc quyền về ngôi vị của đồng dollar như là loại ngoại tệ dự trữ toàn cầu và toan tính áp đặt những điều kiện của họ với thế giới thông qua vũ lực quân sự. Trong đó, bất chấp thực tế là đồng dollar tự nó đã từ lâu đánh mất giá trị dự trữ thực sự và chỉ duy trì nhờ công việc của những cỗ máy in tiền không ngừng. Còn toan tính can thiệp quân sự thì đang dẫn đến những hậu quả bi thảm, phá hoại đối với hàng loạt nước và khu vực.
Trong số tất cả những cuộc phiêu lưu quân sự mà chính quyền Mỹ ba nhiệm kỳ gần đây thi hành, không một cuộc nào dẫn đến cải tiến thực tế trong lĩnh vực an ninh mà hoàn toàn ngược lại.
Chiến dịch tại Afghanistan chẳng hạn, không chỉ đơn giản kết thúc bằng thất bại quân sự của Mỹ và các đồng minh NATO, mà kéo theo nhiều biến chứng hệ lụy nghiêm trọng và lâu dài với tất cả các nước láng giềng, trong đó có Nga, Ấn Độ và Trung Quốc”.
Vì thế, có lẽ trong ngôn từ của ông Barack Obama vẫn có chút hợp lý. Ngày càng có nhiều nước không còn hướng tới các siêu cường toàn cầu và chuyển toàn bộ gánh nặng của việc ra quyết định (và như thế có nghĩa là chịu trách nhiệm) cho cấp khu vực.