Chuyên gia Mỹ: Cần ranh giới đỏ chặn Đường lưỡi bò của Trung Quốc

Với tình trạng Trung Quốc hành xử ngày càng hung hăng ở Đông Á, một nhà nghiên cứu Mỹ cho rằng chính quyền Obama nên có tuyên bố mang tính “răn đe” Bắc Kinh.

Với tình trạng Trung Quốc hành xử ngày càng hung hăng ở Đông Á, một nhà nghiên cứu Mỹ cho rằng chính quyền Obama nên có tuyên bố mang tính “răn đe” Bắc Kinh.

“Tôi có một chiếc bút và một chiếc điện thoại”. Đó là lời nói thể hiện cam kết hành động của Tổng thống Obama và đã giúp tháo gỡ thế bế tắc giữa Thượng viện nơi các nghị sĩ đảng Dân chủ chiếm đa số và Hạ viện nơi các nghị sĩ đảng Cộng hòa áp đảo.

Trên trang NationalInterest, Joseph Bosco, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), cho rằng Tổng thống Obama nên dùng chính chiếc bút đó và vẽ ra “đường ranh giới đỏ” ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhằm đáp trả những đe dọa hành động của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan, Biển Đông và Hoa Đông. “Đường ranh giới đỏ” này cũng sẽ giúp cải thiện tình hình Triều Tiên.

Bosco cho rằng, ông Obama nên nhấc điện thoai và lập danh sách các đồng minh trong khu vực cần tăng cường hợp tác gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Philippines – cũng như những người bạn và các đối tác an ninh như Đài Loan, Việt Nam, Singapore và Indonesia. Tổng thống Mỹ nên đảm bảo với các nước này rằng Mỹ sẽ thực hiện cam kết của mình về an ninh hàng hải và hàng không trong khu vực đồng thời tìm kiếm sự ủng hộ cả về vật chất và ngoại giao cho mục tiêu chung đó.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, và một số chuyên gia Mỹ, sẽ cho rằng đó là hành động có tính chất khiêu khích. Tuy nhiên, nếu Tổng thống Obama đưa ra tuyên bố trên, điều đó sẽ giúp tránh một cuộc xung đột vì tuyên bố đó sẽ giúp đảm bảo tự do đi lại trên biển và trên không, duy trì trật tự trong khu vực và quốc tế vốn đã tồn tại trong hơn 6 thập kỷ qua.

Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ vẽ ra “Đường ranh giới đỏ” ở châu Á. Hồi đầu những năm 1950, Ngoại trưởng Mỹ Dean Acheson và Tướng Douglas MacArthur, với sự ủng hộ của Tổng thống Harry Truman, đã đưa ra tuyên bố về đường ranh giới này. Bắc Kinh và Bình Nhưỡng cho rằng đây là lời khiêu chiến và cuộc chiến tranh Triều Tiên nổ ra.

Theo Bosco, để tránh lặp lại tình trạng tính toán sai lầm chiến lược đó, Washington cần phải đưa ra một chính sách rõ ràng, nhất quán và mang tính chất phòng ngừa áp dụng cho toàn bộ khu vực này thay vì có những hàn động đáp trả - hay tệ hơn là phớt lờ - từng hành động khiêu khích đơn lẻ của Trung Quốc hay Triều Tiên.

Vừa qua, Trung Quốc có một loạt chính sách và tuyên bố mà nước này tự gọi là “hợp pháp” nhằm khẳng định chủ quyền của nước này: bản đồ “Đường 9 đoạn” và các quy định đánh bắt cá mới ở Biển Đông và “Vùng phòng không” trên biển Hoa Đông.

Không chỉ đưa ra những tuyên bố đơn phương vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS), Trung Quốc còn có những hành động hung hăng như điều cả tàu dân sự và hải quân quấy rối các hoạt động hàng hải hợp pháp của Philippines, Việt Nam và Mỹ. Tàu của Trung Quốc cũng tiến vào vùng biển và không phận của Nhật Bản và quấy rối tàu cũng như máy bay của Nhật Bản.

Đáp trả lại lối hành xử ngày càng quyết liệt của Trung Quốc trong khu vực, Washington đã tuyên bố thực thi chiến lược “Trục châu Á”, tái cân bằng các lực lượng quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tuy nhiên cho tới nay những hành động thực sự về cả hải quân và không quân chủ yếu chỉ mang ý nghĩa tượng trưng.

Trong khi đó, Mỹ cũng đưa ra các tín hiệu đầy mâu thuẫn trong cách ủng hộ các đồng minh trong khu vực.

Ví dụ, chính quyền Obama cam kết sẽ chịu trách nhiệm bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông mà Nhật Bản đang quản lý. Và khi Trung Quốc bất ngờ thông báo thiết lập “Vùng phòng không”, Washington bác bỏ vùng này bằng cách điều 2 máy bay ném bom B-52 vào “Vùng phòng không”. Thế nhưng, Mỹ lại khuyên các hãng hàng không thương mại Mỹ tuân thủ các quy định của Trung Quốc khi bay qua vùng này.

Tương tự, Mỹ cũng là trung gian hòa giải cho cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines, một đồng minh của Washington, về bãi cạn Scarborough, nhưng lại không hành động gì khi Bắc Kinh vi phạm thỏa thuận và chiếm bãi cạn này.

Nhà nghiên cứu Bosco cho rằng, nếu Tổng thống Obama không thể đưa ra một “Đường ranh giới đỏ” cho lối hành xử dọa nạt của Trung Quốc ở Đông Á, thế giới có thể sẽ thấy kịch bản tính toán sai lầm dẫn tới chiến tranh Triều Tiên lặp lại. Giống như cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã từng viết: “Chúng ta không mong đợi cuộc tấn công đó còn Trung Quốc không nghĩ chúng ta đáp trả”. Nếu lặp lại tình trạng cả 2 bên cùng tính toán sai lầm như vậy, hậu quả đối với cả khu vực và thế giới sẽ khủng khiếp hơn rất nhiều.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại