Cái bắt tay bước ngoặt giúp Ấn Độ “điểm huyệt” Trung Quốc

Long Nam |

Ấn Độ và Nhật Bản đang tiến hành đám phán để hợp tác nâng cấp cơ sở hạ tầng dân sự ở quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ, trong nỗ lực kiềm chế Trung Quốc bành trướng.

Cái bắt tay chiến lược giữa Ấn ĐộNhật Bản

Tờ New York Times (Mỹ) hôm 11/3 phân tích, sự hợp tác này báo hiệu một bước ngoặt quan trọng trong chính sách của Ấn Độ, quốc gia trước đây vốn không chấp nhận bất cứ lời đề nghị đầu tư nước ngoài nào ở quần đảo nói trên.

Quần đảo Andaman và Nicobar nằm ở phía đông bắc eo biển Malacca, một điểm yết hầu trong hoạt động hàng hải của Trung Quốc.

Vụ hợp tác với Tokyo cũng là bằng chứng cho mối quan hệ đang trở nên nồng ấm giữa Ấn Độ và Nhật Bản. Ngoài dự án trên, Nhật đang tài trợ cho một hạng mục xây đường trị giá 774 triệu USD ở vùng biên giới đông bắc Ấn Độ.

Giống như quần đảo Andaman và Nicobar, vùng đông bắc là một khu vực chiến lược nhưng tương đối kém phát triển do địa hình tách biệt với phần còn lại của Ấn Độ.

Việc Nhật Bản viện trợ ODA cho vùng này không được chú ý nhiều như sáng kiến “một vành đai, một con đường” của Trung Quốc, gồm một mạng lưới đường bộ, đường sắt và hải cảng nối Trung Quốc với phần còn lại của Châu Á và Châu Âu.

Nhưng động thái này lại nằm trong một mạng lưới chiến lược đang hình thành khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tìm cách xây dựng quan hệ gần gũi hơn với Nhật Bản, Australia, Mỹ và các nước ASEAN để chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Một quan chức cấp cao của Ấn Độ cho biết chiến lược của Trung Quốc sẽ được New Delhi đáp trả bằng các dự án tuy chỉ mang tính địa phương nhưng có hiệu quả cao trên thực tế.


Một phần quần đảo Andaman and Nicobar. Vai trò quần đảo này trở nên trọng yếu khi Trung Quốc ngày càng bành trướng ở Ấn Độ Dương. (Ảnh: AP)

Một phần quần đảo Andaman and Nicobar. Vai trò quần đảo này trở nên trọng yếu khi Trung Quốc ngày càng bành trướng ở Ấn Độ Dương. (Ảnh: AP)

Tầm nhìn của Nhật Bản trong việc đầu tư vào quần đảo Andaman và Nicobar không chỉ nằm ở việc xây dựng một nhà máy điện.

Akio Isomata, Tham tán thương mại của Đại sứ quán Nhật Bản ở Ấn Độ cho biết nước này mong muốn hỗ trợ ODA cho Ấn Độ nhằm tăng cường sự “kết nối” của New Delhi với các đối tác trong khu vực.

“Chúng tôi thường bắt đầu bằng một vài dự án nhỏ và sau đó sẽ triển khai các gói đầu tư lớn hơn”, ông nói.

Quần đảo Andaman và Nicobar được tạo thành bởi 572 đảo, kéo dài 756 km và phần lớn chưa có người ở. Được sử dụng làm nơi lưu đày tù nhân của chính quyền thực dân Anh, quần đảo này bị quân đội Nhật chiếm đóng trong ba năm diễn ra Thế chiến II.

Cựu Thủ tướng Jawaharlal Nehru đã giành lại quần đảo Andaman và Nicobar cho Ấn Độ sau khi Anh rút khỏi đây.

Tầm quan trọng của quần đảo này ngày càng được củng cố trước hoạt động bành trướng hải quân của Trung Quốc.

Vị trí của quần đảo biến nơi đây thành một căn cứ lý tưởng để theo dõi các hoạt động hải quân ở eo biển Malacca, một eo biển dài và hẹp nằm giữa Malaysia và Indonesia.

Eo biển này nằm trong tuyến đường vận chuyển nhiên liệu nhập khẩu từ Châu Phi và Trung Đông của Trung Quốc, chiếm 80% tổng lượng nhiên liệu nhập khẩu của nước này.

Quần đảo Andaman và Nicobar, nơi mà phần lớn diện tích được trú ngụ bởi các bộ lạc bản địa và động vật hoang dã, đang dần chuyển mình.

Chính phủ Ấn Độ đang lên kế hoạch lắp đặt một đường cáp quang dưới đáy biến, nối vùng Chennai ở bờ biển phía đông với quần đảo để cư dân có thể truy cập Internet tốc độ cao.

Cho đến tận năm ngoái, không có chuyến bay nào hạ cánh được tại đây vào buổi tối vì không có đèn ở đường băng của sân bay Port Blair.


Đô đốc Robin K. Dhowan, Tư lệnh Hải quân Ấn Độ

Đô đốc Robin K. Dhowan, Tư lệnh Hải quân Ấn Độ

New Delhi nhận thức mối đe dọa từ Trung Quốc nếu chiến tranh bùng nổ

Theo NYT, các chuyên gia quốc phòng của phương Tây vẫn nhìn quần đảo của Ấn Độ với ánh mắt thèm muốn xen lẫn sự hồ nghi.

“Gần như mỗi năm, tôi lại thấy một số quan chức quân đội cấp cao của Ấn Độ nói họ có kế hoạch lớn ở quần đảo này và sẽ sớm triển khai chúng”, Jeff M. Smith cho biết. Ông là tác giả cuốn sách “Hòa bình Lạnh”, nói về sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

“Mọi người đều trông đợi sự thay đổi của quần đảo Andaman năm này qua năm khác, nhưng không có gì xảy ra”.

Ông Smith cho rằng quyết định chấp nhận đề nghị đầu tư của Nhật Bản là tín hiệu cho thấy chính phủ của Thủ tướng Modi đã gạt bỏ các vướng mắc và quyết tâm thực hiện tham vọng của mình.

Đô đốc Robin K. Dhowan, Tư lệnh Hải quân Ấn Độ, cho biết nước này cảnh giác cao độ trước sự hiện diện của tàu ngầm Trung Quốc ở Ấn Độ Dương trong vài năm gần đây.

Vào tháng 1/2016, Ấn Độ tuyên bố sẽ triển khai các máy bay không người lái “Searcher” do Israel chế tạo và 2 máy bay săn ngầm Boeing P-8I, được phát triển cho tác chiến chống tàu ngầm, đến quần đảo Andaman và Nicobar.

Các đường băng ở phía bắc và phía nam của quần đảo cũng đang được mở rộng để phục vụ cho các máy bay giám sát tầm xa ở trên.

NYT cho hay, Nhật Bản không phải là nước duy nhất quan tâm đến quần đảo này. Ấn Độ và Mỹ hiện đang ký kết một thỏa thuận cung ứng hậu cần hàng hải giữa hai nước.

Điều này đồng nghĩa với việc tàu chiến của Mỹ có thể cập cảng ở quần đảo Andaman và Nicobar trong tương lai.

Rory Medcalf, trưởng khoa An ninh Quốc phòng thuộc Đại học Quốc gia Australia nhận định quần đảo trên có vị trí địa lý hoàn hảo để giám sát hàng hải.

“Nếu Ấn Độ cho phép các đối tác của mình tiếp cận quần đảo trên, vị thế quốc phòng của nước này sẽ được tăng cường đáng kể”, ông nói.

Gần đây, trên trang nhất của Andaman Express, một tờ báo địa phương, đã đăng một bài viết về sự xuất hiện của tàu ngầm Trung Quốc ở gần khu vực và cảnh báo quần đảo này sẽ trở thành mục tiêu của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) một khi Ấn Độ và Trung Quốc xảy ra chiến tranh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại