Sự đồng thuận này sẽ đặt chính quyền Kiev vào thế cực khó nếu muốn tiếp tục vi phạm Minsk-2.
Ngày 6/11 vừa qua, Ngoại trưởng nhóm “Bộ tứ Normady” (gồm Ngoại trưởng Nga S.Lavrov, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius và Ngoại trưởng Ukraine Pavel Klimkin) đã tiếp tục nhóm họp tại Berlin, thủ đô nước Đức để bàn bạc các vấn đề liên quan đến tình hình ở Donbass nhằm thúc đẩy việc thực hiện Thỏa thuận Minsk.
Kết thúc hội đàm, các bên phải thừa nhận rằng việc thực hiện Thỏa thuận Minsk trong năm 2015 sẽ không thể thực hiện được.
Nguyên nhân là do phía Ukraine không thực hiện các cam kết về việc sửa đổi Hiến pháp và không thông qua các đạo luật về bầu cử địa phương ở Donbass, cũng như từ chối tiến hành đối thoại trực tiếp với giới lãnh đạo Donbass suốt năm 2015.
Chính vì vậy, các bên đã đi đến quyết định sẽ kéo dài việc thực hiện Thỏa thuận Minsk sang năm 2016.
Theo Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier, những kết quả của cuộc đàm phán lần này đã khả quan hơn so với mong đợi. Tuy nhiên, sự lạc quan này, theo các nhà phân tích của tạp chí “Chuyên gia” của Nga, là hơi “quá đà”.
Hiện chưa có bất cứ cơ sở nào để tin tưởng rằng hiệp định (Minsk) bị vi phạm năm 2015 sẽ không bị Ukraine tiếp tục phá vỡ trong năm 2016.
Nếu như Ukraine có ý định thực hiện hiệp ước này trong năm 2016 thì ngay trong tháng 11/2015, Ukraine sẽ phải thông qua đạo luật mới cho phép vùng Donbass được tổ chức các cuộc bầu cử địa phương vào tháng 2/2016.
Tuy nhiên, hiện Quốc hội Ukraine, do nhiều nguyên nhân khác nhau, lại chưa sẵn sàng thực hiện bước đi này.
Hiện trong liên minh cầm quyền Ukraine đang nảy sinh những mâu thuẫn nghiêm trọng đe dọa đến sự tồn tại của chính Quốc hội nước này (có thể bị giải tán sớm).
Hơn nữa, trước khi thông qua đạo luật này, Kiev cần phải thống nhất với đại diện Donetsk và Lugansk về các điều khoản trong đạo luật như các nguyên tắc bầu cử, bầu cử cho ai và cho lực lượng nào, cách thức đảm bảo an ninh…
Việc đạt được các thỏa thuận trên, theo giới phân tích, là điều không dễ dàng vì nó đòi hỏi từ Kiev phải chấp nhận những điều kiện không theo ý mình.
Theo tuyên bố của Ngoại trưởng Ukraine Pavel Klimkin, “hình thức tổ chức bầu cử ở Donbass phải căn cứ trên luật pháp của Ukraine và đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế”.
Tuy nhiên, theo luật pháp Ukraine, giới lãnh đạo Donetsk và Lugansk (những ứng cử viên hợp pháp cho cuộc bầu cử ở Donbass) lại bị coi là các phần tử tội phạm.
Chính vì vậy, để các cuộc bầu cử này diễn ra “hợp pháp theo pháp luật Ukraine”, điều cần thiết là Ukraine phải ban hành lệnh “ân xá”.
Lãnh đạo Donbass coi đây là phương án duy nhất để giải quyết vấn đề này.
Xét tình hình Ukriane hiện nay, giới phân tích cho rằng, nếu như Kiev ban hành lệnh ân xá và thừa nhận lãnh đạo Donbass như những thành viên bình đẳng trong quá trình chính trị ở Ukraine thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc chính quyền Kiev đã thừa nhận rằng ở Ukraine đang diễn ra một cuộc xung đột nội bộ chứ không phải là chiến dịch “chống khủng bố” hay cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc như họ vẫn thường nói.
Chính vì vậy, Quốc hội Ukraine chưa chắc đã thông qua luật ân xá, nhất là trước các cuộc bầu cử này. Điều này đồng nghĩa với việc khả năng các cuộc bầu cử ở Donbass trong tháng 2/2016 diễn ra theo luật pháp Ukraine ngày càng giảm xuống.
Trong bối cảnh này, Nga hoàn toàn có thể “cho phép” Donetsk và Lugansk tiến hành bầu cử theo các điều luật địa phương nhưng Moscow lại không vội vàng hành động như vậy.
Moscow hiểu rằng điều đó đồng nghĩa với việc Nga thừa nhận lộ trình hòa bình cho Donbass đã bị phá vỡ và Thỏa thuận Minsk bị vi phạm.
Chính vì vậy, Ngoại trưởng Nga đã tuyên bố thẳng thắn: “Không nghi ngờ gì nữa, Thỏa thuận Minsk sẽ tiếp tục có hiệu lực cho đến khi nó được thực hiện một cách đầy đủ”.
Sở dĩ Nga quyết tâm thúc đẩy thực hiện Minsk-2 là do nếu như thỏa thuận này bị phá vỡ, các bên sẽ phải ngồi lại để đàm phán một thỏa thuận mới mà thỏa thuận này chưa chắc đã có lợi cho Nga như thỏa thuận hiện nay.
Hơn nữa, nếu tiếp tục duy trì Minsk-2 thì khả năng thỏa thuận này sẽ được thực hiện khi có nhân vật mới lên cầm quyền ở Ukraine.
Chính vì vậy, nhiều khả năng Nga sẽ tận dụng cái cớ là Ukraine phá vỡ bầu cử tháng 2/2016 ở Donbass để đa dạng hóa chính sách của mình đối với khu vực này như đẩy nhanh quá trình cấp hộ chiếu cho cư dân vùng Donbass, thúc đẩy liên kết kinh tế của khu vực này với thị trường Nga (dưới cái cớ là để Donbass duy trì được khả năng tồn tại do bị Ukraine cô lập).
Khi đó, EU có thể sẽ hoàn toàn có thái độ trung hòa và coi các bước đi này của Nga không đe dọa đến việc thực hiện Thỏa thuận Minsk.
Cũng giống như Nga, EU hiện không muốn để xảy ra bất cứ động thái nào khiến căng thẳng leo thang ở khu vực này trong khi chưa tìm ra giải pháp tổng thể nào cho cuộc xung đột hiện nay.
Những nỗ lực gây sức ép buộc Nga phải từ bỏ hỗ trợ cho Donbass của EU đã thực sự không có bất cứ tác dụng nào, hơn nữa lại làm tình hình trở nên căng thẳng hơn.
Do đó, chắc chắn EU sẽ không muốn lặp lại tình trạng này.
Chính vì vậy, Nga và EU đã lựa chọn phương án “đóng băng” cuộc xung đột hiện nay và buộc Ukraine phải từ bỏ tham vọng thúc đẩy cuộc chiến tranh mới (trong những ngày gần đây, Ukraine đã cho quân nổ súng ở vùng Donbass).
Theo đó, đến cuối tháng 11/2015, các bên dự kiến sẽ hoàn thành các công việc liên quan đến việc soạn thảo một hiệp ước về dọn dẹp bom mìn ở Donbass.
Theo Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier, các bên sẽ ký kết một hiệp định trong đó đặt ra “các hướng ưu tiên, các sơ đồ, các phương tiện kỹ thuật cần thiết và các quy chế cần thiết” để việc rà phá bom mìn được “bắt đầu trước mùa Đông”.
Ngoài ra, Moscow còn đề nghị các tổ chức nhân đạo quốc tế tham gia vào hoạt động này để nhằm “giảm nhẹ gánh nặng cho nhân dân Donbass để họ vượt qua mùa đông sắp tới”, qua đó Nga sẽ gián tiếp khiến các tổ chức này công nhận tính hợp pháp của chính quyền địa phương.
Theo nhận định của các nhà phân tích thuộc tờ “Expert - Chuyên gia”, đây là bước đi hợp lý để Nga dần dần khiến Ukraine buộc phải thực hiện các điều khoản của Minsk-2.
Hơn nữa, khi EU dần tìm được tiếng nói chung với Nga trong vấn đề này thì Ukraine sẽ gặp rất nhiều khó khăn để có thể cản trở các quá trình tự trị của vùng Donbass, trước hết là các cuộc bầu cử địa phương ở khu vực này vào tháng 2/2016.