Cử tri Đài Loan vừa tiến hành cuộc bầu cử “hai trong một” để lựa chọn người lãnh đạo cũng như 113 đại biểu Viện Lập pháp (Quốc hội) của hòn đảo này.
Kết quả bầu cử lần này đã ghi nhận sự thất bại toàn diện của Đảng Quốc dân (KMT) - đảng đang cầm quyền tại Đài Loan.
Nó cũng ghi nhận lần đầu tiên trong lịch sử Đài Loan có một lãnh đạo là phụ nữ - bà Thái Anh Văn.
Nguyên nhân thất bại của KMT
Từ khi nắm quyền điều hành Đài Loan từ năm 2008 đến nay, chính quyền của ông Mã Anh Cửu đã không có những biện pháp hữu hiệu nhằm khôi phục và duy trì sự phát triển của kinh tế Đài Loan.
Kinh tế Đài Loan chưa thoát khỏi quá trình suy thoái, tỉ lệ thất nghiệp cao, thu nhập bình quân không tăng trong khi chỉ số giá cả tiêu dùng tăng cao...
Bên cạnh đó, mặc dù tình hình quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục có nhiều cải thiện, nhưng sự phụ thuộc của kinh tế Đài Loan đối với Trung Quốc ngày càng nhiều đã dẫn đến những mâu thuẫn trong xã hội Đài Loan nói chung và trong nội bộ đảng cầm quyền (KMT) nói riêng.
Dấu hiệu đầu tiên là KMT đã thất bại trong cuộc bầu cử tháng 11-2014. Từ đó, mâu thuẫn trong nội bộ KMT ngày thêm sâu sắc và càng bộc lộ rõ trong quá trình chuẩn bị cuộc bầu cử vừa qua.
KMT đã không có những sự chuẩn bị tốt nhất, kể cả về chiến lược và nhân sự. Mâu thuẫn nội bộ này đã khiến KMT không chỉ mất đi sự ủng hộ trong xã hội Đài Loan mà còn không giành được sự ủng hộ từ các quốc gia có ảnh hưởng đến chính trị Đài Loan như Mỹ, Nhật...
Bên cạnh đó phải ghi nhận những hiệu quả trong chiến lược tranh cử của Đảng Dân tiến (DPP) do bà Thái Anh Văn lãnh đạo.
Với những bước đi có tính chiến lược từ năm 2008 đến nay, DPP từng bước thu hút được sự ủng hộ của các thành phần trong xã hội, đặc biệt từ giới thanh niên và tầng lớp trung lưu.
Ngoài việc xoáy vào các điểm còn tồn tại trong quá trình điều hành của chính quyền ông Mã Anh Cửu, DPP đã thông qua và phát huy hiệu quả các ứng dụng của mạng xã hội để thu hút giới trẻ trong quá trình vận động bầu cử...
Lá phiếu của nhân dân
Trước và sau khi có kết quả bầu cử đã có nhiều ý kiến cho rằng cuộc gặp có tính lịch sử giữa ông Tập Cận Bình và ông Mã Anh Cửu tại Singapore năm ngoái sẽ có những tác động không nhỏ.
Nhưng các cuộc thăm dò dư luận xã hội Đài Loan liên tiếp cho thấy bà Thái Anh Văn luôn là sự lựa chọn số 1 của người dân Đài Loan.
Điểm bất ngờ duy nhất trong cuộc bầu cử lần này là việc DPP giành thắng lợi áp đảo vượt ngoài mọi dự đoán trong cuộc bầu cử tại Viện Lập pháp với 68/113 ghế.
Ngay sau khi có kết quả sơ bộ, Washington đã tuyên bố chúc mừng bà Thái Anh Văn cũng như hi vọng tiếp tục duy trì hiện trạng ổn định và hòa bình giữa hai bờ eo biển Đài Loan.
Bắc Kinh cũng có những tuyên bố nhanh chóng được truyền thông phương Tây gọi là mang tính “răn đe”: chính sách “một Trung Quốc” không hề thay đổi và phản đối việc Đài Loan độc lập dưới mọi hình thức...
Thời gian gần đây, DPP nói chung và bà Thái Anh Văn nói riêng đã có những thay đổi trong đường lối, chuyển sang chủ trương “Không độc lập, không thống nhất”, duy trì sự ổn định, hòa bình trong quan hệ hai bờ...
Theo các nhà quan sát thì trong tương lai gần, bà Thái Anh Văn vẫn sẽ tập trung vào việc duy trì sự ổn định trong quan hệ hai bờ, phục hồi kinh tế Đài Loan...
Trong cuộc họp báo quốc tế sau khi có kết quả bầu cử sơ bộ, bà Thái Anh Văn cũng đã nhấn mạnh một số điểm đáng chú ý như duy trì sự ổn định, xây dựng môi trường hòa bình để phát triển trong quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan.
Đối với vấn đề tranh chấp tại Biển Đông, bà Thái Anh Văn chủ trương giải quyết các vấn đề tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS)...
Quá trình chuyển giao quyền lực tại Đài Loan chỉ hoàn tất sau ngày 20-5, khi bà Thái Anh Văn tiếp nhận chức vụ lãnh đạo cao nhất.
Có thể nói rằng kết quả cuộc bầu cử ngày 16-1 sẽ đánh dấu một sự thay đổi tại Đài Loan về nhiều mặt. Nó cũng sẽ có những tác động đến tình hình khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, vẫn cần phải có một thời gian nhất định để có thể đánh giá chính xác những thay đổi và tác động này.
Thúc đẩy làm ăn với Việt Nam
Trong quá trình vận động bầu cử, bà Thái Anh Văn đã có những tuyên bố về việc có thể đưa ra một chính sách “Hướng Nam” lần thứ hai nhằm hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp Đài Loan hoạt động và kinh doanh tại khu vực Đông Nam Á, đặc biệt tại Việt Nam.
Theo một số doanh nhân Đài Loan đang hoạt động tại Việt Nam, sau khi có kết quả bầu cử, họ đều rất hi vọng vào các chính sách của chính quyền mới tại Đài Loan trong vấn đề hợp tác kinh tế với Việt Nam trong tương lai.