Sự an toàn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường và thường vụ Bộ chính trị được xem là một trong những yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo sự ổn định của chính quyền Trung Quốc.
Trung Nam Hải được xem là nơi bất khả xâm phạm và được đặt dưới sự bảo vệ của các cảnh vệ giỏi nhất Trung Quốc.
Theo Mạng quân sự 81, các lãnh đạo Trung Quốc được bao bọc bởi một lớp bảo vệ chằng chịt vệ sĩ và đặc vụ. Thông thường trong các chuyến xuất ngoại hoặc “vi hành” tại địa phương, đội ngũ các đặc cảnh, cảnh vệ, vệ sĩ sẽ bố trí năm lớp bảo vệ nhằm đảm bảo an toàn cho lãnh đạo.
Tầng tầng lớp lớp bảo vệ lãnh đạo Trung Quốc
Vòng ngoài cùng là đội ngũ cảnh sát hoặc lực lượng vũ trang địa phương. Tiếp đến là đội đặc cảnh địa phương, hoạt động trong bán kính nhỏ hơn so với các cảnh sát vũ trang (nhiệm vụ này thường do các cảnh sát cấp tỉnh đảm nhiệm).
Lớp bảo vệ thứ ba là Cục Cảnh vệ trung ương mặc đồng phục. Nhiệm vụ của họ là kiểm soát khu vực trong phạm vi bán kính 150 - 3.000m quanh các lãnh đạo, trong đó bao gồm cầu đường, các công trình cao tầng mà lãnh đạo sẽ đi qua.
Hiện nay, Cục Bảo vệ trung ương còn được trang bị cả máy bay trực thăng để sử dụng trong trường hợp cần thiết.
Báo Want China Times của Đài Loan cho biết con gái ông Tập Cận Bình là Tập Minh Triết học tập ở ĐH Havard (Mỹ) từ năm 2010 luôn sử dụng tên giả và được bảo vệ hết sức cẩn trọng.
Cô Tập luôn được các vệ sĩ theo sát và thậm chí còn được FBI bảo vệ.
Cho đến hiện tại, tất cả những bài báo, hình ảnh, thông tin về Tập Minh Triết đều dựa trên phỏng đoán.
Chưa bao giờ cô Tập công khai xuất hiện trước công chúng với tư cách con gái của ông Tập Cận Bình.
Vòng bảo vệ thứ tư là Đội Cảnh vệ trung ương hay còn gọi là Đội cận vệ 61889 (thuộc Cục Cảnh vệ trung ương). Đội cận vệ này chủ yếu kiểm soát khu vực có bán kính từ 200-300m xung quanh lãnh đạo. Họ mặc vest đen, một số đeo kính râm.
Đây là đội ngũ được xem giỏi nhất và trung thành nhất của lực lượng cảnh vệ Trung Quốc.
Vòng bảo vệ cuối cùng là vệ sĩ riêng đồng thời là tấm bia đỡ đạn cuối cùng cho lãnh đạo Trung Quốc. Người này chỉ đứng cách lãnh đạo chưa đến một bước chân. Đây được xem là một trong những người đáng tin cậy nhất của lãnh đạo Trung Quốc.
Cục Cảnh vệ còn bố trí một số nhân viên mặc thường phục lẫn vào đám đông. Nhiệm vụ của các nhân viên này là ra tay kịp thời nhằm ngăn chặn các sát thủ trà trộn vào người dân. Họ hành động khi phát hiện có đối tượng khả nghi đe dọa sự an toàn của lãnh đạo.
Ngoài ra, còn có các chuyên gia bom mìn, chuyên gia chất độc và nhân viên y tế chuyên trách các công việc đặc biệt nhằm đảm bảo an toàn cho lãnh đạo. Họ hiếm khi lộ diện trước đám đông.
Chuyên gia bom mìn chịu trách nhiệm kiểm tra và phát hiện các loại chất nổ tại các khu vực lãnh đạo đi qua, chuyên gia chất độc phụ trách an ninh thực phẩm và chuyên gia y tế có mặt kịp thời trong trường hợp lãnh đạo xảy ra các vấn đề về sức khỏe.
Gia đình của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các lãnh đạo khác cũng được bảo vệ nghiêm ngặt. Trong hầu hết các chuyến công tác, “đệ nhất phu nhân Trung Quốc” Bành Lệ Viện luôn có một nữ vệ sĩ theo sát.
Cao thủ đại nội
Theo tuần báo Nhân Vật Nam Phương, trong số các lực lượng bảo vệ các lãnh đạo Trung Quốc, Cục Cảnh vệ trung ương được chú ý nhất. Đây là cơ quan chuyên trách thuộc bộ tổng tham mưu quân đội Trung Quốc và văn phòng Trung ương Đảng.
Đội cận vệ 61889 (còn gọi là đội cảnh vệ trung ương) là tinh anh của Cục Cảnh vệ trung ương, được mệnh danh là các “cao thủ đại nội”. Họ là các vệ sĩ cẩn trọng, mạnh mẽ, thiện chiến và hết sức trung thành.
Đây là cơ quan trực tiếp nhận nhiệm vụ bảo vệ Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường và những nhân vật cao cấp khác của đảng và chính quyền Trung Quốc.
Những người tùy tùng trong nhà của lãnh đạo Trung Quốc như đầu bếp, nhân viên văn phòng, tài xế, nhân viên phục vụ là nhũng người trung thành được đặt dưới sự huấn luyện của đội cảnh vệ Trung Nam Hải.
Để được đứng vào hàng ngũ những người ngày đêm theo sát chủ tịch nước và thủ tướng, các vệ sĩ phải trải qua một quá trình tuyển chọn hết sức nghiêm ngặt. Ngoài các kỳ kiểm tra thể lực, lý lịch là yếu tố quan trọng nhất.
Chỉ cần một vết nhơ trong lý lịch, họ sẽ không có bất cứ cơ hội nào trở thành vệ sĩ riêng. Sau khi được chọn, các vệ sĩ tương lai bắt đầu một hành trình tập luyện gian khổ. Các môn võ, khí công, bắn súng, ám sát, chiến thuật đều được đào tạo bài bản. Chỉ những người xuất sắc nhất mới được chọn vào Đội cảnh vệ trung ương.
Các vệ sĩ buộc phải là một xạ thủ giỏi với tốc độ rút súng và phản ứng cực nhanh. Họ phải vượt qua các cuộc tập dượt thực tế bằng đạn thật và không bao giờ được phép phạm sai lầm. Các vệ sĩ này được huấn luyện để đưa ra các quyết định sáng suốt khi đối mặt với các tình thế hỗn loạn nhất. Trong trường hợp khẩn cấp, họ là tấm bia đỡ đạn cho lãnh đạo.
Nữ vệ sĩ á hậu
Nữ vệ sĩ Biên Mai không chỉ nổi tiếng tên gọi “đệ nhất nữ vệ sĩ Trung Quốc” mà còn được công chúng biết biết đến với danh hiệu á hậu 2 cuộc thi Hoa hậu Bắc Kinh năm 1993.
Cô từng là vệ sĩ cho các cựu đệ nhất phu nhân của Mỹ, Liên Xô, Ấn Độ, Anh, Nhật, công chúa Thái Lan… khi các nhân vật trên đến thăm Trung Quốc.
Biên Mai sinh năm 1968, cao 1,68m, tốt nghiệp chuyên ngành an toàn cảnh vệ Trường ĐH cảnh sát Trung Quốc năm 1988 và lấy bằng thạc sĩ luật học vài năm sau đó. Cô thông thạo các môn võ thuật, bắn súng, thông hiểu luật hình sự, dân sự và luật quốc tế…
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết người đẹp không bao giờ rời súng ngay cả khi ngủ. Biên Mai thường để súng dưới gối và luôn nhanh chóng rút vũ khí trong tình trạng khẩn cấp. Lúc làm nhiệm vụ cô luôn mặc áo chống đạn.
Nữ vệ sĩ xinh đẹp từng đứng trong hàng ngũ những vệ sĩ cao cấp nhất của Cục cảnh vệ Bộ công an. Khác với Cục Cảnh vệ trung ương, Cục cảnh vệ bộ công an chịu trách nhiệm bảo vệ an toàn cho cấp phó của các lãnh đạo cao cấp nhất Trung Quốc.
Cục này còn chịu trách nhiệm bảo vệ lãnh đạo các quốc gia đến thăm Trung Quốc và gia đình của họ.
Biên Mai rời bỏ ngành cảnh sát năm 2010. Hiện cô là phó giám đốc Trung tâm giao dịch nhà đất Vĩnh Lợi Thông Sản.