Ngày 16/1, Đài Loan tổ chức bầu cử lãnh đạo chính quyền và Viện Lập pháp. Trong đó, bầu cử lãnh đạo chính quyền là cuộc đua “tam mã" giữa ứng viên sáng giá Thái Anh Văn thuộc Đảng Dân Tiến (DPP) đối lập chính, ông Chu Lập Luân của KMT và ông Tống Sở Du của Đảng Thân dân (PFP).
Kết quả cho thấy bà Thái Anh Văn đã giành được chiến thắng với hơn 56,1% số phiếu ủng hộ, sẽ thay ông Mã Anh Cửu lãnh đạo Đài Loan còn đại diện của KMT chỉ giành được hơn 31% số phiếu ủng hộ, đã thừa nhận thất bại và từ chức Chủ tịch KMT.
Đối với cuộc bầu cử Viện Lập pháp, DPP giành được 68/113 ghế, hoàn thành mục tiêu chiếm đa số tại cơ quan quyền lực này, giúp bà Thái Anh Văn loại bỏ những trở ngại tại Viện Lập pháp trong quá trình cầm quyền.
Như vậy, cuộc bầu cử hôm 16/1 ở Đài Loan không chỉ lần đầu tiên xác nhận việc chính quyền hòn đảo này được lãnh đạo bởi một phụ nữ, mà còn xác nhận thất bại lớn nhất của KMT kể từ năm 1949.
Còn nhớ vào năm 2000, khi DPP lần đầu tiên giành chính quyền, Viện Lập pháp vẫn nằm trong tay KMT và tình hình không hề thay đổi khi ông Trần Thủy Biển liên nhiệm vào năm 2004.
Do đó, lần bầu cử này không chỉ xác nhận việc các chính đảng ở Đài Loan lần thứ 3 thay nhau cầm quyền, mà cũng là lần đầu tiên DPP giành được của ngôi vị lãnh đạo chính quyền lẫn chiếm quá bán tại Viện Lập pháp để có thể nắm quyền toàn diện.
Kết quả bầu cử nêu trên có thể liên quan tới một kỉ lục khác là trong cuộc họp Thường vụ Trung ương vào 17/6 năm ngoái, KMT đã thông qua đề cử Phó Viện trưởng Viện Lập pháp Hồng Tú Trụ làm ứng cử viên tranh cử lãnh đạo chính quyền.
Tuy nhiên, 4 tháng sau, KMT đã triệu tập Đại hội Đại biểu Lâm thời Toàn quốc thông qua đề xuất thay đổi ứng cử viên, từ bà Hồng Tú Trụ sang ông Chu Lập Luân.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, ứng cử viên tham gia tranh cử lãnh đạo chính quyền ở Đài Loan bị thay ngựa giữa dòng.
Ngoài ra, cuộc bầu cử hôm 16/1 cũng xác nhận kỉ lục lạnh nhạt của người dân Đài Loan đối với bầu cử.
Dù KMT đã hiệu triệu những cử tri im lặng hãy lên tiếng, nhưng cuối cùng kết quả vẫn chỉ có 66,27% số cử tri đi bầu cử, là mức thấp nhất kể từ khi Đài Loan tiến hành bầu cử trực tiếp lãnh đạo chính quyền vào năm 1996, cũng là lần đầu tiên tỉ lệ bầu lãnh đạo chính quyền rơi xuống dưới 70%.