Bước ngoặt lịch sử tạo nên sự khác biệt giữa Nga và châu Âu

Đức Huy |

Theo Moscow Times, việc phương Tây không coi Nga là một phần của châu Âu cũng không hẳn là sai. Nhưng xét dưới góc độ lịch sử, lý do đằng sau cách nhìn này phức tạp hơn rất nhiều.

Trong một bài viết góc nhìn đăng trên Moscow Times hôm 2/7 vừa qua, nhà báo Pyotr Romanov cho rằng trong mắt phương Tây, đặc biệt là các quốc gia Tây Âu, Nga chưa bao giờ được coi là một phần của lục địa già.

Lý do chính đằng sau cách nghĩ này vào thời điểm hiện tại, theo ông Romanov, xuất phát từ việc các nước châu Âu luôn nhìn "kẻ ngoại đạo" Nga bằng ánh mặt hoặc thiếu tôn trọng, hoặc sợ sệt.

Nhưng xét trên góc độ lịch sử, dùng lý do này để lý giải định kiến của phương Tây đối với Nga là hoàn toàn không có cơ sở.

"Tuy nhiên, điều này cũng dễ hiểu, vì đó là tâm lý chung của con người. Họ thường chỉ nhìn thấy những gì đang diễn ra trước mắt mà quên đi quá khứ và không biết phán đoán tương lai.

Do đó, rất nhiều quan điểm phổ biến trong quá khứ bị chôn vùi dưới lớp bão cát của lịch sử và hoàn toàn không có chỗ đứng trong hiện tại" - ông Romanov lý giải.

Vậy tại sao và từ bao giờ Nga không còn là một phần của châu Âu? Hay nói cách khác, lý do gì khiến người Tây Âu không có nguồn gốc Á-Âu như người Nga?

Câu trả lời, theo ông Romanov, nằm ở những sự kiện xảy ra vào thế kỉ 13. Cụ thể hơn, đó là hệ quả của cuộc xâm lược nước Nga cổ đại (Rus), Đông Âu, và Tây Âu của thế lực quân sự hùng mạnh nhất thế giới bấy giờ, vó ngựa Mông Cổ.

Mông Cổ "suýt" thâu tóm châu Âu

Khi đó, Rus và châu Âu đều chịu chung hoàn cảnh. Dù đã từng là một nước thống nhất, Rus bấy giờ chia rẽ thành nhiều phe phái tranh giành quyền lực lẫn nhau. Điểm yếu này đã được quân Mông Cổ tận dụng triệt để, Rus bị thâu tóm mà gần như không hề có sự kháng cự nào.

Tương tự, tình hình châu Âu cũng không khá khẩm hơn là bao. Các đế chế quyền lực lũ lượt tan rã thành nhiều nước nhỏ. Giáo hoàng và Quốc vương Đức, hai trung tâm quyền lực của châu Âu bấy giờ, thì không ai chịu ai.

Khi đó, quân đội châu Âu rệu rã và vô kỷ luật cũng chẳng hơn gì so với quân đội Rus. Thậm chí, dù bị đánh giá yếu hơn về nhiều mặt, quân đội Rus cũng đã không ít lần đánh bại lực lượng Hiệp sĩ Teuton của châu Âu.

Hiểu rõ sự yếu kém trong hàng ngũ quân đội châu Âu, lãnh đạo quân Mông Cổ Bạt Đô, cháu nội của Thành Cát Tư Hãn, sau khi thu phục Rus đã lập tức chia làm hai cánh quân tiến đánh Hungary và Ba Lan.

Kết quả là Vương quốc Hungary thất thủ chỉ sau một trận đánh. Quân đội Ba Lan-Đức cũng chịu chung số phận.

Trận Liegnitz năm 1271, quân Mông Cổ đại thắng liên minh Ba Lan - Đức.
Trận Liegnitz năm 1271, quân Mông Cổ đại thắng liên minh Ba Lan - Đức.

Sau thành công bước đầu của chiến dịch chinh phạt phương Tây, quân Mông Cổ quyết định dựng trại nghỉ ngơi tính kế lâu dài. Mục tiêu của họ là biến cả châu Âu trở thành "châu Á mở rộng" trong vòng một năm.

Châu Âu cảm tạ "thần may mắn"

Do mọi lời kêu gọi các nước châu Âu đồng tâm hiệp lực bấy giờ đều không đem lại hiệu quả, Tây Âu gần như chắc chắn sẽ trở thành một phần của "Eurasia" (ghép giữa Europe và Asia - PV) theo như toan tính của Mông Cổ.

Tuy nhiên lúc đó, một sự kiện mang tính bước ngoặt đối với lịch sử thế giới đã xảy ra. Quân đội Mông Cổ khi đang chinh chiến nhận được tin báo Đại Hãn Oa Khoát Đài mới qua đời, và một cuộc chiến tranh giành vị trí Đại Hãn đã nổ ra nơi hậu phương.

Trước tình hình cấp bách, Bạt Đô không còn lựa chọn nào khác phải tạm dừng cuộc chinh phạt châu Âu của mình và rút quân về Mông Cổ. Nói cách khác, Tây Âu đã "ăn may".

Ông Romanov cũng bổ sung thêm rằng, vùng Novgorod và Pskov phía nam Rus bấy giờ cũng may mắn không kém vì khi quân Mông Cổ tiến đánh là mùa xuân, băng tan ở nhiều nơi, khiến các khu rừng trở nên ẩm ướt và tạo ra nhiều đầm lầy.

Địa hình lầy lội bất lợi cho kị binh nên Bạt Đô quyết định tạm thời "bỏ qua" khu vực này và đợi đến mùa đông, khi sông nước đã đông thành băng, để tiến quân, nhưng chưa kịp làm vậy thì đã phải trở lại Mông Cổ.

Việc Mông Cổ chưa bao giờ "chạm tới" Novgorod và Pskov cũng lý giải tại sao người dân khu vực này sở hữu ngoại hình khác biệt khá rõ so với những người đồng hương ở các phần còn lại của Nga.

Lợi ích từ gen châu Á

Còn đối với các phần lãnh thổ của Rus rơi vào tay Mông Cổ từ phần đầu của chiến dịch chinh phạt, chúng từ lâu đã trở thành một phần của đế chế châu Á này. Người dân nơi đây dần dần cũng trở thành "con lai" theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, từ gen di truyền cho tới văn hóa.

Xu hướng này tiếp tục tồn tại ngay cả khi Rus tái thiết lập nhà nước thành công, xóa bỏ lệ thuộc vào Mông Cổ, và tiến hành mở rộng lãnh thổ khu vực phía đông, tạo ra một sự kết hợp giữa tầm nhìn kiểu châu Âu và đặc tính người châu Á.

Theo ông Romanov, sự giao hòa này đã cho Nga không ít những lợi thế. Ông dẫn lời tiểu thuyết gia nổi tiếng Boris Akunin, người cho rằng nhìn từ góc độ lịch sử, không thể phủ nhận dòng máu châu Á trong người Nga đã giúp nước này gặt hái được nhiều thành công.

"Đầu tiên, nếu không có cái nét châu Á ấy, văn hóa Nga sẽ không thể đa dạng được như hiện nay, với những nét đặc trưng của từng vùng miền.

Thứ hai, cái "trung" cũng như tâm lý coi trọng lợi ích tập thể có được từ gen châu Á đã không ít lần giúp Nga vượt qua được những thời kì khó khăn nghiêm trọng mà nhiều nước "thuần" châu Âu không thể làm được" - ông Akunin viết.

Cây bút này lấy dẫn chứng từ những chiến thắng oanh liệt của Nga trước hai thế lực quân sự hùng mạnh nhất mọi thời đại: quân đội Pháp của Napoleon và Phát xít Đức của Hitler.

"Sự kiên cường, khả năng xích lại gần nhau trong hiểm nghèo, nguồn sức mạnh tiềm ẩn vô tận, tâm lý sẵn sàng hi sinh vì đại cục, tất cả đều là những nét đặc trưng của người châu Á chứ không phải châu Âu" - ông Akunin nhận xét.

Do đó, việc không "thuần tây" đối với Nga chính ra lại tốt chán.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại