Cuộc gặp "phá băng" quan hệ Trung - Nhật: Khi ông Tập không cười...

Đức Huy |

Theo các nhà phân tích, cuộc hội đàm Tập Cận Bình - Shinzo Abe là một bước tiến quan trọng, song chưa đủ để coi là một "bước ngoặt" trong quan hệ ngoại giao Trung-Nhật.

Tuy không nằm trong khuôn khổ chương trình Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) 2014, nhưng cuộc gặp bên lề hôm 10/11 giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vẫn được coi là một trong những diễn biến đáng chú ý nhất trong thời gian APEC nhóm họp.

Đây là lần gặp mặt chính thức đầu tiên của lãnh đạo hai nước trong hơn hai năm trở lại đây, và cũng là lần đầu kể từ khi Tập Cận Bình và Shinzo Abe lên nhậm chức. Nó được trông đợi sẽ là động thái "phá băng" cần thiết để hàn gắn mối quan hệ Trung-Nhật hiện đang trong thời kỳ căng thẳng.

Nhật Bản lạc quan

Trả lời phỏng vấn báo giới sau cuộc hội đàm kéo dài gần nửa giờ đồng hồ, Thủ tướng Abe cho rằng cuộc gặp là "bước khởi đầu" cho quá trình hàn gắn mối quan hệ song phương giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Ông cũng nhấn mạnh hai nước sẽ có những động thái tích cực để tiếp nối những gì đã đạt được ở cuộc gặp này.

Về vấn đề tranh chấp biển đảo, Thủ tướng Abe cho biết hai bên đã thống nhất sẽ tiến hành các cuộc thảo luận về việc xây dựng cơ chế liên lạc trên biển, một dạng "đường dây nóng", nhằm tránh các cuộc đụng độ bất ngờ giữa hải quân hai phía trên biển Hoa Đông.

Với tư cách là bên khởi xướng, Thủ tướng Abe và phía Nhật Bản tỏ ra khá hài lòng với cuộc gặp bên lề APEC. Theo hãng tin Reuters, các quan chức thân cận của Thủ tướng Abe nói rằng Nhật Bản "thật lòng" có ý định cải thiện quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và liên tiếp nhấn mạnh cuộc hội đàm này là một "thành công".

"Lãnh đạo hai nước đã gặp và trao đổi một cách thẳng thắn. Tôi cho rằng đã có những chuyển biến tích cực trong việc cải thiện hợp tác về mặt kinh tế và quan hệ trong các lĩnh vực khác giữa hai nước," Tổng thư kí Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga phát biểu với Reuters.

Trung Quốc cứng rắn

Về phần mình, Chủ tịch Tập Cận Bình và phía Trung Quốc khẳng định hai nước sẽ tiếp tục thúc đẩy thực hiện thỏa thuận bốn điều về phát triển đôi bên cùng có lợi trong các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, văn hóa và chính trị, đồng thời chấp nhận sự bất đồng quan điểm giữa hai nước về chủ quyền trên đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Tuy nhiên, những phát biểu của chủ tịch Tập Cận Bình sau cuộc đàm phán cho thấy phía Trung Quốc đang công khai tỏ thái độ cứng rắn với người láng giềng Nhật Bản. Ông cho rằng, để quan hệ hai nước trở nên tốt đẹp, Nhật Bản cần có những hành động cụ thể có thể giúp khôi phục lòng tin đôi bên.

"Quan hệ Trung-Nhật đã có những rạn nứt nghiêm trọng trong hai năm trở lại đây, và ai đúng ai sai thì đã quá rõ ràng," ông Tập phát biểu với Tân Hoa Xã. "Phía Nhật cần đóng vai trò rõ rệt hơn trong việc gìn giữ tình hình ổn định trong khu vực. Đây cũng là nguyện vọng chung của 1,3 tỉ người dân Trung Quốc," ông nói thêm.

Vẻ mặt lạnh lùng của ông Tập và cái bắt tay đầy khiên cưỡng của ông với Thủ tướng Abe cũng là một minh chứng điển hình cho mối quan hệ Trung-Nhật vẫn còn đầy căng thẳng hiện nay. Theo như mô tả trên tờ Washington Post thì ông Tập Cận Bình có vẻ khá thờ ơ khi ông Shinzo Abe mở lời lúc hai người bắt tay, rồi nhà lãnh đạo Trung Quốc quay về phía camera, trên gương mặt không hề thấy bóng dáng một nụ cười.

Tuy nhiên, một số cư dân mạng Trung Quốc lại tỏ ra khá thích thú trước vẻ mặt này của người đứng đầu đất nước.

"Biểu cảm khuôn mặt tuyệt vời của 'Tập Đại Đại' (biệt danh thân mật của chủ tịch Tập Cận Bình - PV). Một 'like' cho ông!", một công dân Trung Quốc chia sẻ trên mạng xã hội WeChat.

"Chưa thể là bước ngoặt"

Theo một số nhà phân tích, tuy là một động thái tích cực, nhưng cuộc hội đàm này chưa thể đóng vai trò "bước ngoặt" như nhiều người mong đợi.

Robert Dujarric, Viện trưởng Viện nghiên cứu các vấn đề châu Á thuộc trường đại học Temple University (Mỹ), cho rằng 25 phút hội đàm là không đủ để hai bên có thể đi đến những thỏa thuận đáng kể.

"Theo những gì lãnh đạo hai nước phát biểu sau cuộc hội đàm thì chưa bên nào thực sự cho thấy sự nhượng bộ", ông chia sẻ với Washington Post.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong chuyến thăm Đền Yasukuni năm 2013 Ảnh: Japan Times
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong chuyến thăm Đền Yasukuni năm 2013 Ảnh: Japan Times

Theo ông Dujarric, ngoài những tranh cãi về biển đảo, mối quan hệ Trung-Nhật còn bị rạn nứt từ những chuyến thăm của Thủ tướng Abe đến Đền Yasukuni, nơi tưởng niệm 2 triệu người Nhật đã chết trong Thế chiến thứ II. Và trong khuôn khổ cuộc họp mặt, phía Nhật cũng chưa hề có phát biểu nào về việc ông Abe sẽ dừng các chuyến thăm đến địa danh này theo đề nghị của Bắc Kinh.

Trong khi đó, cây bút chính trị Clint Richards của trang The Diplomat nhận xét thẳng thắn, cuộc đối thoại Tập Cận Bình - Shinzo Abe, tuy mang tính "lịch sử", sẽ chưa thể thay đổi bản chất mối quan hệ giữa hai nước.

"Sự căng thẳng trong quan hệ Trung-Nhật chỉ có hi vọng được tháo gỡ khi hai bên có thể đi đến những thỏa thuận thay đổi mang tính nền tảng về quyền lợi chung," ông Richards nhận định. 

Video: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bên lề APEC 2014.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại