Quốc gia bí ẩn luôn hục hặc với TQ, chưa từng "đi lại" với Mỹ

Đức Huy |

Sau khi quan hệ song phương Mỹ-Cuba tái thiết, hiện tại chỉ còn 3 quốc gia trên thế giới không có quan hệ ngoại giao với Mỹ, một trong số đó chưa bao giờ "đi lại" với Washington.

Thứ tư vừa qua (1/7), Mỹ và Cuba đã chính thức tuyên bố sẽ mở lại đại sứ quán tại hai nước, qua đó tái thiết quan hệ ngoại giao song phương lần đầu tiên kể từ năm 1961.

Tuy thỏa thuận này không đồng nghĩa với việc quan hệ Washington-Havana đã được bình thường hóa hoàn toàn - Quốc hội Mỹ vẫn áp đặt lệnh cấm vấn đối với Cuba - nhưng sự kiện này vẫn được đánh giá là một bước ngoặt trong quan hệ giữa hai nước.

Bức thư lịch sử hàn gắn vết thương nửa thế kỉ giữa Mỹ và Cuba

Đôi bên dự định sẽ mở lại đại sứ quán vào ngày 20/7 tới, theo New York Times.

Báo này cũng cho biết, hiện nay chỉ có ba quốc gia trên thế giới không có bất kì quan hệ ngoại giao nào với Mỹ ở mọi cấp độ. Hai trong số đó khá dễ đoán: đó là Iran và Triều Tiên.

Với quốc gia còn lại, Mỹ chưa hề có bất kì tranh cãi hay hục hặc dù chỉ ở mức độ nhỏ nhất. Lịch sử hai nước cũng chưa từng có "va chạm".

Đó là Vương quốc Bhutan, một nước nhỏ nằm tại khu vực Nam Á.

Cờ Bhutan. Ảnh: WikiMedia
Cờ Bhutan. Ảnh: WikiMedia

Bhutan là một quốc gia không có đường biển, nằm trên dãy Himalaya giáp với Ấn Độ và Trung Quốc, với dân số hơn 700.000 người và diện tích 38.394 km2 (tương đương Thụy Sĩ).

Và cũng giống với Thụy Sĩ, kể từ khi gia nhập LHQ năm 1971, Bhutan vẫn luôn bàng quan với tất cả các hoạt động đối ngoại. Vương quốc Nam Á này không có quan hệ ngoại giao với cả 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an.

Hiện tại, chỉ hai nước Ấn Độ và Bangladesh có đại sứ quán tại thủ đô Thimphu của Bhutan. Thậm chí, quốc gia này hoạt động biệt lập đến nỗi trước năm 2007, Bhutan không hề đề ra bất kì một chính sách đối ngoại nào. Công việc này khi đó họ... nhờ cả vào Ấn Độ.

Tuy biệt lập với phần còn lại của thế giới, Bhutan cũng có những căng thẳng biên giới nhất định. Vương quốc này từ lâu vẫn có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Bắc Kinh hiện đang tuyên bố chủ quyền trên 10% lãnh thổ Bhutan, theo tạp chí Mỹ The Atlantic.

Tuy vậy, đến nay, vương quốc này vẫn giữ khoảng cách với Trung Quốc. Bhutan mới đây đã từ chối tham gia Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Bắc Kinh sáng lập.

Nhiều nhà phân tích nhận định, Mỹ hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội này để chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Bhutan, để tiếp tục củng cố chiến dịch xoay trục sang châu Á của mình.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Bhutan vẫn từ chối không xích lại gần với Mỹ.

"Đã có thời quan hệ ngoại giao thể hiện quan điểm của một nước đối với các thế lực đang tranh chấp, hay nói cách khác là chọn phe cánh. Nhưng ngày nay thì thời thế đã thay đổi"- Thủ tướng khi đó Jigmi Yoser Thinley phát biểu với hãng tin Bhutan BNA năm 2011.

Về phần mình, phía Mỹ cũng hài lòng với tình hình hiện tại. Tháng 1/2015, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã họp mặt với Thủ tướng Bhutan Tshering Tobgay tại một cuộc họp thượng đỉnh khu vực tại Ahmedabad, Ấn Độ.

Ông Kerry và ông

Ông Kerry và ông Tobgay trò chuyện bên lề cuộc họp thượng đỉnh Nam Á hồi tháng 1/2015. Ảnh: AP

Đây cũng là cuộc gặp đầu tiên giữa nhà ngoại giao cấp cao nhất của Mỹ với một lãnh đạo Bhutan. Theo The Atlantic, đối thoại đã diễn ra trong một bầu không khí thân thiện và đạt được nhiều kết quả có ích.

Tuy nhiên, "việc thiết lập quan hệ ngoại giao không nằm trong các chủ đề được đề cập đến trong đối thoại" - Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ tại Nam - Trung Á Nisha Desai Biswal cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại