7 sự thật về điểm nóng mới ở Ukraine

Crimea hiện đang là tâm điểm của căng thẳng chính trị ở Ukraine. Vậy bán đảo này có lịch sử ra đời thế nào và tại sao Crimea rơi vào rối loạn?

1- Lịch sử Crimea

Cộng hòa tự trị Crimea, bán đảo tuyệt đẹp nằm bên bờ Biển Đen, trong nhiều thế kỉ đã bị các đế chế xâm chiếm và lấy làm thuộc địa. Người Hy Lạp, Scyth, Byzantine và Genoa đều để lại dấu ấn trên bán đảo này.

Đế quốc Nga nhập Crimea vào lãnh thổ của mình vào cuối thế kỷ 18 sau một cuộc chiến tranh đẫm máu với đế chế Ottoman.

Dưới thời Liên Xô, người dân Xô viết vẫn coi Crimea là “khu nghỉ dưỡng” của toàn liên bang.

2- Những ai đang sống ở Crimea?

Đa số người dân Crimea hiện nay là người Nga (chiếm khoảng 58,3%). Người Ukraine chiếm khoảng 24% và 12% là người Crimean Tatars.

Gần như tuyệt đại đa số người dân Crimea (97%) dùng tiếng Nga là ngôn ngữ chính.

3- Điều gì đang xảy ra ở Crimea?

Sau khi Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych bị lật đổ và chính quyền lâm thời được thành lập, những người Nga sống ở Crimea bắt đầu biểu tình bên ngoài tòa nhà quốc hội, yêu cầu các nghị sĩ không ủng hộ chính quyền mới của Ukraine.

Hôm 26/2, quốc hội Crimea chuẩn bị tuyên bố lập trường của bán đảo này về giới chức mới ở Kiev. Nhóm những người Crimean Tatars đã phản đối gay gắt việc quốc hội bàn về vấn đề này và bày tỏ sự ủng hộ đối với chính quyền mới ở Ukraine.

Hàng nghìn người đã tham gia vào hai cuộc biểu tình với quan điểm trái ngược nhau đã đối đầu tại tòa nhà quốc hội tại thành phố Simferopol, thủ phủ bán đảo Crimea. Xô xát đã khiến hai người thiệt mạng và khoảng 30 người bị thương trước khi lãnh đạo những người Crimea Tatars kêu gọi người biểu tình trở về nhà.

"Theo gương” Kiev, các nhóm dân quân tự vệ được thành lập và khoảng 3.500 người cùng cảnh sát tiến hành tuần tra trên các đường phố ở Crimea để ngăn chặn các hành động khiêu khích.

4- Tác động của việc chính quyền Kiev thay đổi

Crimea bắt đầu rơi vào rối loạn sau khi chính quyền Ukraine tước bỏ một điều luật cho phép các ngôn ngữ thiểu số, trong đó có tiếng Nga, làm ngôn ngữ chính thức. Luật Ukraine năm 2012 cho phép các vùng nói tiếng Nga của nước này được sử dụng tiếng Nga với tư cách là ngôn ngữ chính thức trong các lĩnh vực kinh doanh, giáo dục và một số lĩnh vực khác.

Việc bác bỏ tiếng Nga là ngôn ngữ chính thức đã gây tranh cãi trên khắp Ukraine. Ngay cả một số vùng phía tây có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa cũng lên tiếng phản đối động thái này.

5- Crimea được tách khỏi Nga thế nào?

Vào năm 1954, nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev, xuất thân từ Ukraine, đã chuyển bán đảo này chịu sự quản lý của Ukraine, tách Crimea khỏi lãnh thổ Nga.

Sau khi Liên Xô tan vỡ, “món quà” của Khrushchev dành cho Ukraine đã bị người Nga phản đối bao gồm cả những người sống tại Cộng hòa tự trị Crimea.

6- Các cuộc trưng cầu dân ý

Vào năm 1991, người dân Crimea đã tham gia vào một số cuộc trưng cầu dân ý. Trong đó, một cuộc trưng cầu dân ý đề xuất bán đảo này là Cộng hòa tự trị thuộc Liên Xô với 93,26% người tham gia ủng hộ.

Ngay sau đó khi tình hình Liên Xô bất ổn, một cuộc trưng cầu dân ý được tiến hành để tìm hiểu liệu người dân Crimea có ủng hộ Ukraine tách khỏi Liên Xô – với kết quả 54% người ủng hộ.

Tuy nhiên, một cuộc trưng cầu dân ý về việc Crimea độc lập khỏi Ukraine đã không được phép tiến hành. Giới phân tích đã lên tiếng chỉ trích giới chức Kiev đàn áp quyền lợi hợp pháp của người dân bán đảo này.

7- Chuyện gì sẽ xảy ra với Crimea?

Những người Nga sống ở Crimea mong muốn tiến hành trưng cầu dân ý để hòn đảo này ra quyết định duy trì tình trạng hiện nay của hòn đảo này với tư cách một vùng đất tự trị thuộc Ukraine hay tách khỏi Ukraine hoặc quay trở lại thành một phần lãnh thổ Nga. Những người Nga ở Crimea cũng tuyên bố họ có quyền không tuân thủ các chỉ thị của chính quyền trung ương “phi pháp”.

Trong khi đó, những người Mejlis Tatar lại cho rằng người Nga ở Crimea đang tìm cách “tách Crimea ra khỏi Ukraine” và không cho người Mejlis Tatar tham gia vào việc quyết định vận mệnh của bán đảo này.

Giới chức Kiev hiện đang bận bịu với việc bổ nhiệm các vị trí cho chính quyền mới và có cách tiếp cận khá mềm mỏng đối với Crimea. Thậm chí Bộ trưởng Bộ Nội vụ lâm thời Ukraine còn không có bất kỳ “biện pháp mạnh tay” gì để bắt giữ cựu Tổng thống Yanukovych vì lo sợ động thái đó có thể sẽ khơi mào bạo loạn.

Trong khi đó, Nga vẫn luôn khẳng định lập trường của nước này coi Crimea là một phần lãnh thổ của Ukraine.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại