Trong ngày sinh nhật lần thứ 63 của Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 10 vừa qua, ông đã nhận được một món quà từ Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu: một bản báo cáo với thông tin tên lửa Nga bắn từ biển Caspian đã bắn trúng mục tiêu tại Syria ở khoảng cách 1.500 km.
"Tôi hiểu rõ nhiệm vụ đó phức tạp đến mức nào" - ông Putin khen ngợi cấp dưới của mình. Tối hôm đó, "cặp bài trùng" Putin-Shoigu xả hơi bằng chiến thắng tuyệt đối trong một trận giao hữu hockey trên băng, trong đó ông Putin ghi 7 bàn, còn ông Shoigu cũng một lần lập công.
"Cặp bài trùng" Putin-Shoigu (giữa) trong một trận giao hữu hockey trên băng. Ảnh: TASS
Không chỉ ăn ý trên sàn băng hockey, ông Shoigu còn có mối quan hệ hết sức mật thiết với đương kim Tổng thống Nga, kể từ khi ông được giao trọng trách người đứng đầu bộ Quốc phòng.
Quân đội Nga dưới sự lãnh đạo của ông Shoigu đã trở thành cánh tay phải đắc lực trong chính sách đối ngoại của ông Putin. Từ dọc biên giới các nước NATO cho tới trên không phận Syria, sức mạnh quân sự Nga đã đạt đến những tầm cao mới.
"Dưới thời ông Shoigu, quân đội Nga đã thể hiện năng lực, tính tổ chức, cùng kĩ năng hậu cần ở mức hiệu quả cao nhất mà chúng tôi từng được chứng kiến" - bà Evelyn Farkas, cựu quan chức Lầu Năm Góc chuyên trách các vấn đề Nga, nhận định.
Nhưng tầm ảnh hưởng của ông Shoigu ở Nga vươn xa hơn nhiều so với chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng. Ở tuổi 60, ông là thành viên gạo cội nhất trong chính phủ Nga. Ông đã làm việc cho chính phủ từ năm 1990, trước khi Liên Xô tan rã.
Khi ông Putin vẫn còn là một nhân viên vô danh tại văn phòng thị trưởng St. Petersburg, ông Shoigu đã là "ngôi sao" của Bộ Tình huống Khẩn cấp (МЧС России), nơi ông đã gây dựng tên tuổi trên cương vị Bộ trưởng trong gần 22 năm.
Với sự khéo léo của một chính trị gia, ông Shoigu dần dần thâu tóm quyền lực và sự ủng hộ mà không gây hấn với bất kì nhân vật "có máu mặt" nào trong chính phủ Nga.
"Không ai được như ông Shoigu trong giới cầm quyền Nga hiện nay. Con đường sự nghiệp của ông chưa từng có tiền lệ" - Evgeny Minchenko, chuyên gia nghiên cứu giới thượng lưu Nga, nhận xét.
Theo đánh giá của ông Minchenko, trong số các cố vấn thân cận của ông Putin, tầm ảnh hưởng của Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu chỉ xếp sau Tổng tham mưu trưởng Sergei Ivanov. Trong những quyết định quan trọng như Crimea hay Syria, tiếng nói của ông Shoigu là không thể thiếu.
Tiểu sử và con đường sự nghiệp
Sergei Shoigu lớn lên tại Tuva, một nước cộng hòa nhỏ phía nam Siberia. Ông chơi thể thao, thích những màn tỉ thí võ nghệ, và ưa mao hiểm. Ông được đặt cho biệt danh Shaitan (Quỷ Satan) cũng vì đam mê mạo hiểm ấy.
Bằng kĩ sư tại Krasnoyarsk cùng nhiều dự án xây dựng thành công nơi quê nhà đã giúp Shoigu lọt vào mắt xanh của chính phủ Moscow. Năm 1990, ông được triệu tập lên thủ đô để tham gia ủy ban kiến trúc trong một dự án của đảng Cộng sản Liên Xô.
Sau đó, ông Shoigu được giao trách nhiệm quản lý một nhóm nhân viên cứu hộ. Từ đây, ông đã xây dựng một tổ chức làm việc vô cùng hiệu quả, và đưa nó trở thành Bộ Tình huống Khẩn cấp sau này.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga cũng được biết đến với lòng trung thành không suy suyển của mình. Tháng 8/1991, ông đã cứu Bori Yeltsin khỏi một cuộc đảo chính. Và chính Shoigu cũng là người hỗ trợ ông Yeltsin đắc lực trong cuộc Khủng hoảng Hiến pháp Nga năm 1993.
Trong những năm hỗn loạn của thập kỉ 90, ông Shoigu trở thành chỗ dựa tinh thần của chính phủ. Bên cạnh trách nhiệm xử lý thiên tai trên cương vị Bộ trưởng Bộ Tình huống Khẩn cấp, ông còn đóng vai trò trung gian hòa giải trong các giao tranh tại Nam Ossetia và Chechnya.
Năm 1999, khi ông Yeltsin chuẩn bị "trao" nước Nga cho ông Putin, ông Shoigu đã được giao trọng trách lãnh đạo một đảng mới có tên Unity (Thống nhất), mà sau này chính là đảng cầm quyền United Russia (Nước Nga Thống nhất).
Gleb Pavlovsky, cựu cố vấn điện Kremlin, cho biết ông Shoigu khi đó cũng đã được nhiều người "chấm", nhưng không muốn vì ông đủ khôn ngoan để hiểu rằng "một núi không thể có hai hổ".
Thay vào đó, ông Shoigu chọn cách kết thân với tân Tổng thống. Năm 2000, ông tặng cho Putin một cô chó labrador đen, tên Koni, và Koni nhanh chóng trở thành "thú cưng" của ông chủ điện Kremlin.
Ông Shoigu cũng tham gia các chuyến du ngoạn thiên nhiên cùng Tổng thống của mình, thể hiện lòng yêu nước bằng việc nghỉ lễ tại các khu rừng taiga thay vì những bãi biển Pháp, cũng như chia sẻ sở thích nghiên cứu lịch sử cùng ông Putin.
Những nỗ lực của ông Shoigu sau nhiều năm cũng đã được đền đáp. Năm 2012, Tổng thống Putin đã giao "cánh tay phải" của mình, tức quân đội Nga, vào tay một "cánh tay phải" khác, ông Sergei Shoigu. Ngay lập tức, quân đội Nga đã có những chuyển biến tích cực.
"Dưới thời Shoigu, quân đội Nga đã có niềm tin vào chính mình" - tổng biên tập tạp chí quốc phòng Nga Voenno-
Ông Shoigu đề cao tính sẵn sàng trong quân đội. Ông đẩy mạnh các cuộc tập trận và thanh tra bất chợt. Ông cũng rất để ý đến hình ảnh và truyền thông, có thể thấy qua quyết định bắt buộc lính Nga phải đeo tất thay vì xà cạp (portyaniki), để tạo diện mạo mới cho quân đội.
Khi ông Putin quyết định sáp nhập Crimea hồi tháng 3/2014, ông Shoigu đã điều động cấp dưới thân cận của mình là Phó Đô đốc Oleg Belaventsev tới trực tiếp giám sát. Nay, ông Belaventsev chính là Đặc phái viên Tổng thống của Crimea.
"Điệp vụ Crimea đã thể hiện một diện mạo mới của quân đội Nga, và ông Shoigu chính là biểu tượng của diện mạo ấy" - chuyên gia Minchenko nhận định.
Như để khẳng định tính biểu tượng ấy, trong lễ duyệt binh kỉ niệm 70 năm chiến thắng phát xít hôm 9/5, ông Shoigu đã xuất hiện hoành tráng trên một chiếc xe mui trần đen diễu qua Quảng trường Đỏ, trước hàng vạn binh lính Nga cùng lãnh đạo các nước trên khắp thế giới.
Ông Shoigu trong lễ duyệt binh hôm 9/5. Ảnh: AP
Lòng trung thành, trình độ, cùng cái "thần" của ông Shoigu trong cái cách mà ông xuất hiện trong lễ duyệt binh không khỏi khiến người ta phải tự hỏi: khi cái tên Vladimir Putin không còn xuất hiện bên cạnh dòng chữ "Tổng thống Nga", phải chăng Sergei Shoigu sẽ là cái tên thay thế?