Châu Âu và Đức cần đóng góp nhiều hơn cho hòa bình ở Biển Đông

Báo điện tử Sóng Đức (DW) ngày 18/2 đăng bài phỏng vấn chuyên gia Peter Kreuzer thuộc Viện Nghiên cứu hòa bình và xung đột Hessen (Đức) do nhà báo Rodion Ebbighausen thực hiện liên quan những diễn biến gần đây trên Biển Đông.

Theo chuyên gia Peter Kreuzer, trước nguy cơ những căng thẳng trên Biển Đông ngày càng leo thang, châu Âu nói chung và nước Đức nói riêng cần sẵn sàng tham gia sâu hơn vào các tiến trình giải quyết xung đột để góp phần duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, ít nhất là cần bàn thảo nhiều hơn về chủ đề Biển Đông.

Ông Kreuzer cũng cho rằng các nước ASEAN cần có một lập trường chung trong vấn đề Biển Đông, trước nhất là trong việc thống nhất về tuyên bố ủng hộ bảo đảm các quyền tự do hàng hải trên Biển Đông.

Trả lời câu hỏi về tự do hàng hải trên cơ sở Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982), ông Kreuzer nhấn mạnh UNCLOS 1982 vẫn là cơ sở pháp lý quốc tế cao nhất hiện nay để bảo đảm trật tự quốc tế trên biển bởi UNCLOS 1982 quy định các quyền và nghĩa vụ của các nước liên quan đến các vùng biển trên thế giới.

Theo ông Kreuzer, tất cả các nước trên thế giới đều có lợi ích tự nhiên trong việc duy trì tự do các tuyến đường hàng hải thương mại quốc tế, tuy nhiên vấn đề hiện nay là Trung Quốc đang vận dụng cách hiểu về tự do hàng hải „theo cách riêng“ để biện hộ cho các hành động gia tăng quân sự hóa trên Biển Đông thời gian qua.

Trước đó, ngày 17/2, báo DW cũng có bài viết về việc Trung Quốc triển khai trái phép tên lửa HQ-9 tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, trong đó tác giả Ebbighausen dẫn đánh giá của Richard Fisher, chuyên gia hãng IHS Jane’s tại London (Anh) cho rằng thời điểm Trung Quốc tiến hành việc lắp đặt HQ-9 cho thấy Bắc Kinh không chỉ muốn thể hiện thái độ với Mỹ, ASEAN mà còn nhằm vào cả Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.

Bài viết này cũng dẫn nhận định của chuyên gia Rory Medcalf thuộc Viện An ninh quốc gia, Đại học Quốc gia Australia lo ngại rằng bước tiếp theo của Trung Quốc có thể là thiết lập một vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.

Theo ông Medcalf, Trung Quốc có thể lập ADIZ trái phép trên Biển Đông, giống như đã làm ở biển Hoa Đông, nhằm phục vụ chiến lược trung lập hóa của Trung Quốc trước cái gọi là "các mối đe dọa quân sự tiềm tàng"./.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại