"Barack Obama đã đẩy đất nước này xuống một vũng bùn. Bây giờ là lúc ông ta phải trả giá cho những gì mình đã làm, và đó cũng sẽ là một sự trừng phạt nghiêm khắc", Reince Preibus, chủ tịch Ủy ban quốc gia đảng Cộng hòa, tuyên bố với New York Times.
Phát biểu của ông Preibus là điểm nhấn cho một ngày "đại thắng" của đảng Cộng hòa trong cuộc bỏ phiếu giữa kì Mỹ hôm 4/11. Theo thống kê sơ bộ của giới truyền thông Mỹ, đảng Cộng hòa cho đến thời điểm này đã thâu tóm được 22 trên tổng số 36 ghế Thượng viện được đưa ra tranh cử, nâng tổng số ghế đảng này sở hữu tại Thượng viện lên con số 52, qua đó lần đầu tiên trong vòng 8 năm trở lại đây màu đỏ sẽ chiếm đa số tại cửa bắc tòa nhà quốc hội Mỹ.
Trong khi đó ở nửa còn lại của Quốc hội, đảng Cộng hòa tiếp tục củng cố ưu thế với việc giành thêm 12 ghế Hạ viện, qua đó chiếm đa số một cách áp đảo với 246 trên tổng số 435 ghế. Đây là lợi thế lớn nhất mà đảng Cộng hòa có được tại Hạ viện kể từ sau Thế chiến thứ hai.
Hai năm bế tắc
Điều hành đất nước trong bối cảnh cả Thượng viện lẫn Hạ viện đều bị kiểm soát bởi đảng đối lập là tình thế bi đát mà chẳng Tổng thống nào ở Mỹ muốn gặp phải. Không may cho Obama, ông sẽ phải đối mặt với thực tế này trong hai năm cuối nhiệm kì.
Ở vị trí của Tổng thống Obama bây giờ, tuyệt đại đa số các dự luật của ông khi trình lên Quốc hội sẽ gặp phải sự bất đồng đến từ phía nhóm nghị sĩ đảng Cộng hòa. Mặt khác, với cương vị Tổng thống, ông Obama cũng có quyền phủ quyết bất kì dự luật nào do Quốc hội.
Theo Hiến pháp Mỹ, trong trường hợp này, nếu 2/3 số nghị sĩ của Thượng viện và 2/3 số nghị sĩ ở Hạ viện không tán thành với quyền phủ quyết của Tổng thống, dự luật này sẽ vẫn được thông qua mà không cần chữ kí của Obama. Tuy nhiên khả năng này là rất khó xảy ra. Theo thống kê của Senate.gov, tỉ lệ Quốc hội bác bỏ thành công quyền phủ quyết của tổng thống chỉ là 10%.
Quốc hội không thông qua dự luật của Tổng thống; Tổng thống bác bỏ ý kiến của Quốc hội. Nếu không có những động thái "xuống nước" từ hai phía, nước Mỹ sẽ rơi vào tình cảnh bế tắc. Nhưng với phát biểu tương đối "mạnh mồm" của ông Preibus ở trên, yếu tố chính trị nhiều khả năng vẫn sẽ là một rào cản lớn giữa Obama và Quốc hội, vẽ ra một bối cảnh ảm đạm cho hai năm cuối của nhiệm kì Tổng thống tưởng như sẽ đem lại cho nước Mỹ một diện mạo mới.
"Ánh sáng cuối đường hầm"
Nói như vậy không có nghĩa là Tổng thống Obama và đảng Cộng hòa không có những quan điểm chung. Theo trang phân tích The Diplomat (Mỹ), việc đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Quốc hội sẽ là cơ hội để người lãnh đạo Nhà Trắng phát triển các chính sách đối ngoại ở châu Á, điều mà ông đã ấp ủ từ lâu nhưng chưa thể thực hiện một cách triệt để.
Trước đây, Tổng thống Obama đã từng đề xuất một chiến dịch "Xoay trục về châu Á", mà trong đó là những bước đi đẩy nhanh tiến trình đàm phán Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trớ trêu ở chỗ, tuy được đa số nghị sĩ đảng Cộng hòa tán thành, chính những nghị sĩ đảng Dân chủ của ông Obama lại kiên quyết phản đối chiến dịch này để bảo hộ mậu dịch cho nước Mỹ.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Rand Paul, người nhiều khả năng sẽ đại diện cho đảng Cộng hòa tranh cử Tổng thống trong kì bầu cử 2016, cũng đã lên tiếng "bật đèn xanh" cho Obama đưa Mỹ trở thành thành viên chính thức của TPP.
"Một trong những yếu tố đưa Mỹ lên vị trí cường quốc là một nền kinh tế hùng mạnh. Và để phục hồi nền kinh tế ấy Mỹ cần kí những hiệp ước tăng cường trao đổi trên khắp thế giới... Tổng thống Obama nên ưu tiên hoàn tất quá trình đàm phán gia nhập TPP", ông Paul phát biểu trong một cuộc gặp mặt tại New York.
Đảng Cộng hòa chiếm đa số lưỡng viện, tuy sẽ gây cho Tổng thống Obama muôn vàn khó khăn như đã nói ở trên, mặt khác cũng sẽ tạo điều kiện cho Obama nâng tầm ảnh hưởng của Mỹ tại Châu Á - Thái Bình Dương với việc chính thức gia nhập TPP. Nếu thành công, đây sẽ là một thành tựu đối ngoại đáng ghi nhận, giúp vị Tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ phần nào cứu vãn hình ảnh đang ngày càng mất đi uy tín của mình trong mắt công chúng.