... thật may, đó chỉ là những diễn biến trên giấy tờ.
Tuần trước, Dan De Luce và Keith Johnson, hai nhà báo của tạp chí Foreign Policy (FP), đã có dịp được tới thăm văn phòng viện nghiên cứu chiến lược RAND tại Arlington, bang Virginia (Mỹ).
Là viện nghiên cứu chiến lược lớn thứ 4 nước Mỹ với 1.700 nhân viên, RAND luôn được coi là "cánh tay phải" của các tư lệnh quân đội Mỹ mỗi khi họ đứng trước những quyết định quan trọng và cần được "mách nước".
Tại đây, hai nhà báo của FP đã tham gia "đánh trận giả" cùng chuyên gia David Shlapak, người đã có 30 năm cố vấn chính sách cho bộ Quốc phòng và bộ Ngoại giao Mỹ dựa trên phân tích và đánh giá kết quả của các màn "đánh trận giả" này.
Mới đây, Nhật Bản đã cảnh báo Trung Quốc rằng nếu tàu của Bắc Kinh còn tiếp tục lảng vảng gần Senkaku/Điếu Ngư, Tokyo sẽ điều tàu tuần tra tới đuổi. Đáp lại, bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo, nếu Nhật Bản có hành vi gây hấn, họ "sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho mọi thứ xảy ra sau đó".
Trong lúc căng thẳng Trung-Nhật ngày một gia tăng xung quanh Senkaku/Điếu Ngư, cũng như vai trò của Mỹ với tư cách đồng minh quân sự của Tokyo, hai phóng viên FP đã quyết định lấy bối cảnh này làm tiêu điểm cho màn "đánh trận giả" tại RAND, với sự dẫn dắt của chuyên gia Shlapak.
Dưới đây là diễn biến của cuộc chiến giả tưởng nhưng hoàn toàn có khả năng xảy ra này:
Senkaku/Điếu Ngư - Ngày thứ 1: Nguyên nhân bùng phát
Khi bình minh lên, một nhóm các phần tử dân tộc chủ nghĩa cực đoan người Nhật xuất hiện trên Uotsuri-shima, hòn đảo lớn nhất trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Họ tuyên bố toàn bộ quần đảo thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Nhật Bản, đồng thời đăng tải một đoạn video trên YouTube, đe dọa sẽ tiêu diệt hải quân Trung Quốc nếu Bắc Kinh dám bén mảng tới đòi lại quần đảo này.
Tokyo hoàn toàn bị động trước sự việc này và phản ứng rất chậm.
Trước khi họ kịp tuyên bố không liên quan tới hành động của các phần tử dân tộc chủ nghĩa cực đoan nói trên, thì phía Bắc Kinh đã lên án đây là một hành vi thù địch nghiêm trọng, và lập tức điều tàu cảnh sát biển có vũ trang và tàu hải quân tới Senkaku/Điếu Ngư.
Lính thủy đánh bộ Trung Quốc bắt giữ toàn bộ 14 phần tử dân tộc chủ nghĩa cực đoan người Nhật, và tuyên bố sẽ dẫn về Bắc Kinh xét xử.
Ngày hôm sau, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (JMSDF) được điều tới khu vực tranh chấp, dưới sự hộ tống của một phi đội chiến đấu cơ F-15. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn lệnh cho các tàu hải quân giữ vị trí, và tuyên bố sẽ không rút khỏi Senkaku/Điếu Ngư.
Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (JMSDF). Ảnh: WikiMedia
Trong bối cảnh giao tranh có thể xảy đến bất cứ lúc nào, Tokyo thông báo với Washington rằng họ quyết định thực thi hiệp ước an ninh song phương Mỹ-Nhật kí năm 1951.
Vậy Nhà Trắng sẽ làm gì?
Senkaku/Điếu Ngư - Ngày thứ 2: Mỹ động binh
Với Mỹ, thực thi cam kết bảo vệ đồng minh Nhật Bản là điều tối quan trọng.
Điều này không chỉ vì lợi ích riêng của Tokyo, mà Washington thừa hiểu rằng, mọi con mắt tại Nga, Iran, NATO, Saudi Arabia, Israel và nhiều quốc gia khác đang đổ dồn về Mỹ, để xem họ sẽ làm gì trong bối cảnh một trong những đồng minh thân cận nhất kêu gọi trợ giúp quân sự.
Nhưng Washington cũng không muốn gây hấn với một thế lực như Trung Quốc, chỉ vì một vài hòn đảo nhỏ mà Mỹ vẫn coi là "vô giá trị".
Trong tình huống này, hai nhà báo của FP quyết định bảo vệ chủ quyền biển đảo của Nhật Bản bằng việc điều động hải quân và không quân Mỹ tới hỗ trợ, nhưng từ chối đơn phương công kích quân đội Trung Quốc.
Họ điều biểu tượng sức mạnh của quân đội Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương, tàu sân bay George Washington, từ cảng Yokosuka, Nhật Bản, tới gần khu vực tranh chấp để sẵn sàng tham chiến khi cần.
Điều George Washington rời cảng cũng giúp Mỹ tránh được rủi ro tàu sân bay của họ bị Trung Quốc "đánh úp" bằng một quả tên lửa diệt hạm mà Bắc Kinh đã dành nhiều năm phát triển.
Cùng lúc đó, Hạm đội 3 đóng tại California được đặt vào thế sẵn sàng chiến đấu. Washington cũng nói rõ với Bắc Kinh rằng tàu ngầm tấn công Mỹ đã được điều động tới gần Senkaku/Điếu Ngư, và sẵn sàng khai hỏa để bảo vệ đồng minh Nhật Bản khi cần.
Hạm đội 3 của Mỹ tham gia tập trận RIMPAC. Ảnh: WikiMedia
Mỹ, hay đúng hơn là hai nhà báo FP, cũng phải đưa ra một quyết định quan trọng khác. Nhật Bản muốn điều tàu khu trục tới Senkaku tham chiến, và nhờ Mỹ điều hai tàu khu trục tới Biển Nhật Bản để bọc lót hậu phương.
Dù biết làm như vậy tiềm tàng rủi ro cao, nhưng vì nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ đồng minh, Mỹ chấp thuận.
Senkaku/Điếu Ngư - Ngày thứ 3: Giao tranh leo thang
Mọi chuyện trở nên xấu đi trông thấy sau khi một tàu cảnh sát biển Trung Quốc đánh chìm một tàu cá Nhật Bản gần khu vực đảo tranh chấp. Tokyo lập tức đáp trả bằng vòi rồng nước và máy chặn tín hiệu, đồng thời điều chiến đấu cơ liệng thấp xuống sát tàu Trung Quốc.
Thấy vậy, một tàu frigate của Trung Quốc dùng đạn cự li gần 30 mm bắn vào máy bay Nhật Bản. Nhật Bản cũng khai hỏa trở lại. Nhưng Bắc Kinh đã gây bất ngờ lớn khi phản công bằng tên lửa chống hạm, kết quả là 2 tàu Nhật bị đánh chìm chỉ trong vài phút, và gần 500 lính Nhật thiệt mạng.
Mọi liên lạc ngoại giao Trung-Nhật lập tức bị cắt đứt. Cảm thấy yếu thế, Nhật Bản lại cầu cứu Mỹ tăng cường tiếp viện. Người dân Nhật đổ dồn tới trước cổng đại sứ quán Mỹ tại Tokyo. Cùng lúc đó, một biển người Trung Quốc hò hét la ó bên ngoài đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh.
Truyền thông nước Mỹ đưa tin 24/7 về giao tranh tại Senkaku/Điếu Ngư, trong khi các Thượng nghị sĩ giận sôi và đòi "nợ máu phải trả bằng máu" với người Trung Quốc.
Tại Nhà Trắng, áp lực đáp trả ngày một gia tăng. Chuyên gia Shlapak đưa ra một loạt các phương án để 2 nhà báo FP lựa chọn.
Phương án 1: Mỹ có thể án binh bất động và tránh một cuộc chiến tranh, nhưng làm vậy đồng nghĩa với việc thấy đồng minh gặp nạn mà không cứu, khiến cả thế giới mất niềm tin vào Washington.
Phương án 2: Mỹ có thể gửi một thông điệp tới Trung Quốc bằng một cuộc tấn công an ninh mạng, và tránh giao tranh quân sự trực tiếp.
Phương án 3: Mỹ có thể dùng tàu ngầm đánh chìm một tàu chiến Trung Quốc
Phương án 4: Mỹ có thể phản ứng trên diện rộng, điều máy bay tới không kích ngay trên đất liền Trung Quốc hoặc tại các cơ sở trọng yếu của quân đội Trung Quốc, để gửi một thông điệp rõ ràng tới Bắc Kinh rằng nước này "đang đùa với lửa".
Rốt cục, 2 nhà báo FP đã chọn phương án 3. Tàu ngầm Mỹ tại tây Thái Bình Dương phóng ngư lôi tiêu diệt 2 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Trung Quốc, tiêu diệt hàng trăm binh sĩ nước này.
"Các anh đã khiến người Trung Quốc đổ máu. Các anh đã khơi mào chiến tranh Mỹ-Trung với hành động này của mình" - ông Shlapak cảnh báo.
Senkaku/Điếu Ngư - Ngày thứ 4: Bắc Kinh đáp trả
Lãnh đạo Bắc Kinh kinh ngạc trước hành động của Mỹ. Họ đã nhắc đi nhắc lại với Washington rằng đây là "việc riêng" của Trung và Nhật, và không liên quan gì tới Mỹ.
Thời thế cũng đã thay đổi, quân đội Trung Quốc đã mạnh hơn, và nay với mạng xã hội phát triển, hàng trăm triệu cư dân mạng nước này, không ít trong số đó cũng là những phần tử dân tộc chủ nghĩa cực đoan, gào thét đòi trả thù cho hai tàu Trung Quốc bị đánh chìm.
Ông Shlakpak giờ lại đặt 2 nhà báo FP vào vị trí "quân đỏ", tức Trung Quốc, và đưa ra các phương án hành động.
Phương án 1: Hạ nhiệt vụ 2 tàu khu trục bị đánh chìm, cũng như bỏ ngoài tai lời kêu gọi của cư dân mạng trong nước, để tránh giao tranh leo thang.
Phương án 2: Đáp trả tương tự, đánh chìm 2 tàu hải quân Mỹ, đặc biệt là các tàu khu trục trong tầm ngắm hiện đang đóng tại Nhật.
Phương án 3: Đáp trả mạnh, phóng tên lửa nhắm vào căn cứ không quân Mỹ tại Okinawa.
Tuy nhiên, 2 nhà báo Mỹ lại chọn một giải pháp khác. Họ chấp nhận búa rìu dư luận trong nước và quyết định khiến Mỹ phải hứng đòn đau mà không phải "đầu rơi máu chảy".
Bên cạnh việc tiếp tục tấn công nhắm vào quân đội Nhật, Trung Quốc khởi động mạng lưới virus đã được cài sẵn vào hệ thống điện tại Mỹ, khiến toàn bộ thung lũng Silicon chìm trong bóng tối.
Ngoài ra, đội ngũ hacker của Bắc Kinh cũng đột nhập vào sàn giao dịch chứng khoán NASDAQ, thay đổi các con số niêm yết, xóa đi hàng tỉ USD tiền lãi, gây ra một hiệu ứng domino đánh sập hệ thống chứng khoán của Mỹ.
Senkaku/Điếu ngư - Ngày thứ 5: Nhật đại bại
Quân đội Trung Quốc tiếp tục đánh mạnh vào tàu Nhật đóng gần quần đảo tranh chấp. Chỉ trong chưa đầy 24 giờ đồng hồ, 1/5 lực lượng hải quân Nhật đã bị đánh bại, hàng trăm lính JMSDF thiệt mạng.
Như để nhấn mạnh quan điểm của mình, Trung Quốc cũng mở một đợt công kích vào kinh tế Nhật Bản, đánh sập hệ thống điện và một nhà máy lọc dầu trọng yếu của người Nhật.
Trước tình cảnh này, Tokyo (hay nói đúng hơn là ông Shlapak) một lần nữa cầu cứu Mỹ, và đưa ra cho Nhà Trắng (tức 2 nhà báo FP) 3 lựa chọn cụ thể.
Họ muốn Mỹ điều tàu sân bay tới tham chiến để bảo vệ tàu Nhật, họ muốn Mỹ tăng cường tấn công tàu Trung Quốc, và họ muốn Mỹ không kích các địa điểm lưu trữ tên lửa chống hạm đặt tại đại lục.
Với Washington, những lựa chọn trên đều không mấy sáng sủa. Hai nhà báo FP thống nhất rằng đã đến lúc đặt dấu chấm hết cho giao tranh, và nói với Tokyo rằng họ không muốn công kích trực tiếp trên lãnh thổ Trung Quốc. Việc điều George Washington tham chiến cũng không khả thi.
Mỹ quyết định điều tàu ngầm và máy bay tới khu vực giao tranh để mở đường cho tàu Nhật Bản rút lui về căn cứ. Như vậy, Washington tránh được một cuộc chiến tổng lực với Trung Quốc, và tránh một kết cục xấu hơn nữa cho Nhật Bản.
Theo ông Shlapak, quyết định nói trên "về mặt tác chiến thì ổn", nhưng lại đồng nghĩa với việc dâng chiến thắng cho Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ lấy đó mà nói rằng họ "chấp" cả Mỹ và Nhật mà vẫn "ăn". Quyền kiểm soát Senkaku/Điếu Ngư cũng sẽ thuộc về Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo ông Shlapak, về lâu về dài Bắc Kinh sẽ nhận ra rằng đây sẽ là một chiến thắng kiểu Pyrros (thuật ngữ mang nghĩa rằng phe thắng cuộc phải trả cái giá quá đắt - PV).
Ông giải thích, sau bài học tại Senkaku/Điếu Ngư, Nhật cũng như nhiều nước châu Á khác sẽ chi tiêu gấp đôi cho quân sự, đồng thời có thêm lý do để bắt tay nhau chống lại Trung Quốc về mặt quân sự và tránh lệ thuộc về mặt kinh tế.
Nói tóm lại, theo ông Shlapak, trong trường hợp giao tranh bùng phát, "chẳng bên nào có lợi cả".
Vậy nếu Mỹ chấp thuận đề nghị của Nhật trong Ngày thứ 5, điều gì sẽ xảy ra?
Senkaku/Điếu Ngư - Ngày thứ 5 (phiên bản 2): Vén màn Thế chiến III...
Mỹ điều đội ngũ viện trợ nhân đạo và phản ứng thiên tai tới Nhật Bản để hỗ trợ công tác phục hồi, đồng thời điều George Washington tới khoảng cách an toàn gần Senkaku.
Tên lửa Mỹ đổ xuống đại lục, hải quân Trung Quốc thiệt hại không kể xiết vì liên tục dính ngư lôi. Đáp lại, Bắc Kinh cho một loạt tàu chở hàng Nhật nổ tung ngoài khơi, đánh tan tác căn cứ không quân Kadena tại Okinawa, và dùng tên lửa diệt hạm bắn vào George Washington, khiến tàu sân bay này phải trở lại căn cứ.
Thiệt hại cho các bên cứ thế tăng dần, số người chết lên đến hàng nghìn, rồi hàng chục nghìn...
"Đó là lý do tại sao việc các anh để dẫn đến giao tranh từ đầu đã là sai lầm chiến lược ở cấp độ cao nhất rồi" - ông Shlapak đập bàn nhấn mạnh, và kết thúc màn "đánh trận giả" với 2 nhà báo FP.