Cuối tháng trước, một ngày trước khi Mỹ ra tuyên bố áp đặt trừng phạt mới lên Iran, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã cảnh báo người đồng cấp Mỹ rằng bước đi đó có thể phá hỏng thỏa thuận trao đổi tù nhân mà 2 bên đã bí mật đàm phán suốt nhiều tháng.
Cảnh báo này được đưa ra sau khi ông Kerry tuyên bố sẽ đáp trả vụ thử tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân Tehran tiến hành đầu tháng 12 vì cho rằng nó vi phạm lệnh cấm của LHQ.
Để "bảo toàn" nỗ lực của mình, ông Kerry và các trợ lý cấp cao của Tổng thống đã ngay lập tức triệu tập hàng loạt các cuộc họp qua điện thoại và đi tới kết luận rằng họ không thể liều lĩnh để mất đi cơ hội được tự do của những người Mỹ đang bị Iran giam giữ.
Ở những phút cuối cùng, họ đã thống nhất sẽ hoãn gói trừng phạt có giới hạn, nhằm vào một số công ty và cá nhân. Chính Tổng thống Obama đã ký quyết định.
Khả năng ngăn chặn các lệnh trừng phạt mới từ Mỹ, dù chỉ là tạm thời, đã khiến ông Zarif "dễ thở" hơn đôi chút khi đối diện với những chính trị gia Iran theo đường lối cứng rắn - những người phản đối các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân.
Vấn đề nằm ở chỗ, chi tiết các cuộc đàm phán được giữ bí mật với ngay cả các quan chức trong chính quyền của ông Obama, tới mức chỉ có vài người biết rằng thỏa thuận tù nhân giữa 2 bên khi đó bị đe dọa tới mức nào.
Suýt chút nữa thì các nỗ lực của ông Kerry đã "công cốc", bởi quyết định vào phút cuối đã không tới được tay các quan chức của Bộ Ngoại giao do họ đang trong thời gian nghỉ lễ.
Ông John Kerry tới Áo trong ngày IAEA tuyên bố Iran tuân thủ thỏa thuận kiềm chế hạt nhân (ngày 16/1). Sau đó, Washington đã tuyên bố dỡ bỏ trừng phạt Tehran.
Không biết kế hoạch bị thay đổi, các nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ lặng lẽ thông báo với cơ quan quan trọng của quốc hội vào sáng hôm sau về một lệnh trừng phạt mới, đồng thời gửi đi thông cáo mà Bộ Tài chính Mỹ dự định sẽ công bố.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã phải vội vàng rút lại thông cáo phát đi và thông báo với các cơ quan trong chính phủ rằng quyết định trừng phạt đã được "hoãn lại vài giờ trước".
Một ngày sau, Bộ ngoại giao nước này gửi đi các email giải thích nguyên nhân hoãn trừng phạt là bởi "công tác ngoại giao đang tiến hành phù hợp với lợi ích quốc gia".
Quyết định đó đã khiến Nhà Trắng vấp phải một số chỉ trích từ các nghị sĩ rằng, nó sẽ khiến cho Iran tự tin hơn trong việc đe dọa các nước láng giềng và gây bất ổn Trung Đông.
Theo điều khoản của thỏa thuận trao đổi tù binh bí mật, Iran đã trả tự cho cho 5 công dân người Mỹ hôm 16/1. Cùng ngày, tám người Iran bị Mỹ buộc tội vi phạm các lệnh trừng phạt đã được giảm án hoặc tuyên trắng án.
Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ nói rằng, những lệnh trừng phạt về tài chính đối với Iran vẫn còn đang nằm trên bàn và có thể sẽ được tái xem xét sớm.
Như vậy, khi mà các tù nhân Mỹ đã được thả, Obama có thể sẽ "rảnh tay hơn" trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt lên các vụ thử tên lửa - tất nhiên là sẽ có giới hạn hơn nhiều so với các lệnh trừng phạt nhằm vào chương trình hạt nhân Iran, khiến nền kinh tế nước này tê liệt.