Biển Đông: Gọi tên nỗi sợ sẽ khiến Trung Quốc "túng quá hóa liều"

Hải Võ |

Hai vấn đề xuất hiện trên biển Đông vừa qua đã khiến Trung Quốc vội vã "ra tay", và cả hai mối e ngại đó đều mang tên "Philippines".

Trung Quốc vội hành động vì "ngán" Philippines?

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm 2/3 cho biết, nước này đã điều tàu tới bãi san hô Hải Sâm (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đang bị Philippines chiếm giữ trái phép) để lai dắt một "tàu nước ngoài bị mắc cạn" đi.

Ông Hồng nói rằng, để bảo đảm an toàn cũng như điều kiện tác nghiệp, Trung Quốc đã "khuyên các tàu cá hoạt động ở khu vực lân cận rời khỏi" và khẳng định các tàu của nước này "đã trở về sau khi hoàn thành công việc".

Trong khi đó, truyền thông Philippines đưa tin, sau khi một chiếc tàu của nước này bị mắc cạn tại bãi Hải Sâm, nhiều tàu Trung Quốc đã xuất hiện để tuần tra và phong tỏa khu vực biển trên.

Báo chí Philippines phỏng vấn ngư dân nước này cũng cáo buộc các tàu nhỏ của Trung Quốc đã đuổi tàu cá nước khác hoạt động trong khu vực.


Một vụ các tàu Trung Quốc đuổi tàu cá Philippines ở gần bãi Cỏ Mây năm 2014. Ảnh: Huanqiu

Một vụ các tàu Trung Quốc đuổi tàu cá Philippines ở gần bãi Cỏ Mây năm 2014. Ảnh: Huanqiu

Tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) ngày 3/3 cho hay, ngay khi có thông tin tàu Philippines mắc cạn, báo chí nước này lập tức liên hệ với sự kiện tàu chiến Philippines bị mắc cạn ở bãi Cỏ Mây, cũng thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Từ đầu năm 2015 quân đội Philippines bắt đầu tiến hành tu sửa, gia cố tàu chiến cũ BRP Sierra Madre - con tàu rỉ sét mắc cạn ở bãi Cỏ Mây từ năm 1999, để ngăn nó bị vỡ.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh từng lớn tiếng chỉ trích Manila cố tình để chiến hạm cũ "mắc kẹt" tại bãi Cỏ Mây nhằm đòi hỏi chủ quyền đối với bãi đá này, và ngang nhiên nói rằng đây là hành động “vi phạm chủ quyền của Trung Quốc”.

Phía tây bãi Cỏ Mây là đá Vành Khăn, một trong bảy thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc cải tạo trái phép để sử dụng cho cả mục đích bành trướng quân sự lẫn dân sự trên biển Đông.

BRP Sierra Madre được xem là tiền đồn quân sự và là tàu hải quân vẫn thuộc biên chế của Philippines.

Điều này cho phép Manila đề nghị Washington hỗ trợ quân sự theo hiệp ước bảo đảm an ninh song phương trong trường hợp con tàu bị tấn công, khiến Bắc Kinh hết sức bất mãn.

Hoàn Cầu chỉ trích Philippines đã kéo Trung Quốc vào trò chơi "mèo vờn chuột" suốt nhiều năm qua ở bãi Cỏ Mây và tàu BRP Sierra Madre là "một trong những tiêu điểm xích mích giữa Trung Quốc-Philippines ở biển Đông".

Theo Hoàn Cầu, nỗi sợ bãi Hải Sâm trở thành "bãi Cỏ Mây thứ hai" đã khiến quân đội Trung Quốc ra tay nhanh như chớp và kéo tàu mắc cạn đi, trước khi các bên kịp đưa ra bất kỳ phản ứng trái chiều nào, nhằm "loại trừ hậu hoạn".

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ
Mark Toner
Chúng tôi đã nắm được thông tin về hành động của tàu Trung Quốc ở khu vực gần bãi Hải Sâm (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam-PV). Chúng tôi không muốn nhìn thấy Trung Quốc lợi dụng hải quân của họ để đe dọa các tàu cá ở khu vực này.

Nếu thua kiện trước Manila, Bắc Kinh sẽ "phá" UNCLOS?

Tờ báo Trung Quốc tỏ ra cay cú trước việc Manila thắt chặt quan hệ quốc phòng với Mỹ, điển hình việc Philippines chính thức xác nhận sẽ cho phép quân đội Mỹ đồn trú thường trực ở các căn cứ trên lãnh thổ nước này.

Hoàn Cầu cho rằng, Philippines biết rõ Bắc Kinh sẽ không hợp tác hay tuân thủ phán quyết do Tòa thường trực quốc tế The Hague đưa ra nếu có bất lợi cho nước này nhưng... vẫn cố tình kiện Trung Quốc ra Tòa thường trực quốc tế The Hague (PCA).

Đài phát thanh DZMM của Philippines cho hay, Manila hiện đang chờ đợi kết quả từ tòa PCA trong vụ chính phủ nước này kiện Trung Quốc nhằm bác bỏ tuyên bố yêu sách "đường chín đoạn" mà Bắc Kinh ngang ngược đòi hỏi ở biển Đông.


Vụ việc tàu BRP Sierra Madre là vấn đề chính trong mâu thuẫn trên biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines. Ảnh: Huanqiu

Vụ việc tàu BRP Sierra Madre là vấn đề chính trong mâu thuẫn trên biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines. Ảnh: Huanqiu

Học giả người Đức Stefan Talmon nhận định, nếu Trung Quốc thua kiện - tức tuyên bố "đường chín đoạn" bị xác định là không có giá trị pháp lý theo luật quốc tế, Bắc Kinh có thể sẽ phản ứng "cùn" bằng cách rút khỏi Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).

Mặc dù không thể viện lý do "rút khỏi công ước" để quay lưng trước những nghĩa vụ mà Bắc Kinh đã cam kết khi tham gia UNCLOS, song Trung Quốc sẽ trở nên khó lường hơn ở biển Đông và biển Hoa Đông nếu tình huống này xảy ra.

Khi đó, Trung Quốc sẽ "thoát" khỏi các ràng buộc về cam kết với các bên liên quan trong vấn đề biển Đông hay biển Hoa Đông. Viễn cảnh này thậm chí có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lộ trình đàm phán ký kết Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Theo ông Talmon, Bắc Kinh tin rằng họ có thể hành xử không kiêng dè trên biển Đông nếu "núp bóng" trường hợp của Mỹ, quốc gia không phải là thành viên UNCLOS, để đòi hỏi những quyền lợi mà Washington đang được hưởng.

Nếu rút khỏi UNCLOS, Trung Quốc sẽ không giữ được vị trí thẩm phán tại Tòa án quốc tế về Luật biển, không có đại diện thường trú tại Ủy ban ranh giới thềm lục địa của LHQ và không là thành viên của Cơ quan quản lý đáy biển quốc tế.

Dù vậy, theo đánh giá trên tờ Hoàn Cầu, Trung Quốc vẫn khá hài lòng với "những thành quả đạt được ở biển Đông" (tức hoạt động xây đảo nhân tạo và lắp đặt cơ sở hạ tầng trái phép-PV), bất chấp sự phản đối và phản ứng từ quốc tế cùng khu vực.

Tờ này cho rằng, trong tình hình biển Đông căng thẳng với Philippines, Trung Quốc sẵn sàng chơi trò "mèo vờn chuột" thêm... 10 năm cũng không sao.

Hoàn Cầu hết sức tự tin rằng dù Philippines có Tổng thống mới trong năm nay thì Manila cũng đã "dùng hết 'vốn' để cứng rắn với Trung Quốc".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại