Đức - Ba Lan: Từ đối tác thành đối thủ?

Đức Dũng |

Trong vòng vài năm gần đây, Ba Lan gần như đã trở thành đối tác hàng đầu của Đức trong Liên minh EU.

Tuy nhiên, chỉ trong vòng 2 tháng qua, quan hệ Warsaw-Berlin đã đột ngột trở nên căng thẳng đến mức Đức lên tiếng yêu cầu EU cấm vận chống nước này.

Ba Lan chỉ trích Đức độc đoán và “kể tội” Đức gây ra những thảm kịch kinh hoàng trong lịch sử.

Năm 2016 là năm kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Ba Lan với nước Đức thống nhất.

Tuy nhiên, thời khắc quan trọng này trong quan hệ hai nước sẽ mất đi ý nghĩa nếu như quan hệ hai bên vẫn tiếp tục căng thẳng như trong vòng 2 tháng gần đây sau khi đảng bảo thủ “Pháp luật và Công lý” (PiS) chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Ba Lan tháng 10/2015 và quay trở lại nắm quyền ở đất nước Đông Âu này.

Sau cuộc bầu cử Quốc hội ở Ba Lan tháng 10/2015, quan hệ EU-Ba Lan đã ghi nhận tình trạng “nước chảy ngược”.

Trước khi diễn ra cuộc họp báo đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Ba Lan, bà Beata Szydlow đã yêu cầu dọn toàn bộ cờ EU khỏi phòng họp báo.

Tiếp đến, Ngoại trưởng mới của Ba Lan Witold Waszczykowski cũng lên tiếng khẳng định rằng trong thời gian dài trước đó, Ba Lan đã có mối quan hệ ngoại giao với Đức theo kiểu “chư hầu”.

Tuy nhiên, theo bình luận của tạp chí phân tích Đức Spiegel, “những nhân vật trên chỉ là các con rối, bù nhìn được điều hành bởi nhân vật theo trường phái dân tộc - bảo thủ Jaloslaw Kaczynski, Chủ tịch PiS, nhân vật mà EU coi là sự kinh hoàng”.

Được biết, trong suốt 25 năm vừa qua, quan hệ ngoại giao Đức - Ba Lan đã trải qua giai đoạn thử thách khó khăn nhất khi Lech Kaczynski nắm quyền Tổng thống và người anh em song sinh là Jaloslaw Kaczynski nắm quyền Thủ tướng Ba Lan.

Hai nhân vật này không hề giấu giếm rằng trong con mắt họ, Đức vẫn là “tội phạm” gây nên những tổn thất cho dân tộc Ba Lan trong Chiến tranh Thế giới lần II.

Mặc dù vậy, những quan điểm này không gây nên tác động tiêu cực nào lớn đến mối quan hệ Ba Lan - Đức vì mọi việc trong nội bộ EU đều diễn ra một cách suôn sẻ.

Tình thế đột ngột thay đổi do trong nội bộ EU đang ngày càng xuất hiện nhiều mâu thuẫn. “Những quan điểm thiếu thiện cảm với nhau trong quan hệ Ba Lan - Đức nảy sinh trên nền những bất ổn nặng nề trong nội bộ EU.

Dù những vấn đề này không liên quan cụ thể đến Đức hay Ba Lan nhưng nó khiến cho cuộc sống ở Đức, Ba Lan cũng như các nước thành viên khác của EU trở nên ngột ngạt hơn.

EU đang thực sự trong cơn khủng hoảng cũng đẩy quan hệ Đức - Ba Lan vào giai đoạn khó khăn mới. Đảng PiS lên nắm quyền ở Ba Lan và lập tức thay đổi quan điểm trong chính sách đối ngoại.

"Thật đáng lo ngại, những năm tới sẽ mang tính chất quyết định đến số phận của EU” - Giáo sư Fedor Lukianov, Chủ tịch Khoa học Câu lạc bộ Valdai của Nga nhận định.

Chỉ trích lẫn nhau

Những chỉ trích lẫn nhau giữa Đức và Ba Lan nảy sinh sau khi Chính phủ mới ở Ba Lan tiến hành sửa đổi đối với các đạo luật về Tòa án Hiến pháp và về lĩnh vực truyền thông.

Theo đó, Chính phủ Ba Lan sẽ có quyền bổ nhiệm cũng như bãi miễn chức vụ đối với giới lãnh đạo các công ty truyền thông luật pháp - xã hội ở Ba Lan.

Đức lên tiếng chỉ trích Ba Lan đang cố kiểm soát và biến các phương tiện truyền thông thành công cụ tuyên truyền của mình và điều đó “đi ngược lại với các giá trị dân chủ nền tảng của EU”.

Bên cạnh đó, Đức cũng bày tỏ bất bình đối với việc cải cách Tòa án Hiến pháp của Ba Lan. Theo đó, mỗi quyết định nào đó ở Tòa án Hiến pháp sẽ được thông qua nếu đủ 2/3 số phiếu ủng hộ chứ không cần phải đa số phiếu như trước kia.

Số lượng quan tòa sẽ tăng lên 15 người và 5 trong số đó là do PiS bổ nhiệm. Ngoài ra, Tòa án Hiến pháp sẽ không có quyền tự bãi miễn chức vụ quan tòa mà chỉ được thực hiện khi có yêu cầu của Tổng thống hoặc Bộ trưởng Tư pháp.

Đức cho rằng đây là các biện pháp để hạn chế quyền hành và gia tăng sự phụ thuộc của Tòa án Hiến pháp với Tổng thống.

Một loạt chính trị gia trong ê kíp của Thủ tướng Đức A.Merkel đã chỉ trích kịch liệt hành động này của Ba Lan và lên tiếng kêu gọi EU ban hành các lệnh cấm vận chống Ba Lan.

Dù sau đó người phát ngôn của Chính phủ Đức Steffen Seibert lên tiếng bác bỏ khả năng áp đặt các biện pháp chống Ba Lan nhưng quan hệ hai bên vẫn còn nhiều vết gợn không nhỏ.

Đáp lại các chỉ trích của Đức, Ba Lan lên tiếng cho rằng nếu như ai đó chỉ trích Ba Lan quyền tự do ngôn luận thì đó không phải là Đức, quốc gia đã nỗ lực ngăn cản không để rò rỉ thông tin trên các phương tiện truyền thông về các vụ tấn công tình dục của người nhập cư nhằm vào phụ nữ Đức đêm giao thừa vừa qua.

“Quan hệ Đức - Ba Lan thực sự đang căng thẳng. Đối với Chính phủ mới ở Ba Lan, Đức giống như kẻ thù ở quá khứ nhiều hơn so với đối tác ở hiện tại.

Warsaw thường xuyên nhắc nhở Đức về các sự kiện trong Thế chiến lần II, cũng như chỉ trích Đức cố gắng áp đặt ý kiến của mình lên các nước thành viên khác trong EU.

Trong tương lai, các chỉ trích này sẽ tiếp tục gia tăng vì chính quyền Ba Lan sẽ tiếp tục thực hiện các động thái củng cố quyền lực cho mình”- thành viên Hội đồng Đối ngoại Đức Stefan Meister nhận định.

Dự án khí đốt Dòng chảy Phương Bắc tiếp tục cản trở quan hệ Ba Lan - Đức?
Dự án khí đốt "Dòng chảy Phương Bắc" tiếp tục cản trở quan hệ Ba Lan - Đức?

Hạn chế người nhập cư

Một trong những nguyên nhân chính khiến quan hệ Ba Lan - Đức xấu đi là chính sách đối với người nhập cư của EU mà Đức là người khởi xướng.

Theo kế hoạch, mỗi một quốc gia EU sẽ được phân bổ hạn ngạch số lượng người nhập cư phải tiếp nhận.

“Trong năm 2015, Ba Lan với dân số 38 triệu người sẽ phải tiếp nhận 7- 8 nghìn người nhập cư. Đây là vấn đề lớn vì các chính trị gia Ba Lan không biết phải làm gì với số người này khi 70% người nhập cư là người trẻ tuổi.

Ba Lan rất sợ người nhập cư vì những khác biệt về văn hóa và tôn giáo”- Krzysztof Fedorovic, giáo sư một viện lịch sử ở Ba Lan nhận định.

Cùng với Hungary và Slovakia, Ba Lan đang phản đối chính sách này của Đức. Đức cũng tỏ ra khá bất bình với những hành động này của ba nước trên.

“Họ vui mừng nhận tiền của EU nhưng lại không muốn tuân thủ các giá trị chung. Như vậy liệu EU có nên tiếp tục giữ các quốc gia có tâm lý bài ngoại như Hungary, Ba Lan và Slovakia làm thành viên nữa hay không?” - Spiegel bình luận.

Chính phủ Đức cũng không ít lần lên tiếng khẳng định rằng các quốc gia thành viên EU nhưng lại không muốn tiếp nhận và phân bổ người nhập cư theo chính sách EU cần phải bị trừng phạt.

Đức đề nghị EU cần có những biện pháp trừng phạt các quốc gia này như cắt các khoản tiền viện trợ từ EU.

Tuy nhiên, Krzysztof Fedorovic nhận định rằng EU khó có khả năng trừng phạt Ba Lan. “Tôi không nghĩ rằng sẽ có biện pháp trừng phạt nào đó chống Ba Lan.

Đây là vấn đề rất khó đạt được sự đồng thuận vì một số các quốc gia thành viên EU khác cũng phản đối việc phân bổ hạn ngạch người nhập cư.

Các quốc gia này sẽ phối hợp với Ba Lan và phong tỏa mọi quyết định của EU. Do đó, các quan chức EU chỉ có thể chỉ trích Ba Lan và các nước phản đối người nhập cư nhưng điều này chẳng dẫn đến đâu.

Tôi không nghĩ rằng Ba Lan sẽ thay đổi quan điểm của mình” - Krzysztof Fedorovic nhận định.

Một yếu tố tiếp tục gây chia rẽ quan hệ Đức - Ba Lan là dự án xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga chạy qua biển Baltic đến Đức mà không qua lãnh thổ Ukraine.

Ba Lan đang kịch liệt phản đối dự án này vì nó “chỉ phục vụ cho lợi ích riêng của Đức”.

Theo Warsaw, Đức hiện đang đặt lợi ích kinh tế cá nhân lên trên lợi ích an ninh năng lượng toàn EU. Việc thực hiện dự án này sẽ càng làm EU gia tăng sự phụ thuộc vào Nga.

Đức, quốc gia trước đó kêu gọi đa dạng hóa các nguồn cung khí đốt và gần như kiên quyết ngăn cản các quốc gia khác trung chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu, lại “trở mặt” để ủng hộ Nga nhằm nhận được lợi tức từ trung chuyển khí đốt cho Nga.

“Sử dụng các luận điệu chống Đức, giới chức Ba Lan không chỉ mong muốn nhận được sự ủng hộ từ dân chúng mà còn muốn có tiếng nói quan trọng hơn trong việc thông qua các quyết định của EU.

Tuy nhiên, Ba Lan không đủ mạnh để có thể trở thành đối thủ của Đức.

Hơn nữa, Ba Lan lại phụ thuộc khá lớn về kinh tế vào Đức vì hiện Đức vẫn là đối tác kinh tế chủ chốt của Ba Lan.

Tôi không loại trừ khả năng Ba Lan sẽ thành lập liên minh các nước Đông Âu nhưng thành công này sẽ khó mà đạt được” - Stefan Meister đánh giá.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại