Trong năm 2015 vừa qua, Nga đã tạo ra một tiền lệ quan trọng trong chính sách đối ngoại của mình, với việc khởi xướng một chiến dịch quân sự quy mô lớn bên ngoài khu vực biên giới nước này, cách xa hẳn với khu vực vẫn được giới nghiên cứu coi là "sân sau" của Moscow.
Những nước cờ địa chính trị của Nga tại Trung Đông, theo chuyên gia Suchkov, đã và đang tăng cao về mặt cường độ trong nhiều năm qua. Song việc điện Kremlin quyết định điều động không quân Nga tới Syria hồi tháng 9 vừa qua vẫn là một cú sốc đối với nhiều người.
Kể từ khi phát động chiến dịch, Moscow đã kết hợp giữa những màn không kích và các loạt tên lửa phóng từ Địa Trung Hải, qua đó thể hiện tiềm lực quân sự mang tầm siêu cường với tầm ảnh hưởng toàn cầu của Nga.
Bên cạnh đó, chuyên gia Suchkov cũng nhấn mạnh, 4 tháng vừa qua tại Syria đã giúp Nga đạt được hai mục đích chính trị phải nói là cực kì quan trọng.
Thứ nhất, trong khi phương Tây vẫn đang áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga và tìm cách cô lập Moscow trên trường quốc tế sau những diễn biến tại Ukraine, thì với chiến dịch tại Syria, Nga đã buộc Mỹ và các ông lớn EU phải tìm đến mình để đổi lấy sự hợp tác.
Nói cách khác, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khiến các lãnh đạo phương Tây nhận ra một điều rằng, để chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cũng như chấm dứt nội chiến tại Syria, không thể không có sự tham gia của Nga.
Một ví dụ điển hình là hiện nay, dù hai bên vẫn nhắc đến nhau trong tâm thế thù địch, nhưng có thể thấy Moscow và Washington đang tích cực hợp tác lọc ra danh sách các tổ chức khủng bố, cũng như những nhóm xứng đáng có một tiếng nói trong tương lai chính trị tại Syria.
Nga-Mỹ: không bằng mặt, nhưng bằng lòng? Ảnh: Getty
Ở mức độ thấp hơn, các nước vùng Vịnh và các nhóm đối lập ở Syria, tuy vẫn công khai chỉ trích Nga mạnh mẽ, nhưng bên trong đang hợp tác ở nhiều góc độ với Moscow. Theo ông Suchkov, xu thế này sẽ còn tiếp diễn một khi Nga lôi kéo được Saudi Arabia về phe mình.
Thứ hai, có thể nói Nga đã thành công trong việc thay đổi quan điểm của phương Tây về Tổng thống Syria Bashar al-Assad, bằng cách đề cao mối hiểm họa ngày một gia tăng của Nhà nước Hồi giáo IS.
Trong lúc những vụ khủng bố tại Paris hay California biến IS trở thành mối quan tâm hàng đầu, thì việc Nga là nước "xông xáo" nhất về mặt quân sự tại Syria đã khiến Moscow trở thành thế lực đi đầu trong chiến dịch chống khủng bố tại Syria.
Và với tiếng nói cực kì có trọng lượng của quốc gia đi đầu trong một chiến dịch vì mục đích chung, Nga đã và đang chỉ ra cho phương Tây thấy rằng việc ép Assad từ chức sẽ chỉ phản tác dụng nếu muốn đem lại bình ổn cho Syria nói riêng và Trung Đông nói chung.
Từ trước đến nay, chiến lược của Mỹ tại Syria chủ yếu xoay quanh quan điểm rằng ông Assad là tác nhân số một của cuộc nội chiến dai dẳng tại quốc gia này. Do đó, Washington khẳng định việc Assad từ chức phải là điều kiện tiên quyết đối với bất kì tiến trình hòa bình nào.
Nhưng Moscow không nghĩ vậy. Và với những diễn biến gần đây, dường như Mỹ và phương Tây đang dần nghe theo quan điểm của Nga.
Những tuyên bố theo kiểu "Assad phải ra đi" đã giảm hẳn. Đáng nói là chi tiết này không hề xuất hiện trong nghị quyết mới nhất của Hội đồng Bảo an LHQ về việc đem lại hòa bình ổn định cho Syria.
Trong một diễn biến liên quan, tại diễn đàn do Hội đồng Atlantic (Mỹ) tổ chức tuần trước, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel có nói rằng, chính phủ Obama đã tự giới hạn mình bởi chính sách buộc Assad ra đi, và nhấn mạnh Tổng thống Syria "chưa bao giờ là kẻ thù của Mỹ".
Trở lại với bài viết của ông Suchkov, chuyên gia này khẳng định dù chiến dịch không kích vẫn tiếp diễn, nhưng Nga muốn có một giải pháp chính trị càng sớm càng tốt.
Điều này, theo ông, không hề đơn giản bởi có quá nhiều phe phái với nhiều lợi ích xung khắc tại Syria, và bất cứ một tính toán sai lệch nào cũng có thể khiến mọi nỗ lực hòa bình trước đó "đổ sông đổ bể".
Tuy vậy, nếu xét riêng về phía Nga, có thể thấy nước này đã đạt được những mục tiêu vô cùng quan trọng sau 4 tháng can thiệp quân sự tại Syria, đưa Moscow trở lại với vị thế một "tay chơi" không thể thiếu trên bàn cờ địa chính trị thế giới.