Biển Đông: Trung Quốc đe dọa tăng tốc bố trí chiến đấu cơ

Hải Võ |

Vụ B-52 Mỹ áp sát đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên biển Đông hôm 10/12 đã khiến căng thẳng Mỹ-Trung nóng trở lại.

Bộ quốc phòng và Bộ ngoại giao Trung Quốc hôm 19/12 đã lần lượt phản ứng chỉ trích Mỹ "có hành động thách thức nghiêm trọng về mặt quân sự".

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói: "Trung Quốc xem sự kiện trên là nghiêm trọng và đã đưa ra phản ứng chính thức đối với Mỹ." 

Trong khi đó, Lầu Năm Góc xác nhận việc chiếc B-52 thực hiện nhiệm vụ bay theo thông lệ đã "vô tình" áp sát không phận Đá Châu Viên (bị Bắc Kinh chiếm đóng trái phép-PV) trong phạm vi 2 hải lý và khẳng định đã tiến hành điều tra vụ việc.

Trước vụ việc này, tướng Trung Quốc về hưu Doãn Trác nói rằng vụ B-52 Mỹ áp sát Đá Châu Viên "là chuyến bay cố ý và có kế hoạch từ trước, chứ không phải 'bay nhầm' vào".

Theo Doãn Trác, động thái của Mỹ nhằm thể hiện nước này "không quên" vấn đề biển Đông trong bối cảnh Washington phải nỗ lực chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq và Syria.

"Máy bay ném bom chiến lược cỡ lớn như B-52 có thể tấn công hạt nhân, đồng thời tạo niềm tin cho các đồng minh của Mỹ ở khu vực biển Đông," Doãn nói.

Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) ngày hôm nay, 21/12, đánh giá tuyên bố trên của Bộ quốc phòng Mỹ là một phản ứng ôn hòa, song vẫn nặng lời chỉ trích "bản thân hành động của Mỹ mang tính hiểm ác", "đe dọa an ninh các đảo, đá"...

Tờ này cho rằng vụ việc hôm 10/12 "là một bước tiến xa hơn" so với việc Mỹ điều tàu khu trục tên lửa USS Lassen tiến vào tuần tra khu vực 12 hải lý quanh các đảo, đá Trung Quốc bồi lấp phi pháp ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam.


Tàu USS Lassen của hải quân Mỹ

Tàu USS Lassen của hải quân Mỹ

Trung Quốc "hợp thức hóa" việc đẩy mạnh quân sự hóa biển Đông

Hoàn Cầu đe dọa, Trung Quốc sẽ tăng tốc độ quân sự hóa trên các đảo nhân tạo nhằm khiến các đảo này "có đủ khả năng đối đầu trực diện với Mỹ".

Kể từ khi căng thẳng Mỹ-Trung leo thang ở biển Đông, báo chí Trung Quốc thường đánh giá quân đội nước này kém ưu thế trên biển Đông so với Mỹ bởi chỉ có 1 tàu sân bay Liêu Ninh, trong khi chiến đấu cơ từ đại lục bay ra thường "nước xa không cứu được lửa gần", không phát huy được tác dụng đánh chặn máy bay Mỹ.

Theo Hoàn Cầu, "sự lựa chọn duy nhất" của Bắc Kinh là bố trí máy bay quân sự trên các đảo nhân tạo trái phép, qua đó cho phép quân đội Trung Quốc "kịp thời đánh đuổi máy bay Mỹ đến thách thức".

Tuyên bố này của Hoàn Cầu có thể xem là một bước leo thang mới nhằm kích động quân sự hóa ở biển Đông, bất chấp chính Bắc Kinh thường xuyên khẳng định qua Bộ ngoại giao rằng "ủng hộ đối thoại để giải quyết mâu thuẫn, kêu gọi các bên tránh làm phức tạp tình hình biển Đông, dẫn đến quân sự hóa".

Trước đó, hồi mùa hè vừa qua, giọng điệu thường thấy nhất từ Trung Quốc là hoạt động cải tạo đảo nhân tạo "chủ yếu phục vụ dân sinh, nghiên cứu hải dương, cứu hộ cứu nạn...".

Thời báo Hoàn Cầu chống chế cho điều này bằng lý giải "đảo đá phục vụ dân sinh chỉ thực hiện trong điều kiện an ninh được bảo đảm, không bị quân đội nước ngoài đe dọa".

Nói cách khác, tờ báo thuộc chủ quản của báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo này đang từng bước "hợp thức hóa" cho hành động bố trí máy bay quân sự trên đảo nhân tạo trong tương lai của Bắc Kinh.

"Hiện nay tàu chiến và máy bay Mỹ dễ dàng ra vào tuần tra các đảo đá ở biển Đông, và không chỉ có máy bay trinh sát mà còn có cả máy bay ném bom chiến lược B-52.

Nếu Trung Quốc không phản ứng thì chẳng khác nào mặc nhận những hành động của Mỹ, khiến cho các đảo nhân tạo chẳng những không giúp gìn giữ an ninh Trung Quốc mà còn trở thành gánh nặng, tạo cớ cho Washington gia tăng hoạt động ở biển Đông," Hoàn Cầu bình luận.

Bắc Kinh e ngại điều này sẽ khiến chiến lược của họ ở biển Đông rơi vào thế bị động trước Mỹ, đồng thời mang lại những hiệu ứng tiêu cực trong nước, ảnh hưởng uy tín chính phủ và lòng tin của xã hội Trung Quốc.

Hoàn Cầu "đổi trắng thay đen" khi tái khẳng định, Trung Quốc buộc phải quân sự hóa ở biển Đông vì... bị Mỹ ép, do đó cộng đồng quốc tế và các quốc gia Đông Nam Á "không có lý do gì để chỉ trích".

"[Việc quân sự hóa] có thể sẽ đẩy căng thẳng biển Đông lên cao, nhưng sẽ không tổn hại gì đến hình ảnh quốc tế của Trung Quốc."

Tờ báo "diều hâu" huênh hoang rằng sức mạnh quân sự cùng tiềm lực quốc gia cho phép Trung Quốc "yêu cầu Mỹ thu hồi lại thái độ lưu manh" và Bắc Kinh tốt nhất là "cứ thẳng tay bố trí chiến đấu cơ trên đảo nhân tạo, cũng như thiết lập các trạm radar".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại