Dù là lỗi kĩ thuật hay khủng bố, lợi thế vẫn nằm trong tay Putin

Đức Huy |

Theo AP, dù nguyên nhân gây ra cái chết thương tâm của 224 hành khách và phi hành đoàn trên chiếc A321 có là gì đi nữa, thì những gì ông Putin làm sau đó sẽ được lòng dân Nga.

Từ khi quá trình điều tra bắt đầu, các chuyên gia vẫn chưa tìm ra dấu hiệu nào cho thấy một tác động thiên nhiên đã gây ra thảm kịch A321 trên bán đảo Sinai. Do đó, hai "nghi phạm" rõ nhất vào thời điểm này là lỗi kĩ thuật và khủng bố.

Nhưng dù nguyên nhân là gì, thì theo hãng thông tấn AP, điều đó cũng có thể được Tổng thống Nga Vladimir Putin tận dụng để đẩy mạnh những chiến lược hiện tại của ông, cũng như tiếp tục củng cố lòng tin nơi công chúng Nga.

Khủng bố - cái cớ để "tổng tấn công" tại Syria?

Kể từ ngày 31/10, khi chiếc Metrojet Airbus A321-200 gặp nạn trên bán đảo Sinai, Ai Cập, cướp đi 224 sinh mạng (trong đó phần lớn là người Nga), các quan chức nước này đã cương quyết không đưa ra phát ngôn nào về nguyên nhân vụ việc.

Nhưng quyết định bất ngờ hôm 6/11 vừa qua, khi Moscow quyết định tạm ngưng mọi chuyến bay tới Ai Cập, đã cho thấy phía Nga đang nghiêng về phương án một quả bom đã được đặt trên chiếc A321 xấu số trước khi máy bay này cất cánh từ sân bay Sharm el-Sheikh.

Trước đó, một nhóm có liên quan tới Nhà nước Hồi giáo (IS) đã tung video khẳng định nhóm này đã đánh bom khủng bố A321 để trả thù cho chiến dịch không kích mà Nga khởi xướng tại Syria hồi cuối tháng 9.


Một quả bom đã được đặt trên chiếc A321 xấu số trước khi máy bay này cất cánh từ sân bay Sharm el-Sheikh? Ảnh: AFP

Một quả bom đã được đặt trên chiếc A321 xấu số trước khi máy bay này cất cánh từ sân bay Sharm el-Sheikh? Ảnh: AFP

Trong khi đó, khả năng chiếc máy bay gặp sự cố kĩ thuật đang xuất hiện ngày một ít đi trong phát biểu của các chuyên gia trên báo chí, dù khả năng này vẫn chưa bị phủ nhận hoàn toàn.

Thảm kịch A321 đã tạo ra một làn sóng đau thương đi kèm lo ngại trong công chúng Nga, và nếu nguyên nhân khủng bố được xác nhận, rất nhiều người dân sẽ đặt dấu hỏi cho chính phủ rằng liệu chiến dịch can thiệp của Moscow tại Syria có đáng để đánh đổi mạng sống của đồng bào Nga?

Ngoài ra, sự xuất hiện của khủng bố nhắm vào người dân Nga cũng sẽ khiến họ nhớ lại những kí ức về khủng bố tại Chechnya, trong đó có vụ đánh bom tự sát kép hồi năm 2004 gây chấn động nước Nga.

Theo những số liệu mới nhất của hãng thống kê VTsIOM, tỉ lệ ủng hộ ông Putin tại Nga đã đạt mức cao kỉ lục (89,9%) sau khi điện Kremlin khởi xướng chiến dịch không kích tại Syria. Nhưng con số này nhiều khả năng sẽ giảm đáng kể nếu khủng bố là nguyên nhân được xác nhận.

Người dân phải hiểu từ trước rằng chúng ta đang chơi một canh bạc vô cùng mạo hiểm. [Vụ A321 rơi] cho thấy một điều mà đáng ra từ hơn một tháng trước đã phải rõ" - cựu cố vấn chính trị điện Kremlin Gleb Pavlovsky phát biểu trên báo Gazeta.

Tuy nhiên, theo hãng thông tấn AP, dù những lo ngại trên là có cơ sở, nhưng chúng không đủ mạnh để ảnh hưởng tới chính sách cũng như thanh thế của ông Putin.

"Thật khó để người Nga đổ lỗi cho ông Putin vì hành vi của IS. Mặt khác, một vụ tấn công khủng bố nhắm vào người dân Nga cũng đồng nghĩa với một lời tuyên chiến với tất cả nước Nga.

Do đó, chiến dịch không kích tại Syria sẽ không đơn thuần chỉ là tham vọng của điện Kremlin, mà nó còn mang ý nghĩa báo thù dân tộc" - nhà phân tích chính trị Nga Tatiana Stanovaya nhận xét.

Đó là chưa kể, một bộ phận không nhỏ người Nga đang thể hiện sự thất vọng vì đến giờ điện Kremlin vẫn chưa phát động một cuộc "tổng tấn công" IS tại Syria. Đây có thể là cái cớ để ông Putin làm như vậy.


Một cuộc tổng tấn công Syria sẽ xuất hiện trong tương lai? Ảnh: AP

Một cuộc "tổng tấn công" Syria sẽ xuất hiện trong tương lai? Ảnh: AP

Kĩ thuật và nạn tham nhũng

Trong khi đó, nếu sự cố kĩ thuật là nguyên nhân, điều đó sẽ lại khiến người Nga nhớ đến những năm tháng sau khi Liên Xô tan rã, khi hàng không Nga "nổi tiếng" với những chiếc máy bay cũ kĩ và những phi công non tay nghề, qua đó phá hỏng những nỗ lực hiện đại hóa trong thời gian qua.

Điều đó cũng sẽ khiến người dân đặt dấu hỏi với đạo đức nghề nghiệp cũng như dấy lên nghi ngờ về các hoạt động tham nhũng. Nhưng với ông Putin, nếu sự cố kĩ thuật là nguyên nhân, thì nhiều khả năng Tổng thống Nga sẽ không phải hứng chịu nhiều chỉ trích.

"Trong suy nghĩ của phần đông người Nga hiện nay, nạn tham nhũng không có dính dáng gì tới ông Putin. Sự phẫn nộ của người dân sẽ nhắm vào các quan chức ăn hối lộ hoặc giới doanh nhân" - Aleixei Markarkin, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Công nghệ Chính trị (CPT), phân tích.

Trong trường hợp đó, ông Putin hoàn toàn có thể phát động một chiến dịch truy quét, chống tham nhũng, qua đó khôi phục lòng tin nơi người dân Nga.

Tóm lại, dù nguyên nhân A321 gặp nạn là gì, thì Tổng thống Nga Vladimir Putin không những không trực tiếp phải hứng mũi dùi chỉ trích, mà ông thậm chí còn có thể tận dụng nó để được lòng dân chúng cũng như đẩy mạnh chính sách của riêng mình.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại